(CNQP&KT) - Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

Thực hiện sự chỉ đạo và phân công của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã có bài tham luận quan trọng tại Hội thảo với tiêu đề  “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia”. Tạp chí CNQP& Kinh tế xin trích đăng nội dung chủ yếu của tham luận này.

Lịch sử phát triển khoa học của nhân loại đã và đang diễn ra 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Về bản chất, 4 cuộc cách mạng công nghiệp này được phân định bằng sự nhảy vọt về chất nhờ những sáng chế, phát minh vĩ đại làm xoay chuyển thế giới. Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất (năm 1784) sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (năm 1870) sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (năm 1969) sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Tới ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ ba. Cuộc cách mạng này là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.         

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trong giai đoạn khởi phát trong vài năm gần đây và sẽ là xu hướng phát triển tất yếu, mạnh mẽ khi nhu cầu tìm kiếm một phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này là để ứng phó hiệu quả với khủng hoảng tài chính, thách thức biến đổi khí hậu, già hoá dân số… Do cuộc cách mạng này đang ở giai đoạn khởi phát nên còn nhiều điều mới mẻ. Tuy vậy, ảnh hưởng của nó lại hết sức quan trọng đối với các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang ở giai đoạn học hỏi, phát triển như Việt Nam.

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) năm 2016 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Cách mạng số - Cơ hội và thách thức”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “Việt Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Điều này đã thể hiện tầm quan trọng, sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như: lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ cao. Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và xã hội thông tin sẽ làm biến đổi sâu sắc, nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và nền kinh tế toàn cầu; tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt đời sống của con người.

Thách thức đối với quốc phòng, an ninh

Cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia. Do đó, Việt Nam cần nhận thức đầy đủ những thách thức to lớn sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, trong đó có những nguy cơ, thách thức về quốc phòng, an ninh.

Một là, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với thế giới; lao động chi phí thấp mất dần lợi thế cạnh tranh, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hoá xã hội sẽ sâu sắc hơn; tình trạng thất nghiệp của lao động thủ công; nguy cơ bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa. Mặt khác, xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế dần con người. Trong tương lai, tài năng chứ không phải vốn, sẽ là yếu tố quan trọng, cốt lõi của sản xuất. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm: “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, viễn cảnh này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội.

Ở tầm vĩ mô, sự bất bình đẳng xã hội làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin đối với sự quản lý, điều hành của nhà nước. Họ dễ bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo chống phá cách mạng, từ đó tạo nên nguy cơ phá vỡ thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Mặt khác, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội là tiền đề tác động đến tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc - yếu tố cơ bản trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai là, chiến tranh công nghệ cao đặt ra cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, trực tiếp là công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, những yêu cầu, nhiệm vụ để phù hợp với tình hình mới.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thành tựu khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ quân sự nói riêng sẽ được áp dụng vào việc chế tạo, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao trong tác chiến. Có thể khẳng định, trong tương lai, vũ khí công nghệ cao sẽ được sử dụng ngày càng nhiều, có mức độ sát thương và hủy diệt lớn.

Đối với Việt Nam, đứng trước nguy cơ các cuộc chiến tranh mà đối tượng có thể sử dụng vũ khí, trang bị công nghệ cao trong tương lai, nghệ thuật quân sự, nhất là phương thức và phương pháp tác chiến, sẽ có sự thay đổi cơ bản so với các cuộc chiến tranh trước đây. Đặc điểm, xu hướng phát triển đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nghiên cứu để xây dựng chiến lược, chiến thuật tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao; có biện pháp tổ chức giáo dục, huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, làm xuất hiện các loại hình chiến tranh mới; trong đó chiến tranh mạng và tác chiến không gian mạng sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Ở Việt Nam, để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên kết với nhau đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều hình thức; trong đó việc sử dụng Internet đã và đang đặt ra nhiều thách thức an ninh phi truyền thống. Tác chiến không gian mạng dần trở thành một trong những biện pháp chủ yếu, được các thế lực thù địch sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, chúng tung tin thất thiệt, nói xấu lãnh tụ; kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc... làm cho một bộ phận quần chúng, nhất là lớp trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số hoang mang, dao động; tạo sự hoài nghi, bất mãn và khiến cho bạn bè quốc tế hiểu sai sự thật. Về kinh tế, chúng tung tin gây rối loạn thị trường, dẫn đến đầu cơ, tích trữ, tạo ra khan hiếm hàng hóa. Về quốc phòng - an ninh, chúng tập hợp lực lượng chống đối, tuyên truyền tạo dựng thanh thế, uy tín cho những tên cầm đầu, tổ chức chống đối, phản động. Về kỹ thuật, chúng tìm cách thâm nhập vào các mạng nội bộ để ăn cắp thông tin, làm rối loạn hoặc đánh sập trang mạng, phá vỡ hệ thống chỉ huy, điều hành.

Trong lĩnh vực quân sự, hệ thống mạng máy tính được sử dụng ngày càng phổ biến, đây là hạt nhân, trung khu thần kinh của quân đội hiện đại. Khi mạng máy tính bị tấn công, bị phá hủy, toàn bộ hoạt động và sức chiến đấu của quân đội sẽ bị giảm đi nhanh chóng, thậm chí hoàn toàn bị tê liệt. Quân đội quốc gia nào có ưu thế về tác chiến mạng máy tính, sử dụng vi-rút máy tính và các hacker để tấn công vào hệ thống thông tin, hệ thống mạng chỉ huy của đối phương sẽ giành được ưu thế trên chiến trường. Như vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác chiến không gian mạng sẽ là một bộ phận quan trọng. Trong lĩnh vực an ninh, tội phạm sử dụng công nghệ cao được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng, tình hình lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử, ngân hàng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi phương thức liên tục nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong tương lai, các thế lực thù địch, tội phạm công nghệ cao sẽ tấn công trực tiếp đến hoạt động sinh học của con người, các thiết bị điện tử, số hóa đang được thiết kế để tương tác và gần gũi với thế giới sinh học, trong đó có bộ não của con người. Sẽ không là viễn tưởng khi các thiết bị điện tử sẽ có khả năng điều khiển hành vi của con người bằng những mệnh lệnh được thiết lập từ xa. Đây cũng là một nguy cơ mà chúng ta cần có những nghiên cứu để có biện pháp ứng phó trong tương lai.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (nay giữ chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)

nghe giới thiệu về hệ thống quản lý vùng trời mới (Hệ thống VQ1-M) do Việt Nam sản xuất. Ảnh: CTV

         Giải pháp đối với lực lượng Quân đội và Công an nhân dân

Từ những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đòi hỏi lực lượng Quân đội và Công an nhân dân cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng, an ninh; tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh theo yêu cầu mới trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là với vấn đề mục tiêu, đối tượng, đối tác, không gian, thời gian của các tình huống mà quốc phòng, an ninh phải chuẩn bị đối phó. Tăng cường sự thống nhất trong định hướng chiến lược và chỉ đạo điều hành quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển khoa học công nghệ quân sự (trong đó có CNQP) phù hợp với nguồn lực và nhu cầu của nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sỹ, của các nhà khoa học công nghệ quân sự về thời cơ, thách thức đối với nước ta khi nền công nghiệp toàn cầu đang có bước chuyển quan trọng sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó sẽ tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần tập trung xây dựng lòng tin cho bộ đội về nghệ thuật quân sự Việt Nam, về vũ khí, trang bị hiện có và lòng tin vào cách đánh, khả năng đánh thắng trong cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao... Từ đó, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, sáng tạo của mỗi quân nhân trong chiến đấu. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về những phát triển mới của chiến tranh, đặc biệt là vũ khí, trang bị công nghệ cao; tập trung làm rõ đặc điểm, tính năng, tác dụng, mặt mạnh, mặt hạn chế, phương pháp, thời cơ sử dụng của từng loại vũ khí, trang bị công nghệ cao. Coi trọng giáo dục những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến cứu nước của quân và dân ta, trên cơ sở đó vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với thực tế chiến đấu. Chú trọng đổi mới công tác tham mưu, tổ chức chỉ huy, điều hành của các cấp trong chiến tranh. Bởi lẽ, không gian tác chiến rộng, thời gian ngắn, sự phân chia về ranh giới giữa chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, giữa tiền tuyến và hậu phương... ngày càng không rõ ràng; các hình thức tác chiến ngày càng hòa quyện và chuyển hóa nhanh chóng.

Ba là, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển những ngành mũi nhọn như: công nghệ thông tin, năng lượng mới, vật liệu mới, sinh học, nano, tự động hóa. Có chính sách thỏa đáng để tạo nguồn nhân lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới còn tiềm ẩn. Đặc biệt, coi trọng nguồn vốn trí tuệ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là cơ sở trực tiếp để đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, đột phá vào một nguồn lực mới, khâu quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, các cơ chế liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực mới từ bên ngoài cho nhu cầu xây dựng và phát triển khoa học công nghệ quân sự, CNQP, nhất là với các nước phát triển trên thế giới. Triển khai mô hình, phương thức hội nhập với khoa học công nghệ quân sự các nước trên thế giới, hợp tác với các đối tác chiến lược… nhằm khai thác các nguồn lực của tổ chức và cá nhân nước ngoài để phát triển và dự báo chính xác xu hướng phát triển của khoa học công nghệ quân sự trong tương lai.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: