CNQP&KT - Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là những đóng góp của các quân khu và các đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP), gần 20 năm qua, nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc Quân đội phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên các địa bàn chiến lược, Bộ Quốc phòng chủ trương lựa chọn những địa bàn đặc biệt khó khăn, trống dân, thưa dân, nhạy cảm về vấn đề dân tộc, tôn giáo dọc biên giới để xây dựng các khu KT-QP. Sau gần 20 năm triển khai, đến nay, toàn quân đã xây dựng được 28/33 khu KT-QP. Các khu KT-QP đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên thế và lực mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN ở các vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển các khu KT-QP đến nay cơ bản đã đạt được mục tiêu về ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược, khu vực biên giới. Các đoàn KT-QP đứng chân trên những vị trí trọng yếu dọc tuyến biên giới đã góp phần tạo thế trận quốc phòng liên hoàn, vừa đảm bảo tính cơ động, vừa đảm bảo tính vững chắc, trở thành một thành phần quan trọng trong khu vực phòng thủ. Các đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương duy trì ổn định các hộ dân đưa ra khu vực biên giới; tiếp tục di dân, giãn dân; bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách cho người dân và cộng đồng dân cư, giúp dân ổn định cuộc sống bền vững tại địa bàn các khu KT-QP. Đến năm 2020, tại các khu KT-QP đã xây dựng được trên 1.300 điểm dân cư tập trung; đỡ đầu, ổn định tại chỗ cho trên 68.000 hộ dân; đón nhận và sắp xếp trên 31.500 hộ dân. Việc xây dựng, duy trì, phát triển các cụm và điểm dân cư đã góp phần xây dựng lực lượng và thế trận khu vực phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc... Các đoàn KT-QP đã tập trung giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; văn hóa, giáo dục được quan tâm, phát triển góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đấu tranh phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội trên địa bàn... Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KT-QP trong tuyên truyền vận động quần chúng; kết nghĩa với các đoàn thanh niên địa phương ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn... Các đoàn KT-QP duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân thông qua hoạt động của các bệnh xá quân dân y kết hợp; đồng thời, phối hợp với Bệnh viện quân y 108 và 175 đưa hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ đến các khu KT-QP khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tuyên truyền và hướng dẫn vệ sinh phòng dịch cho nhân dân. Cùng với y tế địa phương, bệnh xá của các đoàn KT-QP đã khám bệnh cho gần 1,7 triệu lượt bệnh nhân, tiêm chủng cho trên 82.600 lượt người, thu dung điều trị trên 200.000 bệnh nhân, phẫu thuật trên 15.000 trường hợp; tổ chức được 65 lớp tập huấn cho nhân viên y tế thôn, bản với gần 2.000 học viên; hỗ trợ trang - thiết bị y tế, tiền thuốc và bữa ăn cho nhân dân với số tiền trên 1.340 tỷ đồng...


Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 799 (Quân khu 1) giúp nhân dân thôn Nà Dạn, xã Thượng Hà (Bảo Lạc, Cao Bằng) làm đường bê tông.   Ảnh: CTV

Với nguồn kinh phí do Nhà nước đảm bảo và các nguồn lực khác, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành xây dựng 403 tuyến đường giao thông các loại với tổng chiều dài gần 1.500km; xây mới 89 cầu, 130 công trình điện với 14.636km đường dây, 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với chiều dài 1.482km, 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ trên 20.200 hộ dân; xây mới 58 trạm xá quân y và 33 bệnh xá quân dân y, 390 phòng học với tổng diện tích 43.786m2, v.v. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh được bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ cho phát triển KT-XH. Nhờ đó, tại các khu KT-QP, điều kiện sinh hoạt của người dân được thuận lợi hơn, đời sống được cải thiện, các hộ đói nghèo giảm dần qua từng năm. Đặc biệt, các đoàn KT - QP đã tổ chức tốt mô hình sản xuất và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế. Tại các khu KT-QP trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) đã trồng được trên 44.500 héc-ta cao su, trong đó có 35.000 héc-ta cao su đang trong thời kỳ khai thác; trên 2.700 héc-ta cà phê, hơn 10.000 héc-ta điều cao sản, gần 1.000 héc-ta cây nguyên liệu giấy... Các đơn vị đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 hộ gia đình đồng bào sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên. Tại các khu KT-QP không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, các đoàn đã giúp dân hiệu quả thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tổ chức dịch vụ 2 đầu (thu mua, chế biến nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật...). Trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tại 33 huyện của 17 tỉnh có dự án khu KT-QP đã triển khai được 266 mô hình chăn nuôi cho trên 10.700 hộ dân, 18 mô hình trồng trọt cho trên 7.500 hộ dân... Các đoàn KT-QP và nhiều đơn vị Quân đội đã trồng mới được 6.794 héc-ta rừng, bảo vệ được 118.851 héc-ta rừng tự nhiên, khoanh nuôi và tái sinh được 2.422 héc-ta rừng... Thông qua đảm bảo việc làm và hỗ trợ sản xuất cho nhân dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn (có những nơi khi chưa xây dựng khu KT-QP tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 45 đến 90%, nay giảm còn 30-10%).

Đến năm 2020, tại các khu KT-QP đã xây dựng trên 1.300 điểm dân cư tập trung; đỡ đầu, ổn định tại chỗ cho trên 68.000 hộ dân; đón nhận và sắp xếp trên 31.500 hộ dân.

                (Nguồn: Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua gần 20 năm xây dựng các khu KT-QP vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và mục tiêu đặt ra. Trong đó, nổi lên là công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa các đoàn KT-QP với cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc chưa thống nhất, còn tập trung vào nhiệm vụ kinh tế đơn thuần; các dự án đầu tư xây dựng khu KT-QP sau một thời gian sử dụng không có nguồn lực duy tu, bảo dưỡng (vốn địa phương); KT-XH vùng dự án tuy có bước phát triển nhưng chưa thật sự đột phá so với các địa bàn khác, có nơi chưa bền vững; giá sản phẩm nông nghiệp không ổn định; việc hỗ trợ phát triển dịch vụ hai đầu còn nhiều hạn chế... Bên cạnh đó, biên chế tổ chức của đoàn KT-QP còn bất cập, chậm được kiện toàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; công tác tuyển dụng cán bộ còn khó khăn; việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn quản lý và kỹ thuật sản xuất ở các đoàn chưa thường xuyên, dẫn đến thiếu cán bộ có chuyên môn phù hợp; một số chế độ với lực lượng Quân đội tham gia xây dựng các khu KT-QP chưa phù hợp với tình hình mới; cơ chế quản lý, điều hành khu KT-QP còn bất cập...


Cán bộ Binh đoàn 16 hướng dẫn đồng bảo dân tộc chăm sóc cây cà phê.   Ảnh: QUANG SÁNG

Trong thời gian tới, để việc xây dựng các khu KT-QP đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan cần quán triệt và thực hiện tốt Nghị định số 22/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ về xây dựng khu KT–QP, trong đó cần xác định rõ việc quy hoạch khu KT–QP là một phần của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Quốc phòng năm 2018... Cơ cấu lại vốn, thống nhất cơ chế đầu tư, chính sách tài chính trong xây dựng quản lý khu KT–QP đảm bảo phù hợp với thực tế, thống nhất quy định về cơ chế đầu tư, chính sách tài chính trong xây dựng và quản lý khu KT–QP. Các nguồn vốn đầu tư xây dựng bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; vốn huy động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia các dự án hoặc công trình tại các khu KT-QP theo quy định của pháp luật; các nguồn vốn khác. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách với các đối tượng thực hiện nhiệm vụ tại các khu KT-QP, như được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống và các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng các khu KT–QP được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan; người lao động, công nhân ở các khu KT–QP được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và chế độ chính sách ưu đãi khác của pháp luật. Thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí mua, sửa chữa trang thiết bị y tế, giáo dục, phương tiện giao thông, truyền thông, công tác chính sách xã hội, đào tạo nghề... ở các khu KT–QP; hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động thuộc doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được giao nhiệm vụ xây dựng khu KT–QP; hỗ trợ dân sinh sống hợp pháp tại khu KT-QP vay vốn, hỗ trợ giảm nghèo, nhà ở, công trình sinh hoạt thiết yếu và bảo hiểm y tế; quan tâm, hỗ trợ quân nhân, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ quân sự đến công tác tại các khu KT–QP hưởng các chế độ chính sách, ưu đãi theo quy định.

