CNQP&KT - Hòa chung không khí hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp đón nhiều đoàn du khách tới tham quan không gian trưng bày chủ đề: “Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972”. Qua đó, giúp mọi người hiểu thêm về “cuộc đụng đầu lịch sử”, nhất là truyền thống đoàn kết, sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Đây là một trong 6 bảo tàng cấp quốc gia, là “địa chỉ đỏ” cho cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.


Một phần trưng bày chủ đề “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.  Ảnh: CTV

Trong không gian rộng hơn 20.000 m2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày gần 3.000 hiện vật theo tiến trình lịch sử, dựa trên cơ sở khoa học, logic, khái quát được những hiện tượng sống động trên chặng đường phát triển của lịch sử quân sự Việt Nam. Không gian trưng bày được bố cục thành các giai đoạn: Lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương cho đến trước năm 1930; Kháng chiến chống thực dân Pháp; Kháng chiến chống Mỹ; Lịch sử quân sự Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày nhiều chuyên đề lịch sử, gồm: Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Vũ khí thô sơ tự tạo trong chiến tranh giải phóng 1945 - 1975.


Các tướng lĩnh và du khách tham quan cụm xác máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi tại xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 18/12/1972.     Ảnh: CTV

Một trong những điểm nhấn của phòng “Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” là phần trưng bày với chủ đề “Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972”. Tại chủ đề này, 122 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được chọn lọc, trưng bày đẹp mắt, tái hiện bức tranh tổng thể về khúc tráng ca bất tử của quân và dân Thủ đô cùng một số địa phương khác trong 12 ngày đêm khốc liệt năm 1972. Hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện tập trung các nội dung: Âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố miền Bắc; Công tác chuẩn bị, kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng khác; Quân và dân ta chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, đánh bại cuộc tập kích, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; Lên án tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra cho người dân Hà Nội, theo đó chỉ trong 12 ngày đêm, Mỹ đã dùng hàng trăm máy bay B-52 ném xuống Hà Nội hơn 10.000 tấn bom, giết hại 2.380 người, phá hủy nhiều thị trấn, đường phố, bệnh viện, trường học, nhà máy, xí nghiệp. Một nội dung quan trọng của phần trưng bày là khẳng định chiến công lừng lẫy của quân và dân miền Bắc khi đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, và thu giữ nhiều tài liệu, tang vật.

Trong số hơn 13.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật Bảo tàng lưu giữ và bảo quản, có gần 2.000 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chứa đựng các thông tin liên quan tới Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.

                (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Các hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc liên quan đến Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tích cực sưu tầm ngay sau năm 1972. Đến nay, trong số hơn 13.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản, có gần 2.000 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chứa đựng các thông tin liên quan tới chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Nhóm hiện vật này đa dạng về chủng loại, chất liệu, gồm: giấy, vải, kim loại, file âm thanh, hình ảnh… với đầy đủ kích thước, trọng lượng, đã khắc họa sinh động bối cảnh, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng. Trong số các hiện vật được trưng bày phải kể tới một số hiện vật tiêu biểu như: bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B-52 tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; bản đồ diễn biến chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ; bức ảnh ghi lại cuộc họp của Bộ Chỉ huy chiến dịch Liner becker 2 tại căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, bàn về việc triển khai máy bay B-52 ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam; bức ảnh khu phố Khâm Thiên bị bom Mỹ tàn phá ngày 26/12/1972; mảnh xác máy bay B-52 bị quân ta bắn rơi tại xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, ngày 18/12/1972; các tang vật, tài liệu thu được từ phi công Mỹ gồm: mũ phi công, đèn tín hiệu, địa bàn, hộp đựng thuốc hóa trang, cưa dây, súng tín hiệu, đèn pin, sách hướng dẫn đi rừng, bản đồ, áo bay, phao cứu sinh, cờ cứu mạng…


Những trang bị của phi công Mỹ do quân và dân ta thu được trong tháng 12/1972.   Ảnh: CTV

Đến với không gian trưng bày này, du khách trong nước và quốc tế được nghe giới thiệu về đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam; bối cảnh, diễn biến, kết quả và những thông tin lịch sử chính xác, đầy đủ về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 của quân và dân ta; bước phát triển của lực lượng phòng không 3 thứ quân; nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân… Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về tầm vóc của  Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là một trong những chiến thắng mang ý nghĩa thời đại của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Phần trưng bày Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 giúp du khách hiểu hơn về tầm vóc sự kiện. Đó là một trong những chiến thắng mang ý nghĩa thời đại, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam.

Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật phản ánh chiến công vĩ đại của “cuộc đụng đầu lịch sử”, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật để không ngừng bổ sung, hoàn thiện phòng trưng bày xứng tầm với giá trị của sự kiện lịch sử; tích cực tổ chức các triển lãm chuyên đề tại chỗ và lưu động; thiết lập các lịch trình du lịch tham quan với các công ty lữ hành, cơ quan, tổ chức, trường học; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và văn hóa ứng xử cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên. Qua đó góp phần gìn giữ, lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung đến nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế, thể hiện sự tri ân và tôn vinh những đóng góp lớn lao của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thượng úy ĐỖ KIỀU DUNG

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: