Chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành05/07/2022CNQP&KT – Toà soạn giải đáp một số chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành quy định tại Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ngày 22/2/2022 của Chính phủ. Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành? (Đỗ Trung Thành, công nhân Nhà máy Z113) Trả lời: Ngày 22/2/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2022/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng (CNVCQP) chuyển ngành; CNVCQP thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Theo đó, chế độ, chính sách đối với QNCN, CNVCQP chuyển ngành sang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết phù hợp với công việc đảm nhiệm; được miễn thi tuyển, xét tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan cũ trước khi vào phục vụ trong Quân đội hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với QNCN được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực. Trường hợp tiền lương theo nhóm, ngạch, bậc được xếp thấp hơn tiền lương theo loại, nhóm, bậc của QNCN được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu mức lương và phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành trong thời gian là 18 tháng kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, tổ chức mới chi trả. Việc tiếp tục cho hưởng lương bảo lưu ngoài thời gian 18 tháng do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ. Trong thời gian hưởng bảo lưu lương, mức tiền lương chênh lệch bảo lưu giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch hoặc được nâng ngạch. Sau thời gian bảo lưu lương, tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành hoặc được cộng nối để tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Đối với CNVCQP thì được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực. Nghị định cũng quy định QNCN, CNVCQP đã chuyển ngành, đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tại thời điểm chuyển ngành để làm căn cứ tính lương hưu. Trường hợp QNCN, CNVCQP chuyển ngành không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thôi việc thì ngoài hưởng chế độ BHXH theo quy định, được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc do cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc chi trả; trong đó: cứ mỗi năm công tác trong Quân đội được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm thôi việc để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc; thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc.
Hỏi: Xin cho biết chế độ, chính sách đối với QNCN, CNVCQP chuyển ngành sang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước? (Điêu Quốc Huy, công nhân Nhà máy Z143) Trả lời: Nghị định số 19/2022/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với QNCN, CNVCQP chuyển ngành sang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành; hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý QNCN, CNVCQP trước khi chuyển ngành chi trả. QNCN, CNVCQP khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, được thực hiện các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành nhưng không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định. Về tiền lương và thời gian công tác để tính hưởng chế độ cho QNCN, CNVCQP chuyển ngành, thôi việc, bao gồm: tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với QNCN, công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu nếu có. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ cho QNCN, CNVCQP là tổng thời gian công tác trong Quân đội (thời gian là sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, CNVCQP) và thời gian công tác tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội, trừ thời gian đã hưởng chế độ trợ cấp một lần khi phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc. Trường hợp thời gian công tác đứt quãng thì được cộng dồn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn 1 năm. BAN BIÊN TẬP |