CNQP&KT - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, công nhân viên Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 đã sản xuất được nhiều loại vũ khí trang bị cho bộ đội đánh giặc, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tuy nhiên, còn những điều bi tráng mà thế hệ sau chưa biết…

Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi có dịp cùng đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) thành phố Hà Nội đến tham quan các di tích lịch sử thuộc tỉnh Tuyên Quang - địa danh trong Cách mạng tháng Tám được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm “Thủ đô” Khu Giải phóng. Tại mảnh đất này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc như: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Bác Hồ làm Chủ tịch; cùng với đó là những chiến công vang dội trên chiến trường của quân và dân ta đập tan các cuộc tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp như trận Bình Ca, Cầu Cả, Khe Lau... trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Và cũng từ chuyến đi này, chúng tôi mới được biết đến Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 đóng quân ở xã Hào Phú, huyện Sơn Dương trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.


Đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc Quân giới - CNQP thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ Quân giới tại Bia tưởng niệm Nhà máy sản xuất vũ khí TK1.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Cường, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hào Phú, cho biết: Theo tài liệu mà xã thu thập được cũng như qua lời kể của các nhân chứng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhân Công đoàn Hỏa xa thuộc Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và một số nhà máy khác đã vận chuyển hàng trăm tấn máy móc, thiết bị, vật tư lên những khu rừng, khe núi thuộc 3 xã: Đông Lợi, Hồng Lạc, Hào Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) xây dựng Nhà máy TK1 để sản xuất vũ khí, đóng ca nô, tàu, thuyền trang bị cho các lực lượng vũ trang đánh địch trên các mặt trận. Ngày 25/3/1947, Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 (tên thường gọi là Xưởng Quân giới TK1) chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 1951, Nhà máy được chuyển giao cho Cục Quân giới (tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay) quản lý và đổi tên là Nhà máy K88. Tháng 6/1951, Cục Quân giới chuyển Nhà máy cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Năm 1953, toàn bộ Nhà máy K88 di dời đến Khe Mơ, thuộc tỉnh Thái Nguyên, để tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vũ khí cung cấp cho bộ đội chiến đấu. Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, một bộ phận của Nhà máy TK1 trở thành tiền thân của Nhà máy Ô tô 1/5; bộ phận còn lại trở thành tiền thân của Nhà máy đóng tàu Sông Lô.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nhà máy TK1 đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo được hàng trăm khẩu súng cối, hàng vạn viên đạn, lựu đạn, mìn; hàng trăm chiếc cầu phao, phà, thuyền, canô gắn máy… cung cấp kịp thời cho bộ đội đánh địch.

Những ngày đầu thành lập, Nhà máy TK1 có khoảng 800 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, do đồng chí Nguyễn Văn Nhân làm giám đốc. Đến tháng 9/1947, Nhà máy đã cơ bản xây dựng được hai cơ sở sản xuất. Khu A đóng tại thôn Cu Di, xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang), có nhiệm vụ sản xuất các loại súng bazoka, súng cối, địa lôi, vỏ lựu đạn, sửa chữa vũ khí, khí tài. Khu B đóng tại thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang), có nhiệm vụ đóng các loại tàu, thuyền, ca nô; sản xuất vỏ lựu đạn, bom, mìn; điều chế thuốc nổ. Trong những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ, trên trời máy bay địch gầm rú, ném bom khắp nơi; dưới sông Lô tàu giặc vây càn, cùng với bệnh sốt rét ác tính, thú dữ, mưa rừng… hoành hành, nhưng trước yêu cầu của mặt trận, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 đã nỗ lực thi đua nghiên cứu thiết kế, chế tạo được hàng trăm khẩu súng cối, hàng vạn viên đạn, lựu đạn, mìn; hàng trăm chiếc cầu phao, phà, thuyền, ca nô gắn máy… kịp thời cung cấp cho bộ đội đánh địch, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Bộ đội ta sử dụng súng SKZ do Quân giới chế tạo đánh địch (tháng 4/1949).  Ảnh: TL

Ông Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hào Phú cho chúng tôi biết thêm: Đằng sau thành tích, chiến công rất đáng tự hào mà những người lính thợ Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 đạt được, có những câu chuyện đau lòng mà ông được các nhân chứng từng “nằm gai nếm mật” tại mảnh đất Sơn Dương này kể lại. Đó là vào cuối năm 1947, bệnh sốt rét rừng (sau này gọi là bệnh sốt rét ác tính) bùng phát. Do điều kiện sinh hoạt, ăn uống, thuốc men thiếu thốn, làm lụng vất vả nên rất nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã bị bệnh sốt rét ác tính cướp đi tính mạng. Có người đã phải thốt lên: Chết nhiều thế này lấy người đâu mà sản xuất vũ khí đánh giặc! Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị, gần 200 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 đã anh dũng hy sinh, đến nay mới xác định được quê quán của 75 người. Tháng 9/2006, theo nguyện vọng của cán bộ, công nhân đã từng công tác tại Nhà máy, Đảng ủy, UBND xã Hào Phú và nhân dân địa phương đã xây dựng Bia tưởng niệm để ghi nhận công lao và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà máy sản xuất vũ khí TK1.

Gần 200 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà máy đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đến nay mới xác định được quê quán của 75 người.

Theo phản ánh của lãnh đạo địa phương để bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh anh dũng của những người lính thợ Nhà máy sản xuất vũ khí TK1, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hào Phú rất mong Nhà nước xem xét công nhận và xếp hạng Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 là khu di tích lịch sử - văn hóa. Qua đó, xã Hòa Phú có điều kiện xây dựng, tôn tạo khu di tích to đẹp và khang trang hơn, trở thành địa điểm tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân địa phương cũng như cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, người lao động trong ngành Quân giới - CNQP”.

Bài và ảnh: TUẤN LÂM

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: