Về Tiền Hải nghe chuyện, ngắm cây…31/01/2023CNQP&KT - Đóng quân trên mảnh đất Tiền Hải, một huyện giàu truyền thống cách mạng của “quê hương 5 tấn” Thái Bình, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 8 (thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3) đang ngày đêm hăng say huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vững vàng nơi “đầu sóng ngọn gió”... “Sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải/Nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa/Nghe tiếng trống năm 30 còn lay động đến bây giờ…”. Thế hệ chúng tôi từ những năm 1980 của thế kỷ trước đã thuộc lòng những câu hát trên của nhạc sĩ Thái Cơ, một người con tài hoa của “quê hương 5 tấn” Thái Bình. Đặc biệt, từ khi “Nhịp máy khoan reo đòi tài nguyên từ lòng đất bao la” đưa dòng khí công nghiệp đầu tiên vào buồng đốt tua-bin nhiệt điện Tiền Hải, chúng tôi đã nhiều lần về thăm mảnh đất được coi là "cái nôi" của ngành dầu khí Việt Nam… Tiền Hải là vùng đất trẻ, được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng, kẹp giữa hai cửa biển Trà Lý và Ba Lạt, đều là những địa danh gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hơn 200 năm trước đây, khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ theo lệnh của Triều đình nhà Nguyễn đưa dân ra đây khai hoang, lấn biển, lập hương thôn… đã đặt tên cho mảnh đất này là Tiền Hải, với ngụ ý là “biển bạc”. Nhưng “Tiền Hải” còn có nghĩa là “trước biển”. Và vị trí địa lý của mảnh đất này quả thật là một tiền đồn “trước biển” trong thế phòng ngự bảo vệ bờ cõi của nước Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Đó cũng là lý do Trung đoàn bộ binh 8, Sư đoàn 395, Quân khu 3, đứng chân trên mảnh đất này. Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng và đồng đội chụp ảnh lưu niệm bên vườn cây ăn quả của Trung đoàn 8. Ảnh: LÊ NAM Ngược dòng lịch sử hơn nửa thế kỷ trước, Trung đoàn bộ binh 8 thuộc Quân khu Tả Ngạn được thành lập, với nhiệm vụ chủ yếu là tuyển quân, huấn luyện chi viện cho chiến trường miền Nam; đồng thời, là lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc XHCN. Chỉ trong vòng 4 năm, kể từ ngày thành lập đến mùa Xuân 1975, Trung đoàn đã huấn luyện được 32 tiểu đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn chiến sĩ nữ chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn chỉnh 1 trung đoàn theo phương thức “nở nồi” hồi đó. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Trung đoàn trực tiếp bảo vệ tuyến biên giới ở Quảng Ninh. Mùa hè năm 1999, Trung đoàn bộ binh 8 về đứng chân ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tham quan vườn bưởi tại Sở Chỉ huy Trung đoàn 8. Ảnh: TRẦN LÊ Đóng quân ở vị trí tiền đồn “đầu sóng ngọn gió”, Trung đoàn 8 phải đối mặt với biết bao khắc nghiệt của thiên nhiên. Một trong những khó khăn đó là điều kiện đất đai nhiễm mặn, thường xuyên úng ngập, cây cối rất khó phát triển, trừ những loài cây bản địa sinh trưởng tự nhiên trong môi trường ngập mặn như sú, vẹt, bần, mắm… Những ngày đầu chuyển quân về đây, tiếp quản khu vực doanh trại của đơn vị trước để lại, chỉ lác đác những thân dừa bạc phếch, xác xơ và những gốc phi lao vật vã trong ầm ào sóng gió biển khơi. Cuối năm 2016, khi được thông báo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3 (nay là Trung tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) sẽ tặng đơn vị một số loại cây ăn quả, lãnh đạo và chỉ huy Trung đoàn 8 đã chỉ đạo Ban Hậu cần tiến hành khảo sát thực địa kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của địa phương để trả lời câu hỏi “trồng cây gì?”. Sau khi nghe đơn vị báo cáo giải trình các yếu tố kỹ thuật và quy hoạch các vườn cây, Chính ủy Nguyễn Mạnh Hùng quyết định tặng Trung đoàn 1.500 cây bưởi, 500 cây mít và một số loại cây để trồng thí điểm, như: xoài, nhãn, sấu, vú sữa, chay, na, vối... Như vậy, nếu thành công thì “Vườn cây Chính ủy” sẽ có cây ăn quả, nấu canh, nấu nước giải khát…
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi sai trĩu trịt đang vào mùa thu hoạch, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hậu, Phó Chính ủy Trung đoàn, hào hứng kể: Trung đoàn đóng quân vùng trũng, sát biển, đất nhiễm mặn nên cây trồng rất khó sống, nhất là với những giống cây ăn quả “khó tính”. Vì vậy, các đơn vị phải tôn cao nền vườn, có nơi trên nửa mét. Đất tôn nền vườn thì kết hợp hoạt động dân vận như đào ao, đào mương, vét đầm… trong chương trình tham gia xây dựng nông thôn mới. Có đơn vị như Tiểu đoàn 5 đóng quân sát chân đê biển, mặt bằng xấp xỉ mặt biển, đào xuống vài chục phân là gặp nước mặn. Do đó, mỗi hố trồng cây phải đào sâu và rộng ít nhất một mét rồi xin đất ải của dân đổ xuống… Vườn cây ăn quả tại Tiểu đoàn 5 (thuộc Trung đoàn 8). Ảnh: THÁI ANH Công phu, cẩn thận như thế nên cây chẳng phụ người, cứ âm thầm bám đất mà vươn mình, nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái… Sau 2 năm, đã có cây cho quả bói. Sau 3 năm, hầu hết các vườn bưởi đã trổ hoa. Nhưng “mừng chưa no, lo đã tới”! Cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 5 còn nhớ mãi vào tháng 10/2020, cơn bão số 8 đổ bộ vào Tiền Hải với sức gió giật trên cấp 12. Khi bão còn lồng lộn ngoài khơi, cùng với việc chằng chống nhà cửa, kho tàng… cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã khẩn trương đóng cọc, neo dây bảo vệ từng gốc cây ăn quả. Vậy mà sau bão vẫn có cây bật gốc, gẫy cành, quả rụng đầy vườn trong nỗi xót xa, tiếc nuối của cán bộ, chiến sĩ. Mọi người xắn tay cứu vườn, cứu cây… để rồi hai mùa thu vừa qua, cán bộ và chiến sĩ đơn vị đã được thưởng thức hoa thơm trái ngọt của “Vườn cây Chính ủy”. Thân nhân của cán bộ và chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới, đến thăm đơn vị được thưởng thức những món quà “cây nhà lá vườn” càng thêm phấn khởi, yên tâm… Nơi đây, cây cũng như người, người cũng như cây, vững vàng vượt qua sóng gió mà từng bước trưởng thành, kiên trì bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để phát triển… ![]() Hoạt động thể thao của chiến sĩ Trung đoàn 8. Ảnh: CTV Đặc biệt, Tiểu đoàn 5 đóng quân kề bên khu du lịch sinh thái Đồng Châu. Du khách đến nơi đây sẽ được ngắm bình minh và hoàng hôn từ các nhà chòi lênh khênh trên mặt nước, tắm bùn miễn phí và thưởng thức các món hải sản tươi ngon... Nếu du khách là người quen, hoặc “lính cũ” của đơn vị, hẳn sẽ ghé thăm “Vườn cây Chính ủy” trong khuôn viên Tiểu đoàn 5 sát bên kia đê biển, để hào hứng nhắc lại những đợt ra quân thực hiện công tác dân vận, xây dựng địa bàn và… xin đất về trồng cây! Chẳng hạn như gần đây nhất, hồi tháng 10/2021, là đợt gặt lúa “xanh nhà hơn già đồng” tránh cơn bão số 7 ở 2 xã Đông Quý và Tây Lương; chuyện phụng dưỡng suốt đời Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và tặng Nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong ở thôn Nghĩa; chuyện xây dựng sân vận động và chỉnh trang kênh mương ở xã Đông Hoàng; chuyện tham gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Thái Thụy, v.v.
Có thể nói, trong hành trình xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 8 luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai… Trung đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Liên tục từ năm 2012 đến năm 2021, Trung đoàn được Bộ Quốc phòng công nhận là “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Ghi chép của TUYÊN HÓA |