“Việc xây dựng và phát triển các khu KT-QP cơ bản đã đạt được mục tiêu về ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược, khu vực biên giới”.

 (Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng)

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP theo thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các khu KT- QP. Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh bền vững thông qua việc bố trí dân cư, xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ.

Ba là, các đoàn KT-QP cần tham gia tích cực hơn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu và xây dựng các chính sách phù hợp nhằm thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng các đoàn KT-QP. Tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng cường đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các đoàn KT-QP nhằm đào tạo nguồn nhân lực và bổ sung, xây dựng lực lượng trên địa bàn các đoàn KT-QP.

Bốn là, các đoàn KT-QP cần tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nhà ở, đất ở và sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; sắp xếp, ổn định dân cư trong khu KT-QP gắn với quy hoạch của từng địa phương. Tổ chức lại mô hình sản xuất tại các khu KT-QP theo hướng ưu tiên phát triển kinh tế hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức dịch vụ hai đầu giúp dân phát triển kinh tế thông qua hoạt động trực tiếp của đoàn KT-QP hoặc giúp chính quyền địa phương tổ chức dịch vụ, thúc đẩy người dân tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo; chuẩn bị mọi yếu tố để có thể chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở vật chất cho Nhà nước và địa phương khi có yêu cầu; triển khai thực hiện nghiêm Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội đối với các đoàn KT-QP hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Năm là, rà soát kế hoạch trung hạn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình quốc phòng, đảm bảo tính kết nối và liên thông với các công trình hạ tầng của địa phương. Ưu tiên triển khai các công trình, mô hình mang tính cấp thiết, gắn chặt với sản xuất và đời sống của người dân nhằm tạo bộ mặt mới trong phát triển KT-XH trên tuyến biên giới. Các điểm dân cư tập trung được xây dựng phải đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, đủ đất ở và đất sản xuất. Đẩy nhanh quyết toán các công trình hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Sáu là, tiếp tục có những giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KT-QP trong tình hình mới. Trong đó, cụ thể hóa chính sách đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đoàn KT-QP; quan tâm đúng mức tới chính sách thi đua, khen thưởng đối với các đoàn KT-QP; xây dựng cơ chế khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong các khu KT-QP; hoàn thiện thủ tục pháp lý về giao đất, xây dựng chính sách thuế và thương mại phù hợp; có chính sách giãn dân, di dân, duy trì cuộc sống dân cư trong vùng dự án.

Bảy là, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, củng cố các đoàn KT-QP. Các đoàn phải duy trì nghiêm công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, dự bị động viên, xây dựng khu vực phòng thủ theo chỉ lệnh quân sự, quốc phòng hằng năm; nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy nổ, thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Lấy hiệu quả ổn định tình hình chính trị và phát triển KT-XH làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ các đoàn KT-QP. Tập trung huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các đoàn KT-QP đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và ưu tiên tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ là người dân tộc ở địa phương. 

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP còn rất nặng nề, do đó, rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đối với việc xây dựng và phát triển các khu KT-QP nhằm được đạt được những kết quả khả quan hơn, góp phần giữ vững thế trận lòng dân ở các địa bàn chiến lược. 

Thiếu tướng, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG

Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: