CNQP&KT - Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu 2) đã và đang góp sức cùng chính quyền địa phương 15 xã thuộc 3 huyện biên giới của tỉnh Sơn La và Điện Biên giúp đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc.

 

DÂN THEO BỘ ĐỘI LÀM KINH TẾ HIỆU QUẢ

Trở lại huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) lần này, chúng tôi ngỡ ngàng trước hệ thống đường sá được rải nhựa hoặc bê tông phẳng lì, nối liền giữa trung tâm huyện với các xã, thôn, thay cho đường đất ổ gà, ổ trâu trước đây. Phố huyện vùng biên được quy hoạch hợp lý, khang trang với trụ sở hành chính được xây dựng cao tầng hiện đại, các cơ sở kinh doanh… nhộn nhịp người ra vào chẳng khác nào dưới xuôi.

Tiếp chúng tôi tại Sở chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 326, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn trưởng phấn khởi cho biết: “Năm 2019 vừa qua, tuy điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi, nhưng vụ lúa nước, bưởi, cam, quýt, chanh leo, sắn, ngô…trong vùng dự án do Đoàn quản lý được mùa, bà con vui lắm. Trên địa bàn các xã thuộc huyện Sốp Cộp có nhiều hộ gia đình “thắng lớn” từ mô hình kinh tế nông nghiệp; số hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống bà con ngày càng khá lên. Hiện, anh em trong các đội sản xuất đang giúp bà con xuống giống cây trồng vụ Xuân cho kịp thời vụ”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu các mô hình kinh tế tổng hợp, đồng chí Đoàn trưởng mời chúng tôi tham quan một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong vùng dự án. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là khu vực chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp mới của Đoàn. Cả khu đồi được quy hoạch khoa học theo kiểu bậc thang, trồng hàng chục loại cây ăn quả, như: ổi nữ hoàng, cam, quýt, bưởi… Cạnh đó là các loại cây dược liệu, như: hồng sâm, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, xạ đen, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô, ba kích tím, đơn lá đỏ… Dưới chân đồi, hệ thống ao cá, chuồng bò lai, dê lai, lợn, gia cầm được chăn nuôi theo phương pháp bán thả. Đại tá Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Đây là các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật mới từ khâu ươm giống, chăm sóc tạo nên sản phẩm nông nghiệp sạch. Đoàn đang triển khai trồng thí điểm hơn 20 loại cây ăn quả trên địa hình đất dốc, có chất đất khác nhau kèm với các loại cây dược liệu và nuôi gần 10 loại gia súc, gia cầm lai năng suất cao. Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng, con giống này sinh trưởng tốt, bước đầu mang lại nguồn thu cho Đoàn và là mô hình tuyên truyền trực quan để bà con áp dụng phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Rời khu thực nghiệm của Đoàn, chúng tôi đến Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 (Đội sản xuất 2). Dẫn chúng tôi xuống khu chuồng nuôi thỏ kết hợp với nuôi giun quế, Đại úy Vũ Văn Thuần - Đội trưởng cho biết, đầu năm 2018, Đội bắt đầu triển khai nuôi thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm theo hướng an toàn vệ sinh, kết hợp nuôi giun quế. Với mô hình này, mỗi năm, Đội có thể bán ra thị trường hơn 1.000 thỏ con và từ 150 - 200 kg sinh khối giun quế làm giống, lãi từ 70-80 triệu đồng. Theo anh Thuần, nuôi thỏ vốn đầu tư ban đầu ít, dễ làm mà hiệu quả, rất thích hợp với hộ gia đình.

Đến gia đình ông Lò Văn Phích, thuộc xã Mường Và, là một trong những hộ gia đình được Đoàn giúp làm kinh tế nông nghiệp tổng hợp hiệu quả, chúng tôi tham quan đồi cây ăn quả ngay sau nhà. Ông Phích tâm sự: “Trước đây, toàn bộ diện tích đất nương rẫy của nhà mình chủ yếu trồng sắn, nhưng do đồi cao, thiếu nước lại chăm sóc kém nên sản lượng thấp, cả năm cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn thôi. Từ năm 2017, cán bộ Đoàn KT-QP 326 giúp đỡ chuyển đổi sang trồng bưởi, cam, ổi xen với cà phê, mít và chăn nuôi gia cầm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Mỗi năm gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng từ hơn 1.000 cây ăn quả, trên 200 con gà tây, 300 gà ta, ngan Pháp.... Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, chỉ tính riêng thu hoạch từ cây cam, đàn gia cầm, gia đình cũng thu lãi trên 70 triệu đồng”.

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ riêng nhà ông Phích, hiện nay, các xã trong vùng dự án do Đoàn KT-QP 326 quản lý có trên 20 mô hình phát triển kinh tế đồi rừng, trồng cây ăn quả và 17 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả cá quy mô lớn. Có khoảng gần 1.500 hộ gia đình các dân tộc thiểu số làm giàu từ mô hình này. Đặc biệt, từ khi Đội sản xuất 2 có sáng kiến dùng bơm tự áp đưa nước lên đến đỉnh đồi cao vài trăm mét thì chi phí sản xuất giảm hẳn, nhiều hộ gia đình chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, trong vùng dự án đã được phủ xanh bằng cây ăn quả, rau màu, cây lấy gỗ… không còn cảnh đồi núi trọc như trước.

Tây Bắc mùa lúa chín.

CÁCH XÓA NGHÈO BỀN VỮNG, SÁNG TẠO

Chúng tôi đến Đội sản xuất 1, đứng chân trên địa bàn xã Mường Lạn, đúng lúc Đội đang “trả lương” cho một số bà con. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Thiếu tá Hờ A Là, Đội trưởng giải thích: “Đây là tiền lương của con em người dân xã Mường Lạn đang làm công nhân tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh dưới xuôi gửi về cho gia đình. Hằng tháng, Đội nhận tiền từ các công nhân này gửi vào tài khoản, sau đó thông báo cho gia đình đến nhận. Tháng cuối năm, tiền lương của công nhân gửi về cho gia đình nhiều hơn, chúng tôi như nhân viên ngân hàng vậy”. Thiếu tá Hờ A Là cho biết thêm, số thanh niên được giới thiệu làm công nhân chủ yếu là con em các gia đình nghèo, giáp biên giới. Những năm gần đây, cán bộ, nhân viên Đội 1 đã tiếp cận, giới thiệu việc làm, cũng như hướng dẫn cách làm kinh tế nên đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện. Riêng năm 2019, Đội đã giúp cho 8 hộ dân thoát nghèo và giới thiệu 22 thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ... với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2019, xã Mường Lạn có 20 hộ khá, giàu, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2018.

Song song với giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh niên thuộc diện hộ nghèo trong vùng dự án, Đoàn KT - QP còn hỗ trợ cây, con giống cho hàng trăm hộ gia đình thực hiện các mô hình kinh tế, với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Điển hình là, trên địa bàn 22 bản do Đội sản xuất 5 quản lý, Đoàn hỗ trợ hàng chục con bò, hàng trăm con lợn giống, cùng dụng cụ, thức ăn ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để bà con phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, từ năm 2017, Đoàn liên kết với một số doanh nghiệp tư nhân triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới và thu mua sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất. Những cách làm sáng tạo của Đoàn đã giúp bà con trong vùng dự án huyện Sốp Cộp từng bước xóa nghèo bền vững, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Cán bộ và tri thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326 giúp dân chăm sóc cây ăn quả.

CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Trên đường đến các thôn, bản, chúng tôi gặp khá nhiều cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện thuộc các đội sản xuất của Đoàn KT-QP 326 đang giúp bà con chăm sóc vườn cây, thu hoạch rau màu, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tu sửa nhà cửa… Theo Thiếu tá Lê Văn Hợi, Trưởng ban Dân vận của Đoàn, trong năm 2018  và  2019,  thực hiện chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đoàn đã phân công trên 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện phối hợp với địa phương giúp hàng trăm gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn thu hoạch lúa, sửa nhà ở; giúp hàng trăm gia đình đào hố thu gom rác, chuyển chuồng trâu bò, lợn, gà ra khỏi sàn nhà; giúp hàng chục hộ dân xây công trình vệ sinh, lắp đặt máy bơm tự áp cung cấp nước phục vụ sản xuất... Hằng năm, mỗi đội sản xuất giúp từ 7 - 10 hộ nghèo thực hiện một số nội dung thoát nghèo.Đến nay, Đoàn đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương hoàn thành các dự án làm đường liên thôn, xã; trực tiếp giúp 9 bản thực hiện đến 2 nội dung về xây dựng nông thôn mới; giúp địa phương làm mới, tu sửa trên 30km đường giao thông liên bản, 5,4km mương thủy lợi, 4 cầu treo, 7 nhà văn hóa… Thi công và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác một số tuyến đường dài gần 4km, đúng tiến độ, trị giá  trên 11,62 tỉ đồng, trong đó đơn vị đầu tư công sức, phương tiện máy móc trị giá trên 3,5 tỷ đồng.

Tạm biệt vùng biên Sốp Cộp, chúng tôi không khỏi cảm phục những tấm lòng vì dân của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326 - những người lính Cụ Hồ đang thầm lặng mang lại no ấm cho bà con các dân tộc thiểu số, giúp vùng biên giới Tây Bắc của Tổ quốc ngày càng khởi sắc.

       Bài và ảnh: LƯƠNG THẢO

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: