CNQP&KT - Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan (SQ), quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), tuổi phục vụ của công nhân và viên chức quốc phòng (CN&VCQP) vẫn thực hiện theo quy định của các luật hiện hành.

Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được quy định như thế nào?

(Trần Công Hoan, công nhân Nhà máy X51)

Trả lời: Tại Điều 169 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động như sau: Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.


Công nhân Nhà máy Z129 bao gói sản phẩm quốc phòng.  Ảnh: LÂM MINH

Hỏi: Xin hỏi, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có điều chỉnh theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 không?

(Thiếu tá Chu Hoàng Long, Nhà máy Z111)

Trả lời: Sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Quyết định công bố, ngày 18/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ- CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật, trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Nghị định này không trực tiếp điều chỉnh tuổi phục vụ tại ngũ của các đối tượng công tác trong Quân đội. Vì vậy, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan (SQ), quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), tuổi phục vụ của công nhân và viên chức quốc phòng (CN&VCQP) vẫn thực hiện theo quy định của các luật hiện hành.

Cụ thể, tuổi phục vụ tại ngũ của SQ thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật Sĩ quan:  Cấp úy: nam 46, nữ 46; Thiếu tá: nam 48, nữ 48; Trung tá: nam 51, nữ 51; Thượng tá: nam 54, nữ 54; Đại tá: nam 57, nữ 55; Cấp tướng: nam 60, nữ 55. Trong trường hợp Quân đội có nhu cầu sử dụng, SQ có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ nhưng không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn. Hạn tuổi cao nhất của SQ giữ chức vụ chỉ huy, quản lý do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của SQ theo quy định.

Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của QNCN thực hiện theo Điều 17 Luật QNCN, CN&VCQP: Cấp úy: nam 52, nữ 52; Thiếu tá, Trung tá: nam 54, nữ 54; Thượng tá: nam 56, nữ 55. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định những QNCN có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe và tự nguyện, nếu Quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

Đối với chiến đấu viên là QNCN tại ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của Quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp Quân đội không tiếp tục sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng BHXH, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Đối với hạn tuổi phục vụ cao nhất của CN&VCQP thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật QNCN, CN&VCQP, đối với nam đủ 60 tuổi, đối với nữ đủ 55 tuổi.

Về chế độ, chính sách BHXH có liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu đối với SQ, QNCN, CN&VCQP và các đối tượng khác phục vụ trong Quân đội, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu và có các hướng dẫn cụ thể sau.

BAN BIÊN TẬP

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: