(CNQP&KT) - Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 và có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chúng tôi xin giới thiệu một số điểm mới của Luật liên quan tới Quân đội.

Bổ sung quy định điều chỉnh vũ khí hạng nặng

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều, trong đó tại Chương I đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, làm rõ các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ; chỉ rõ các nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Mục tiêu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được điều chỉnh trong Luật gồm các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà Nhà nước cho phép một số đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật và pháp luật có liên quan. Cùng với đó là các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không được phép trang bị, sử dụng. Đây là những loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn sót lại sau chiến tranh hoặc bảo tồn ngoài xã hội do sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển bất hợp pháp, bao gồm cả vũ khí hạng nặng. Vì vậy, những loại này cần được Luật điều chỉnh để làm căn cứ pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; đồng thời vận động, tổ chức việc thu gom, thanh lý, tiêu hủy.

Để việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí trang bị cho Quân đội (bao gồm cả vũ khí hạng nặng) phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm bí mật quân sự, Luật đã quy định thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng hoặc giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể. Trên cơ sở đó, Luật đã bổ sung quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 3 về vũ khí hạng nặng.


Dây chuyền sản xuất thuốc nổ của Nhà máy Z195.      Ảnh: Lê Nam


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định đối tượng được trang bị vũ khí

Chương II Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nhiều nội dung liên quan tới lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng. Chương này gồm 18 điều (từ Điều 17 đến Điều 34), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng; loại vũ khí quân dụng trang bị cho các lực lượng chức năng; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng; thủ tục cấp phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; đối tượng được trang bị vũ khí thể thao; thủ tục trang bị vũ khí thể thao; đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ; thủ tục khai báo vũ khí thô sơ; sử dụng vũ khí thô sơ; thủ tục cấp phép mua vũ khí; vận chuyển vũ khí; thủ tục cấp phép sửa chữa vũ khí.

Về nội dung nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí, Luật quy định, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí theo quy định của Chính phủ; đồng thời bổ sung quy định tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 18, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ để quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí với những trường hợp còn lại. Đây là nội dung mới so với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là lực lượng, đơn vị đang được giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành công vụ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nguy hiểm. Các lực lượng này hiện đang được trang bị vũ khí quân dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí cần bảo đảm linh hoạt, phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn, nên Luật quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể.

 

Bổ sung 2 chương mới

So với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bổ sung 2 chương mới. Đó là Chương IV về “Quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ” và Chương VI về “Tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”.

Chương IV gồm 6 điều (từ Điều 46 đến Điều 51) quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; vận chuyển tiền chất thuốc nổ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng tiền chất thuốc nổ. Nội dung Chương IV kế thừa quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ Công thương ban hành về quản lý tiền chất thuốc nổ.

Chương VI gồm 9 điều (từ Điều 63 đến Điều 71) quy định về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ; thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom; trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nội dung Chương VI kế thừa các quy định của Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.


Đóng gói sản phẩm thuốc nổ công nghiệp tại Nhà máy Z114.      Ảnh: Mai Phương

 

Tách hoạt động sản xuất với hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

  Tại Chương III của Luật đã quy định theo hướng chỉ giao doanh nghiệp nhà nước được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và được cung ứng dịch vụ nổ mìn trên phạm vi toàn quốc.

Luật cũng chỉnh lý các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị Quân đội, phù hợp với công tác quản lý của Bộ Quốc phòng. Chương III cũng bổ sung các quy định về cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận về vật liệu nổ quân dụng và vật liệu nổ công nghiệp.

Chương VII quy định nội dung quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Tại Chương này, Luật đã quy định cụ thể về nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó, giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành danh mục vật liệu nổ công nghiệp, danh mục tiền chất thuốc nổ. Chương này cũng bổ sung quy định về cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Có thể nói, với những nội dung mới quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ tạo cơ sở giúp các cấp, các bộ, ngành có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến Thắng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: