CNQP&KT - Sự ra đời, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 8 thập kỷ qua có đóng góp rất quan trọng và hiệu quả của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Trước vận hội và thách thức mới, ngành CNQP Việt Nam cần có bước phát triển mang tính đột phá để góp phần vào tiến trình xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đó là nội dung cốt lõi mà Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đã trao đổi cùng đại diện Ban biên tập Tạp chí CNQP và Kinh tế trong "Gặp gỡ - Đối thoại" kỳ này.

VAI TRÒ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CẤU THÀNH SỨC MẠNH QUÂN SỰ

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Trước hết, xin được chúc mừng đồng chí vừa được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao giữ trọng trách Phó giám đốc Học viện Chính trị. Trên cương vị mới, đồng chí vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực khoa học quân sự?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: (Cười) Cảm ơn nhà báo đã "nhanh và nhạy" trong nắm bắt thông tin! Tôi nghĩ rằng, trọng trách lớn hơn nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để tôi tiếp tục được nghiên cứu sâu rộng về khoa học quân sự và CNQP. Trong đó, tôi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt nghiên cứu các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự gần đây, nhất là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, khu vực Trung Đông; nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong xây dựng, phát triển ngành CNQP đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.


Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai.   Ảnh: PV

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Là người nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu về khoa học quân sự, kinh tế quân sự, công nghiệp quân sự, đồng chí có nhận xét gì về vai trò của CNQP, cả trong thời chiến và thời bình?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Trong "hành trang" nghiên cứu của tôi, CNQP luôn có vị trí đặc biệt và được tôi dành nhiều tâm huyết thông qua cuốn sách do tôi đồng chủ biên: "Phát triển doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo hướng tinh, gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Thực tiễn đã chứng minh, CNQP có vai trò đặc biệt quan trọng cấu thành sức mạnh quân sự của Nhà nước, góp phần giữ vững, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nhận thấy vai trò to lớn của Quân giới - CNQP, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sớm có chủ trương xây dựng nền CNQP tự chủ. Bằng những kết quả cụ thể trong nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, cải tiến, sửa chữa vũ khí, trang bị đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong thời bình, vai trò của CNQP tiếp tục được khẳng định, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển và hội nhập của đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập đến quan điểm "Người trước, súng sau", theo đồng chí, cần hiểu về vấn đề này như thế nào cho thấu đáo?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Nghiên cứu quan điểm "Người trước, súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, mà ở đây là xây dựng quân đội cách mạng trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, trong khi kẻ địch lại là những đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí để từng bước nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tôi cho rằng, "Người trước, súng sau" là mối quan hệ giữa con người và vũ khí; "Người trước" mang tính quyết định chiến thắng; "súng sau" là vũ khí, nhưng con người là chủ thể làm nên vũ khí, phải sử dụng thành thạo, hiệu quả vũ khí; biết kết hợp giữa sức mạnh của vũ khí với nghệ thuật quân sự Việt Nam để chiến đấu và chiến thắng.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nhìn nhận dưới góc độ khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đồng chí có thể khái quát những tố chất cơ bản của "người lính Quân giới - CNQP"?

"Cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền CNQP Việt Nam chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định".

 (Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai)

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Dưới góc độ nghiên cứu của chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn quân sự, có thể khái quát tố chất cơ bản của "người lính Quân giới - CNQP" như: Lòng yêu nước, yêu đồng bào, có hoài bão và khát khao phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao, chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh thầm lặng; có tinh thần lao động sáng tạo, đam mê nghiên cứu, tâm huyết, trách nhiệm; thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh của thực tiễn…

Tôi chắc chắn rằng, những tố chất này luôn được gìn giữ, bồi đắp, phát huy qua các giai đoạn phát triển của CNQP, nhất là thời kỳ đổi mới, hội nhập góp phần làm nên những trang sử vẻ vang hào hùng qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta.

TIÊN PHONG TRONG TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, trong Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp (AN và ĐVCN) đã được Quốc hội thông qua giữa năm 2024 có đề cập đến việc xây dựng tổ hợp CNQP, theo đồng chí, chúng ta đã có những tiền đề gì để hướng tới việc xây dựng tổ hợp CNQP Việt Nam?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Xây dựng và phát triển tổ hợp CNQP là xu hướng phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc xây dựng tổ hợp CNQP dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở chính trị, pháp lý như: Các nghị quyết của Đảng, Luật CNQP, AN và ĐVCN; thành tựu gần 40 năm đổi mới đất nước; kinh nghiệm phát triển tổ hợp CNQP trên thế giới; kinh nghiệm xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam với những kết quả đạt được về trình độ tổ chức, quản lý, công nghệ, cơ sở vật chất và nhân lực, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao; hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng... Đó là những tiền đề rất quan trọng để hướng tới xây dựng tổ hợp CNQP Việt Nam thời gian tới.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Ngành CNQP có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Đúng thế! Vai trò của CNQP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức quan trọng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo đó, CNQP được xác định là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang. Cùng với các đơn vị khác trong toàn quân, ngành CNQP đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị "về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo"; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương "về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo". Mặt khác, bộ tiêu chí Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại trong tình hình mới xác định rất rõ về ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, lưỡng dụng, tiến tới làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị hiện đại có hàm lượng công nghệ cao.

Vì thế, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của CNQP trong tiến trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại vào năm 2030. Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chiến tranh và xung đột quân sự trên thế giới, các nước chạy đua vũ trang, nhiều chủng loại vũ khí mới ra đời làm thay đổi cục diện trên chiến trường, do đó, cùng với các lực lượng khác, CNQP phải đi đầu, tiên phong trong tiến trình hiện đại hóa Quân đội. Tiên phong cả về tổ chức, con người, cơ sở vật chất, trang - thiết bị… bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng. 


Đoàn cán bộ các cơ quan, đơn vị thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem sản phẩm quốc phòng do Nhà máy Z131 nghiên cứu thiết kế, chế tạo (tháng 3/2023). Ảnh: TUẤN MINH

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 26/1/2022 về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo" nêu rõ, phát triển CNQP chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Theo đồng chí, tiêu chí "mũi nhọn" cần được hiểu như thế nào?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Trong những năm vừa qua, cụm từ "mũi nhọn" thường được gắn với các ngành, lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Thực chất của việc phát triển CNQP trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, CNQP phải luôn tiên phong, nhạy bén, đi đầu trong nghiên cứu,  thiết kế, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi… "Mũi nhọn" là trên cơ sở các công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. "Mũi nhọn" còn được hiểu là CNQP tiên phong, đi đầu về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng cho công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù và phải được hiện thực hóa thành các sản phẩm kinh tế do CNQP chế tạo, sản xuất có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tôi cho rằng, phát triển CNQP trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là vấn đề mang tính chiến lược, cấp bách, cơ bản, lâu dài.

XÂY DỰNG NỀN CNQP CHỦ ĐỘNG, TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Thưa đồng chí, con người luôn là chủ thể của mọi sự phát triển, vậy cần phải làm gì để bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm phục vụ xây dựng và phát triển CNQP thời kỳ mới?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Ở trên chúng ta đã nhắc đến quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Người trước, súng sau" với nội dung cốt lõi là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí. Vì thế, cốt lõi của việc xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam là thu hút, trọng dụng nhân tài. Hiện nay, CNQP đang thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư ở những lĩnh vực đặc thù. Trong khi đó, cơ chế chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực CNQP còn nhiều bất cập. Do vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng với một hệ thống giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, có tính khả thi, nhất là về chế độ đãi ngộ, tiền lương, cấp bậc, chức vụ, chính sách hậu phương để đạt mục tiêu quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, phát triển nhân tài phục vụ xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam. Bàn sâu về vấn đề này, vừa qua, Tổng cục CNQP đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học xã hội nhân văn cấp Bộ Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chính ủy Tổng cục CNQP đã chủ biên cuốn sách "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, trong đó có nhiều thông tin rất hữu ích về trọng dụng nhân tài CNQP.

"CNQP phấn đấu trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia còn được hiểu là phải tiên phong, đi đầu về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng cho công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù".

(Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai)

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Có thể khẳng định, những đóng góp của ngành CNQP đối với Quân đội và đất nước trong những năm qua là rất to lớn, nhưng nếu "nhìn ra thế giới" thì chắc chắn chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, thưa đồng chí?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Trải qua gần 80 năm xây dựng, trưởng thành, CNQP Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, đáng trân trọng và tự hào; luôn là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, bảo đảm vũ khí trang bị phục vụ cho các hoạt động quân sự, quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, "nhìn ra thế giới" thì đúng là chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Hiện nay, trong 11 trình độ thứ bậc của CNQP thế giới thì Việt Nam đứng thứ 7/11, là trình độ tự nghiên cứu triển khai ở mức độ hạn chế để sản xuất theo mẫu. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2025 đạt trình độ thứ 8/11, là tự nghiên cứu sản xuất ở mức độ hạn chế một số loại vũ khí tiên tiến. Như vậy, CNQP còn rất nhiều việc phải làm, đó là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đủ mạnh; đầu tư hiện đại hóa trình độ công nghệ sản xuất quân sự; đổi mới cơ chế, phương pháp, cách thức tổ chức quản lý và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng. Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý nhà nước về CNQP hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất nước; tổ chức lại các cơ sở CNQP nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp CNQP Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNQP…

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Là người từng tham gia nghiên cứu, góp ý, xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp quy trong Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển CNQP, theo đồng chí, CNQP cần được ưu tiên những gì để có bước đột phá trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, nhất là vũ khí chiến lược, vũ khí có hàm lượng khoa học - công nghệ cao?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Theo tôi, trước mắt cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật để Luật CNQP, AN và ĐVCN sớm được thực thi, đạt hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, như tôi vừa đề cập, cần có chiến lược "dài hơi" trong đầu tư nguồn nhân lực, hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất… Đó chính là nguồn lực tổng hòa để gỡ được nút thắt, tạo bước đột phá trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, nhất là những vũ khí chiến lược, vũ khí có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, đồng chí "chốt lại" điều gì về ngành Quân giới - CNQP Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng?

Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Phai: Thực tiễn lịch sử phát triển của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam đã cho thấy những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Tôi tin rằng, trong thời kỳ mới, CNQP Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Sự phát triển CNQP cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Nhà báo Lê Thiết Hùng: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ THIẾT HÙNG (Thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: