“Cây sáng kiến” của Công ty Hồng Hà31/01/2023CNQP&KT - Ở Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Hồng Hà (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z173) có không ít người được mệnh danh là “cây sáng kiến”, “đôi bàn tay vàng”, trong đó có công nhân Trần Văn Cường, thuộc Tổ Tiện, Xí nghiệp Cơ điện. Để được mệnh danh là “cây sáng kiến”, “đôi bàn tay vàng”, người thợ không chỉ có tay nghề vững, mà còn phải có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) được áp dụng vào sản xuất. Đó là những tiêu chí mà Trần Văn Cường, thợ tiện bậc 6/7 thuộc Tổ Tiện, Xí nghiệp Cơ điện, Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Hồng Hà) đạt được. Với hơn 16 năm làm việc tại Xí nghiệp Cơ điện, Trần Văn Cường được xếp vào “top ten” có thâm niên của đơn vị. Tuy nhiên, với người lính thợ sinh năm 1985 này, điều quan trọng là làm thế nào phát huy tốt nhất ngành nghề được đào tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Trần Văn Cường cho biết, khi mới được nhận vào làm việc tại Công ty cũng là quãng thời gian đơn vị bắt đầu triển khai đóng mới một số gam tàu quân sự, như: tàu Cảnh sát biển TT400, tàu pháo TT400TP và một số tàu bổ trợ phục vụ quân sự… đòi hỏi cao về tiến độ và chất lượng. Được giao nhiệm vụ trực tiếp gia công, sửa chữa các chi tiết hệ cơ khí, như: trục chân vịt, hệ lái, ống bao trục, thiết bị nâng hạ… anh xác định phải nỗ lực phát huy tốt tay nghề, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng được tiến độ và tiết kiệm vật tư. Như bao người thợ mới vào nghề, thời gian đầu làm quen với công việc, anh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, với đức tính siêng năng, yêu nghề, trách nhiệm, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tay nghề của Trần Văn Cường từng bước được nâng cao. Các sản phẩm do anh góp công thực hiện đều đạt chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ, có tính thẩm mỹ cao. Thiếu tá QNCN Phạm Công Sự - Tổ trưởng Tổ Tiện, cho biết: “Trần Văn Cường là người rất chủ động, tiếp cận với công việc nhanh, luôn chấp hành nghiêm các quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất, không ngại khó, biết lắng nghe và sẵn sàng trao đổi những vướng mắc trong công việc để tìm giải pháp tháo gỡ”. ![]() Công nhân Trần Văn Cường sử dụng máy tiện gia công sản phẩm. Ảnh: CTV Khi công việc thành thạo, được giao những việc khó, phức tạp cũng là lúc Trần Văn Cường trăn trở phải làm sao đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm tòi, nghiên cứu, cho ra đời nhiều SKCTKT có tính khả thi cao. Anh đã có rất nhiều SKCTKT được áp dụng vào sản xuất và được đơn vị ghi nhận, đánh giá cao, như: Nghiên cứu sửa chữa hệ thống trục chân vịt, hệ lái của tàu chở dầu D05 cho Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần); Thiết kế, chế tạo bộ đồ gá gia công chi tiết cơ khí (sản phẩm áp dụng cho loạt chi tiết Doosan tại Hồng Hà); Nghiên cứu phục hồi cụm ổ đỡ bơm trục vít máy nén khí GRH-3000 số 1; Thiết kế, chế tạo bộ chày cối gia công vòng đệm đồng đỏ M12; Hoán cải cụm giá đỡ luy nét trên các máy tiện... Trong đó, sáng kiến Trần Văn Cường tâm đắc nhất là thiết kế bộ đồ gá trên máy tiện vạn năng để gia công chi tiết đầu phun sương tàu pháo TT400TP. Khi chưa có bộ đồ gá, việc gia công đầu phun sương phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề người thợ do phải vê bằng tay. Vì vậy, mất nhiều thời gian gia công mà độ chính xác, năng suất không cao, sản phẩm không đẹp. Dựa vào cơ cấu chuyển động của bàn xe dao trên máy tiện, bộ đồ gá phát huy rất tốt công dụng, khắc phục được các nhược điểm trên và quan trọng là người thợ bậc thấp, ít kinh nghiệm cũng có thể sử dụng máy tiện gắn bộ đồ gá để sản xuất. Bên cạnh đó, Trần Văn Cường còn có sáng kiến chế tạo bộ dao tiện chuyên dùng gắn trên máy tiện để tiện bạc cao su và chi tiết cao su lắp trên tàu, giúp Công ty không phải thuê gia công và chủ động trong sản xuất. Ngoài phát huy SKCTKT, Trần Văn Cường còn tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, được ứng dụng vào sản xuất, như: Đề tài “Hoán cải cụm van thủy lực điều khiển hệ thống đóng mở cửa cầu đổ bộ tàu 51-11-65”, “Thiết kế, chế tạo bộ kích thủy lực tháo nắp máy chính tàu Cảnh sát biển 8003”, “Thiết kế, chế tạo cụm bơm rửa két tự động cho tàu chở dầu D05”... Anh cũng đề xuất giải pháp “Thiết kế, chế tạo đồng hồ đo nghiêng tàu”, được đánh giá là ý tưởng có tính sáng tạo.
Nói về “cây sáng kiến” của đơn vị, Thượng tá Lê Quang Trung, Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện, nhận xét: Trần Văn Cường là một trong những thợ chủ công rất trách nhiệm của Xí nghiệp. Lãnh đạo, chỉ huy Xí nghiệp luôn yên tâm khi giao việc cho Cường, nhất là những việc khó, đòi hỏi cao về tiến độ và chất lượng. Ngoài việc ham học hỏi, khiêm nhường, Cường luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp; đồng thời, cũng là người gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành tốt kỷ luật và các quy định của đơn vị. Với những kết quả đạt được trong lao động sản xuất, nhiều năm liền, Trần Văn Cường được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp. Năm 2020, Trần Văn Cường được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hai năm 2018-2019. TRẦN HOÀNG |