CNQP&KT - Cục Hậu cần - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được thành lập ngày 10/9/1974. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cục Hậu cần luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ của Tổng cục CNQP.
Những năm đầu mới thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật (sau này là Tổng cục CNQP và Kinh tế, hiện nay là Tổng cục CNQP); sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tổng cục, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cục Hậu cần luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm vật chất hậu cần cho công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội trên chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bước vào thập niên 80 của thế kỷ trước, kinh tế đất nước và đời sống nhân dân, trong đó có lực lượng vũ trang gặp rất nhiều khó khăn. Việc bảo đảm nhu cầu ăn, ở luôn là nỗi lo thường trực của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Cục Hậu cần đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục thực hiện tốt công tác khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất như: mô hình sản xuất nước mắm ở Phan Thiết; mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Gia Lương (Bắc Ninh), thị trấn Dầu Giây (Ðồng Nai); mô hình chăn nuôi lợn ở Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh)… góp phần đảm bảo lương thực, thực phẩm, doanh cụ, thuốc chữa bệnh cung cấp cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Tổng cục. Bên cạnh đó, Cục Hậu cần chủ động tham mưu cho Tổng cục cấp một phần kinh phí, vật tư hỗ trợ cho các đơn vị sửa chữa, xây dựng nhà cửa, sản xuất doanh cụ. Nhờ đó, trong 10 năm (1980 - 1990), Tổng cục đã cơ bản giải quyết khó khăn về nhà ở và doanh cụ cấp dưỡng; các khu gia đình được quy hoạch, xây dựng trở thành những “làng lính thợ”, “làng quân nhân”; hệ thống điện, nước sinh hoạt… từng bước được xây dựng hoàn thiện. Trung tướng Nguyễn Đức Lâm, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, thị sát mô hình bếp ăn ca tự chọn ở Nhà máy X51 (Tổng công ty Ba Son). Ảnh: BÁ DUY Trong những năm gần đây, trên cơ sở nội dung các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi - Quản lý quân nhu tốt”; phong trào “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp”; phong trào “Xây dựng đơn vị Quân y tốt”; phong trào “Quản lý sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm hiệu quả”… Cục Hậu cần đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP triển khai toàn diện các mặt công tác hậu cần ngày càng đi vào nền nếp, chính quy, khoa học; phương thức bảo đảm hậu cần mới được định hình và dần hoàn thiện, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng cục. Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, Cục Hậu cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng xây dựng được nguồn nhân lực cho ngành. Hằng năm, Cục Hậu cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tổng cục và Bộ Quốc phòng tổ chức bồi dưỡng kiến thức chỉ huy tham mưu hậu cần cho cán bộ; thi nâng bậc kỹ thuật nấu ăn; thi nâng, giữ bậc lái xe, thợ sửa chữa đúng chế độ quy định. Trong công tác quân nhu, Cục Hậu cần đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng thuộc các đơn vị dự toán. Chỉ đạo các đơn vị hạch toán, tổ chức bảo đảm đo may quân trang, đồng phục công nhân viên và bảo hộ lao động theo mẫu thống nhất, đáp ứng được yêu cầu mang mặc chính quy, an toàn lao động. Cục cũng chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng bữa ăn ca, bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động; đổi mới mô hình từ ăn theo định suất truyền thống sang ăn tự chọn; cải tạo, sửa chữa nâng cấp, xây mới nhà ăn ca, nhà bếp khang trang, sạch, đẹp; đầu tư mua sắm dụng cụ cấp dưỡng, bàn ghế ăn đồng bộ theo hướng thống nhất; thay đổi chất đốt bằng than, củi sang sử dụng bếp ga, hệ thống bếp cấp nhiệt lò hơi cơ khí, góp phần tiết kiệm chất đốt, giảm cường độ lao động của nhân viên nuôi quân, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, hậu cần các đơn vị cũng tích cực tăng gia sản xuất, phát triển đa dạng vật nuôi, cây trồng, góp phần cung cấp rau xanh, thực phẩm sạch cho bếp ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên không để xảy ra các vụ ngộ độc do thực phẩm. Đối với công tác quân y, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế địa phương trên địa bàn đóng quân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nhiều năm qua, 100% đơn vị thuộc Tổng cục CNQP không có dịch bệnh phát sinh hoặc lây lan vào đơn vị; thực hiện tốt công tác vệ sinh công nghiệp, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe và tổ chức khám, giám định bệnh nghề nghiệp; thu dung, điều trị tại bệnh xá bằng các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị cho các đối tượng, góp phần bảo đảm quân số khỏe của Tổng cục CNQP hằng năm đều đạt trên 98,5%. Công tác xây dựng doanh trại “chính quy, xanh, sạch, đẹp” cũng đạt những kết quả nổi bật. Cục Hậu cần đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất doanh trại, nhà xưởng sản xuất, tạo được diện mạo, cảnh quan môi trường doanh trại của các cơ quan, đơn vị ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý 129 doanh trại, 55 khu gia đình theo đúng quy định, được Bộ Quốc phòng đánh giá là một trong những đầu mối tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt công tác bàn giao hệ thống lưới điện trung, cao thế và trạm biến áp của 33 đơn vị cho ngành điện quản lý với 90/101 trạm biến áp; tích cực cải tạo, nâng cấp sân đường nội bộ doanh trại, xây dựng đường ống dẫn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên, người lao động (hiện 100% đơn vị trực thuộc Tổng cục có hệ thống nước sạch). Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm quân nhu, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và xây dựng doanh trại, Cục Hậu cần còn tích cực chỉ đạo các đơn vị tổ chức khai thác, tạo nguồn bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của đơn vị và cơ quan Tổng cục. Công tác quản lý, sử dụng xe quân sự và đăng ký, cấp giấy phép lưu hành xe, mua bảo hiểm vật chất, vé phí giao thông được duy trì thực hiện theo đúng quy định; việc sửa chữa, bảo dưỡng nâng cao hệ số kỹ thuật xe máy được duy trì thường xuyên. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tổ chức hiệp đồng vận chuyển, xây dựng kế hoạch vận tải theo từng nhiệm vụ, bố trí sử dụng phương tiện hợp lý, nâng cao hiệu suất sử dụng phương tiện đảm bảo an toàn cả người và phương tiện khi tham gia giao thông; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định về an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cục Hậu cần Tổng cục CNQP tổ chức thi nâng bậc lái xe. Ảnh: QUỐC TUẤN Với những kết quả đã đạt được trong 45 năm xây dựng và phát triển, Cục Hậu cần - Tổng cục CNQP vinh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Quốc phòng; Cờ thi đua của Tổng cục CNQP. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống, Cục Hậu cần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ chính trị của Tổng cục CNQP, thời gian tới, Cục Hậu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của Tổng cục CNQP, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục về các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần trong Tổng cục ngày càng đi vào nền nếp, chính quy, khoa học, trọng tâm là: Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành hậu cần, gắn với “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Hai là, thường xuyên bám sát sự biến động giá cả thị trường để tham mưu với Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp điều chỉnh tiền ăn cho các đối tượng, bảo đảm đủ định lượng, tiêu chuẩn ăn; chú trọng quản lý chất lượng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng tập trung, phát triển các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt, góp phần giữ ổn định và cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và người lao động; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả trang - thiết bị y tế ở các bệnh xá; củng cố hệ thống mạng lưới y tế dự phòng, nhằm nâng cao khả năng giám sát, phòng, chống dịch bệnh; mở rộng mô hình quân - dân - y kết hợp để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân. Bốn là, hoàn thiện quy hoạch và quản lý doanh trại; thực hiện tốt khâu quy hoạch, xây dựng và thẩm định các dự án đầu tư xây dựng doanh trại; triển khai tạo nguồn nhà ở, đất ở cho cán bộ, công nhân viên và người lao động theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Năm là, chủ động khai thác tạo nguồn xăng dầu cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Tổng cục; thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, thanh quyết toán xăng dầu theo đúng quy định. Thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng nâng cao hệ số kỹ thuật xe đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông. Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, duy trì nghiêm các quy định về quản lý cơ sở vật chất, ngân sách hậu cần; không để xảy ra mất mát, hư hỏng, thất thoát do thiếu tinh thần trách nhiệm; tiếp tục triển khai các biện pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấp hành nghiêm chế độ, nguyên tắc hậu cần Quân đội. Với truyền thống vẻ vang 45 năm xây dựng, trưởng thành, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp trên, sự phối hợp, thực hiện của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên làm công tác hậu cần sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực xây dựng ngành Hậu cần Tổng cục CNQP ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại tá, ThS. NGUYỄN THƯỢNG HIỀN Cục trưởng Cục Hậu cần – Tổng cục CNQP
|