CNQP&KT – Giải đáp một số căn cứ pháp lý liên quan đến xử phạt và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hỏi:Thời gian qua, có một số trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Vậy có căn cứ pháp lý nào để xử lý các trường hợp vi phạm trong việc phòng, chống dịch?

(Thượng úy, QNCN Trần Tùng Dương – Nhà máy Z117)

Trả lời: Luật Phòng,chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008. Với tính chất là một đạo luật chuyên ngành, Luật PCBTN đã bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có các chế tài xử phạt, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay. Cụ thể như sau:

1. Chế tài dân sự: Chế tài dân sự được áp dụng khi xử lý vi phạm về PCBTN đối với chủ thể (người mắc bệnh, người mang mầm bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm) có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng việc cách ly y tế mà gây thiệt hại cho chủ thể khác.

2. Chế tài hành chính: Chế tài hành chính được áp dụng khi xử lý vi phạm hành chính về PCBTN là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Chế tài áp dụng trong lĩnh vực này gồm 2 hình thức (xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm). Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính có thể bao gồm cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất. 

3. Chế tài kỷ luật: Cán bộ, công chức vi phạm quy định của Luật PCBTN, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. 

4. Chế tài hình sự: Đây là chế tài nặng nhất để xử lý hành vi vi phạm về PCBTN. Theo đó, một số trường hợp dưới đây có thể bị xử lý hình sự:

- Trong trường hợp dịch bệnh mà tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống. Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội... thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

- Trong trường hợp người mắc bệnh truyền nhiễm “cố ý lây lan tác nhân gây bệnh, che giấu không khai báo, cố ý khai báo sai sự thật về bệnh truyền nhiễm…” mà làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì có thể bị xử lý theo Điều 240 BLHS. Theo đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội trong những trường hợp này, còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

- Bỏ trốn khỏi nơi cách ly dịch bệnh có thể bị truy cứu theo Điều 315 BLHS về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.

- Người có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ. Theo quy định tại Điều 196 BLHS thì “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. 

Panô tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 tạiTổng cục Công nghiệp quốc phòng.    Ảnh: HỒNG HẠNH

Hỏi: Để phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 tại nơi làm việc cần thực hiện các biện pháp nào?

(Trung úy Nguyễn Trường Giang - Nhà máy Z183)

Trả lời: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề ra các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ quan công sở. Cụ thể như sau:

1. Giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ và vệ sinh: Cần thường xuyên lau các bề mặt như: các mặt bàn, đồ vật (điện thoại, bàn phím...) bằng chất khử trùng.

2. Rửa tay thường xuyên và đúng cách: Đặt các bình chứa dung dịch rửa tay ở những nơi dễ nhận biết quanh nơi làm việc, tạo điều kiện để nhân viên, khách hàng có thể rửa tay bằng nước và xà phòng.

3. Tăng cường vệ sinh đường hô hấp thật tốt: Đảm bảo có sẵn khẩu trang y tế, có khăn giấy tại nơi làm việc để những ai chảy nước mũi hay ho, hắt hơi có thể sử dụng. Nơi làm việc cần có các thùng rác đóng kín để chứa rác thải một cách vệ sinh.

4. Tham vấn các khuyến cáo về đi lại trước khi đi công tác: Khuyến cáo nhân viên và đối tác hợp đồng tham vấn các khuyến cáo về đi lại trong nước trước khi thực hiện các chuyến công tác.

5. Cần tuân thủ các hạn chế về đi lại, di chuyển hay tụ tập đông người.

6.  Khuyến cáo những người bị ốm ở nhà.

7. Thúc đẩy phương án làm việc từ xa: Nếu dịch lây lan trong cộng đồng, cơ quan y tế có thể khuyến cáo người dân tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tránh đến những nơi đông người. Làm việc từ xa sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn của nhân viên.

8. Phổ biến cho nhân viên và khách hàng biết rằng: Nếu virus Corona bắt đầu lây lan trong cộng đồng, thì bất cứ ai chỉ cần ho hay sốt nhẹ đều phải ở nhà.

BAN BIÊN TẬP

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: