Áo chống bom bi và áo phao đặc biệt28/10/2024CNQP&KT - Đại ngàn Trường Sơn Việt Nam, từ năm 1959 đến 1975 đã bị giặc Mỹ oanh kích 733.000 trận, bằng đủ loại máy bay (trong đó có 26.500 lần sử dụng B-52), trút xuống 4 triệu tấn bom, đạn các loại. Tại đây, những năm 1966- 1967, Mỹ tăng cường đánh phá các trọng điểm trên tuyến vận chuyển hậu cần của ta, kể cả đường bộ, đường sông, hòng ngăn cản các đoàn xe vận tải quân sự chiến lược đưa hàng từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong mỗi mùa vận chuyển, mỗi binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn phải thực hiện trên dưới 200 trận chiến đấu vượt qua hỏa lực ngăn chặn của không quân Mỹ. Mỗi đêm vận chuyển được coi như một trận tấn công. Địch sử dụng nhiều thủ đoạn đánh phá, như: Gây trọng điểm ở những nơi hiểm yếu (đèo dốc, cua gấp, bến vượt sông, đầu mối giao thông, vách đá). Chúng đánh theo kiểu "săn đuổi, tìm diệt" các xe hoạt động dọc đường; thực hiện chiến thuật giăng bẫy bom, mìn hỗn hợp; chặn đầu, chặn đuôi, oanh kích đoàn xe, đánh vào địa điểm tập kết, bãi trú đậu trên đường, bến phà, với một khối lượng lớn bom đạn hiện đại. Trong đó, những quả bom bi có hình dáng "dễ thương như những thứ đồ chơi" cùng đạn pháo, bom hẹn giờ, bom từ trường… đã gây thương vong lớn cho bộ đội ta. Cuối 1966 đầu năm 1967, đồng chí Đại tá Đinh Đức Thiện - Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (sau là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đi kiểm tra, nắm tình hình tại Ban đại diện Tổng cục Hậu cần tiền phương (Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh). Chứng kiến tận mắt những hy sinh của lực lượng lái xe, công binh trước sự đánh phá ác liệt của máy bay địch ở phía nam Quân khu 4, ông điện ra, yêu cầu nghiên cứu, chế tạo áo giáp chống bom bi. Ông chỉ thị trong vòng một tháng phải nghiên cứu chế tạo xong và mang mẫu vào Sở chỉ huy Ban đại diện Tổng cục tiền phương. Đồng thời, phải khẩn trương nghiên cứu sản xuất loại áo phao chống sặc nước… để trang bị cho bộ đội qua sông suối. Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Thượng úy Trần Thịnh Tần, Chủ nhiệm khoa Quân trang (Phòng nghiên cứu Cục Quân nhu) và kỹ sư Phạm Hồng Điệp -trợ lý kỹ thuật đảm nhiệm (sau này cả hai ông đều là Đại tá và đều giữ cương vị Cục trưởng Cục Quân trang). Bấy giờ, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như điều kiện nghiên cứu khoa học quân sự của ta còn nhiều hạn chế về khả năng đáp ứng các yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Song, ý chí căm thù giặc, tình yêu thương đồng đội ở chiến trường ác liệt, cộng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã thôi thúc ngành quân trang, nhất là các đồng chí trực tiếp được giao nhiệm vụ, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ cấp bách nói trên. KHAI SINH ÁO CHỐNG BOM BI Tổ công tác nhanh chóng nghiên cứu đặc điểm các loại bom bi địch rải xuống trọng điểm đánh phá ở Trường Sơn. Trong đó, loại bom mẹ hình cầu nổ ngay CBU-24B/B (chứa từ 550-640 quả bom con). Khi bom được thả rơi đến độ cao phù hợp, ngòi nổ hẹn giờ làm việc, tung bom con ra ngoài). Bom bi hình cầu nổ chậm "quả ổi" BLU-26/B (bán kính sát thương 10m), vỏ bằng kim loại dày 7mm, bên trong chứa 280- 300 viên bi đường kính 5mm và 100g thuốc nổ cyclotol. Sau khi tách khỏi bom mẹ, bom con tự quay, khi chạm mục tiêu, kim hỏa chọc vào hạt nổ, gây nổ bom. Với loại giàn ống phóng bom phá mảnh vụn "quả cam" CBU-46/A (có 19 ống, chứa 360 quả bom con). Khi hoạt động, ngòi nổ gây cháy thuốc phóng, đẩy bom con ra ngoài… ![]() Áo chống bom bi bằng tre (1) và bằng đuya-ra (2) trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần quân đội. Để chống lại các loại bom bi này, phải có loại vật liệu cản mảnh bom phù hợp, hiệu quả cao, dễ chế tạo áo giáp và tiện sử dụng. Tổ công tác đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân liên hệ xin một số tấm đuya-ra (kim loại nhẹ và cứng, dùng vá tàu cao tốc của hải quân do Liên Xô viện trợ) để sản xuất thử một chiếc áo giáp chống bom bi. Thượng úy Trần Thịnh Tần không giấu nổi lo lắng: Làm một, hai cái áo giáp thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu thành công, thì lấy đâu ra vật tư để sản xuất hàng loạt? Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo cấp tốc thử nghiệm khả năng chống bom bi của tấm đuya-ra; đồng thời, triển khai chế tạo áo chống bom bi từ nguồn nguyên liệu "vườn tược" của người dân Việt Nam. Đó là… cật tre già! Tổ công tác miệt mài không kể ngày đêm, cưa các tấm đuya-ra thành những mảnh có kích thước 5cmx10cm. Sau đó cho vào các túi nhỏ, đính từng lớp (như lợp ngói) trên áo trấn thủ. Các gốc tre đực cũng được chẻ ra, cho vào các túi vải, đính như trên... Sau đó, Tổng cục Hậu cần lệnh cho Cục Quân khí thử nghiệm bom bi nổ trên máy li tâm. Các tấm giáp được treo ở cự ly 1m, hứng mảnh bom bi. Kết quả đáng khích lệ: các tấm đuya-ra đã cản gần như tuyệt đối sự sát thương của 100% mảnh bom bi và khoảng 80% số viên bi. Trên tấm giáp tre, hầu hết mảnh vụn bom bi và khoảng 60% các viên bi đã dính lại trên các thanh tre đực ghép song song.
Ngay lập tức, tổ công tác bắt tay thiết kế những chiếc áo giáp hoàn chỉnh, loại bằng đuya-ra nặng 6kg, loại bằng tre đực nặng 8kg. Ngoài ra, còn có loại áo giống như áo mưa trùm kín nặng tới hơn 20kg. So với chỉ lệnh thời gian Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện giao, việc chế tạo áo hoàn thành sớm hơn một ngày. Nhận được mẫu và nghe Thượng úy Trần Thịnh Tần và Thiếu úy Phạm Hồng Điệp báo cáo kết quả chế thử các áo giáp chống bom bi, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện rất hài lòng. Sau khi mặc thử từng chiếc áo, ông quyết định: Viết đơn hàng và vẽ mẫu, đề nghị Liên Xô viện trợ sản xuất hàng loạt áo giáp đuya-ra. Riêng với áo giáp bằng tre, ông quyết định làm một cái thật đẹp để tặng đồng chí Phi-đen Ca-xtrô, lãnh tụ nước Cộng hòa Cuba. Không lâu sau, hàng vạn chiếc áo giáp đuya-ra do Liên Xô viện trợ đã được chuyển cho bộ đội lái xe và công binh tuyến trước. ÁO PHAO ĐẶC BIỆT Hôm ấy là chiều thứ 7, ngay sau khi từ tuyến lửa ra, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện giao nhiệm vụ làm áo phao cho Cục Quân nhu, trực tiếp là tổ công tác. Ông nói đại ý: Điều nhức nhối nhất là, tại các trọng điểm Mỹ đánh phá, điển hình là phà Xuân Sơn ở Quảng Bình, có những chiến sĩ ta mang áo phao hẳn hoi, không trúng mảnh bom đạn mà vẫn tử vong! Là do những chiếc áo phao đó không thích hợp. Khi bom từ trường dưới sông nổ, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bị hất tung lên cao và thường bị choáng ngất. Khi rơi xuống, thường ngã úp mặt vào vũng nước, nếu không được cứu kịp thời rất dễ tử vong. Nhưng nếu đầu nổi trên mặt nước, anh em sẽ tự vượt qua được sặc ngộp và trở lại bình thường sau vài ngày nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Bây giờ phải làm ngay một mẫu áo phao cho anh em ở phà Xuân Sơn. Phải nhớ, áo phao này là loại đặc biệt; trong mọi trường hợp, phần đầu phải nhanh chóng nổi lên khỏi mặt nước. Khi mặc, thao tác thuận tiện. ![]() Vợ chồng Đại tá Trần Thịnh Tần ôn lại những kỷ niệm trong đời quân ngũ. Sau đó, ông phác thảo hình dáng chiếc áo phao đặc biệt, đưa cho Thượng úy Trần Thịnh Tần: "Cậu về làm ngay! Đầu giờ chiều thứ 2 mang lên đây báo cáo!". Với tinh thần khẩn trương và nỗ lực vượt bậc, người cắt mẫu, người chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu, van thổi khí tạo phao… tổ công tác đã hoàn thành chiếc áo phao theo mẫu. Sau nhiều lần thử nghiệm trên hồ Quảng Bá, với các tư thế rơi tự do từ trên cao xuống, thấy phần đầu nổi ngay sau khi tiếp nước, đạt mục đích sử dụng. Lúc này chỉ cần điều chỉnh vị trí giải khóa trên thân áo là hoàn thành nghiên cứu. Tuy nhiên, một vấn đề lại nảy ra: Sau khi phân tích ưu nhược điểm, độ an toàn trong quá trình sản xuất hàng loạt, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong điều kiện kỹ thuật sản xuất đại trà, nếu không may mũi dao dán gây một vết thủng nhỏ thì áo mất tác dụng. Vì vậy, phải làm thêm một mẫu (số 2) dùng loại vật liệu xốp. Suốt đêm chủ nhật, tổ công tác tập trung hoàn chỉnh hai mẫu áo phao để kịp báo cáo… Sau khi Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện xem 2 mẫu áo và nghe tổ công tác phân tích tác dụng, những điểm thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất hàng loạt của từng mẫu, ông quyết định cho làm 1.500 cái theo mẫu số 2. Xí nghiệp may 20 (nay là Công ty cổ phần X20/Tổng cục Hậu cần) - đơn vị sản xuất áo phao, đặt câu hỏi: "Tìm đâu ra lượng hạt xốp nổi được chế tạo từ chất Urethan để làm 2.000 áo?". Thủ trưởng Cục Quân nhu giao Viện nghiên cứu ăn mặc phải cung cấp đủ vật tư cho Xí nghiệp may 20. Thượng úy Trần Thịnh Tần liên hệ Phòng Xuất - Nhập khẩu, Bộ Ngoại thương, được biết nước Cộng hòa nhân dân Hungari (nay là Cộng hòa Hungari) vừa mới chào hàng, cung cấp cho ta một thùng 50 cân hạt nguyên liệu để tạo ra hạt xốp nói trên, kèm theo thiết bị thử nghiệm. Hiện ta đang cho chế biến thử để làm bao gói tại Nhà máy kẹo Hải Châu. Khi nghe đại diện Cục Quân nhu trình bày nhu cầu sử dụng loại vật tư này để phục vụ chiến trường, Phòng Xuất - nhập khẩu Bộ Ngoại thương liền cử cán bộ dẫn tổ công tác xuống cơ sở Hải Châu ở Tương Mai (Hà Nội) tham quan. Tại đây, với một nồi áp suất lớn, mỗi lần nạp 1kg hạt nguyên liệu, sau thời gian ngắn vận hành tạo áp suất, hạt Urethan nở trắng xóa, phun đầy một gian buồng, có thể đủ để làm hàng trăm chiếc áo phao. Theo đề nghị của Cục Quân nhu, chỉ trong một ngày, Nhà máy kẹo Hải Châu đã cung cấp đủ lượng hạt xốp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để chế tạo 2.000 chiếc áo phao đặc biệt, nhanh chóng đưa vào chiến trường. Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG |