CNQP&KT – Nếu các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng “mệt vì Tết, chết vì rượu” và toàn xã hội sẽ đón Xuân Quý Mão 2023 đầm ấm, vui tươi.

Càng gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không khí chuẩn bị Tết càng rộn ràng, hối hả trên khắp mọi miền đất nước. Trên bình diện chung của xã hội, rất nhiều người vui mừng vì sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Tết này mới có dịp sum họp gia đình, đi chúc Tết họ hàng, người thân... Thế nhưng cũng có không ít người tỏ ra "không thích Tết" và than phiền vì Tết mà quá mệt, phải chạy đôn, chạy đáo mua sắm quà biếu bên nội, bên ngoại, chuẩn bị cỗ bàn...

Với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì bên cạnh “nỗi mệt chung” còn có “nỗi mỏi riêng” do năm nay hai Tết dương lịch và âm lịch gần nhau nên tháng giáp Tết trùng với “mùa tổng kết năm 2022”, “chạy kế hoạch năm cũ và triển khai kế hoạch năm mới” nên đã bận lại còn bận hơn. 

Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn giữ tục lệ đón Tết theo lịch mặt trăng (âm lịch). Tết âm lịch (Nguyên đán) luôn quan trọng nhất đối với người Việt, phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, mời họ hàng, bạn bè và tất nhiên là không thể thiếu rượu. Có lẽ vì thế dân gian quen gọi là “ăn Tết” và “chơi Tết”. Thậm chí tháng Giêng còn được gọi là “tháng ăn chơi”. Trước kia, cha ông ta thường có thói quen uống rượu bằng “chén mắt trâu” và cũng chỉ uống một vài chén. Nay thì cứ phải “trăm phần trăm”, hết chén này đến chén khác. Uống rượu, bia theo cách “chéo tay”, “khát vọng”, “mẹ bồng con”… Thế rồi “rượu vào lời ra” và có cả những cuộc ẩu đả sau “trận rượu” dẫn đến thương tích, chết người. “Ma men” do rượu bia còn dẫn tới tai nạn giao thông. Vì thế, “mệt vì Tết, chết vì rượu” là vậy.

Để khắc phục tình trạng “mệt vì Tết, chết vì rượu”, cách đây mấy năm đã rộ lên “phong trào” đề xuất gộp Tết âm lịch và dương lịch làm một. Có người còn đề nghị bỏ Tết âm lịch, chỉ tổ chức Tết dương lịch như nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, kết quả điều tra xã hội học cho thấy, đa số người Việt vẫn muốn giữ Tết âm lịch, bởi lẽ Tết Nguyên đán là thiêng liêng, là bản sắc văn hóa của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Dẫu vậy, việc “ăn Tết”, “chơi Tết” cũng cần phải thay đổi, nhất là việc sử dụng quá nhiều đồ ăn, thức uống trong ngày Tết gây lãng phí và nhiều hệ lụy khác… Nhiều người đề nghị tổ chức Tết Nguyên đán cần giản tiện hơn, để dành thời gian nghỉ ngơi sau một năm nỗ lực làm việc.

Để chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 18/11/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, trong đó yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn không gian mạng; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, sẵn sàng phương án ngăn chặn, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phòng, chống cháy, nổ; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ, v.v.

Nếu các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng "mệt vì Tết, chết vì rượu" và toàn xã hội sẽ đón Xuân Quý Mão đầm ấm, vui tươi.

PHÚ QUÝ

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: