CNQP&KT - Sản xuất cơ khí có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP), là nền tảng, cơ sở để phát triển các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất cơ khí trong các doanh nghiệp CNQP hiện nay chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có, vẫn đang tồn tại những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.

TRĂN TRỞ TÌM HƯỚNG ĐI…

 Nhìn tổng thể, không thể phủ nhận thực tế, ngành Cơ khí Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh thấp; công nghệ sản xuất khép kín, lạc hậu, thiết bị chậm được đổi mới; thiếu nhân lực chất lượng cao… Do đó, sản phẩm cơ khí “made in Vietnam” còn chưa đủ sức chiếm thị phần nội địa. Trong bối cảnh chung đó, cái khó trong sản xuất cơ khí ở các doanh nghiệp CNQP cũng trở nên “dễ lý giải” hơn. Dẫu vậy, cũng không thể dựa mãi vào lý do khách quan để “dậm chân tại chỗ”. Yêu cầu đặt ra đối với ngành sản xuất cơ khí của Tổng cục CNQP đó là, cần phát huy tốt nội lực, chủ động tìm hướng đi riêng để bứt phá vươn lên.

Cần phải nói rằng, so với các ngành khác như: đóng tàu, hoá nổ, cơ điện… thì ngành sản xuất cơ khí luôn là mối bận tâm thường trực của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục CNQP và của chính những người đang giữ vai trò quản lý, điều hành doanh nghiệp cơ khí. Làm thế nào để có sản phẩm chiến lược, mũi nhọn, ưu việt? Làm gì để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp tác được với những khách hàng tiềm năng? Đó luôn là câu hỏi thường trực của nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy các nhà máy cơ khí quốc phòng. Ngược dòng lịch sử để thấy, ngành sản xuất cơ khí của Tổng cục CNQP ra đời từ rất sớm. Qua hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, ngành cơ khí vẫn giữ vai trò nền tảng, quan trọng trong việc sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ Quân đội. Trong bối cảnh hợp tác và hội nhập như hiện nay, khi ngành CNQP Việt Nam ngày càng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và hòa nhập với nền công nghiệp quốc gia, thì hoạt động sản xuất cơ khí vẫn rất ì ạch, tồn tại nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Trước hết là về dây chuyền, máy móc thiết bị, tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm, tỷ lệ hiện đại hóa thấp; dây chuyền đầu tư chủ yếu là nâng cấp, cải tiến, thiếu đồng bộ; có dây chuyền đặc thù chỉ phục vụ sản xuất quốc phòng; một số dây chuyền có tính lưỡng dụng có thể kết hợp để sản xuất kinh tế nhưng sản phẩm lại rất khó cạnh tranh. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ đầu tư dây chuyền, thiết bị nhỏ lẻ theo thứ tự ưu tiên và cần thiết nhất. Thế nên, việc đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng đến dây chuyền thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất cơ khí như Tổng Công ty Sông Thu (thành lập Công ty cổ phần cơ khí Sông Thu) và Nhà máy Z131 (thành lập Phân xưởng Cơ khí xuất khẩu) là hướng đi táo bạo và quyết liệt.

Do có sự hạn chế về năng lực thiết bị, cộng với trình độ đội ngũ không đồng đều; đồng thời, một số đơn vị chưa quan tâm xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu; chưa có nhiều sản phẩm chiến lược và thị trường mục tiêu ổn định, gắn với nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm, nên sản xuất cơ khí của các doanh nghiệp CNQP vẫn chủ yếu là gia công cho nước ngoài, giá trị tăng thêm ít và chưa tham gia được vào các chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Thậm chí có doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức tới phát triển ngành nghề cơ khí được xác định trong chức năng, nhiệm vụ của mình, như Nhà máy Z113 là một ví dụ. Từng là nhà máy “thuần cơ khí” trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời bao cấp, nhưng trong giai đoạn đổi mới đất nước, Nhà máy Z113 chủ yếu tập trung đẩy mạnh sản xuất thuốc nổ công nghiệp và coi đây làm mặt hàng kinh tế chủ lực. Công bằng mà nói, nhờ phát triển thêm ngành hàng thuốc nổ công nghiệp, Nhà máy Z113 đã có bước phát triển lớn mạnh, từng được coi là “anh cả đỏ” trong Tổng cục CNQP. Tuy nhiên, thuốc nổ công nghiệp cũng góp phần “ru ngủ” Z113, để rồi khi ngành khai khoáng giảm nhu cầu cung ứng, Nhà máy đã hiện hữu những khó khăn, trong khi đó các mặt hàng cơ khí nhỏ lẻ không thể bù đắp nổi doanh thu.

Phân xưởng Cơ khí xuất khẩu được Nhà máy Z131 đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ, hiện đại.                     Ảnh: TRẦN LÊ

 Một nhà máy khác cũng đang trong cơn bĩ cực, chưa thể tìm ra hướng đi khởi sắc, đó là Nhà máy Z125. Là doanh nghiệp “thuần cơ khí”, có vị trí đóng quân khá lý tưởng ở ngoại ô Hà Nội, vậy mà đến nay Z125 vẫn chưa có sản phẩm kinh tế chủ lực. Do năng lực nghiên cứu phát triển hạn chế nên các sản phẩm kinh tế của Z125 chủ yếu làm theo mẫu có sẵn, ít sản phẩm mới. Không những thế, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng kinh tế có nhiều hợp đồng bị thua lỗ do khi sản xuất Nhà máy chưa xác định đầy đủ các chi phí, một số sản phẩm không xác định được khả năng chế tạo nên phải làm lại nhiều lần. Thực trạng tại Nhà máy Z125 là rất đáng lo ngại khi vốn đầu tư đang “đọng” trong các sản phẩm tồn kho hoặc dở dang trên các dây chuyền sản xuất…

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC

Trong nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục CNQP về “Lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu sản phẩm quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 762-NQ/ĐU) có nêu mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực sản xuất cơ khí, đó là: Sản xuất phụ tùng, vật tư, chi tiết chính xác, bán thành phẩm vũ khí, khí tài, tiến tới sản xuất đồng bộ một số máy móc, thiết bị phục vụ xuất khẩu; gắn với các chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia và phát triển các ngành, các lĩnh vực: Xi măng, dầu khí, điện, hóa chất, giao thông. Tham gia chương trình nội địa hóa công nghiệp ô tô, xe máy, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phục vụ cứu hộ cứu nạn và ứng phó với biến đổi môi trường; quan tâm đầu tư công nghệ luyện kim, chế tạo phôi; thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu.


Sản phẩm bát inox xuất khẩu do Nhà máy Z117 sản xuất.                    Ảnh: NAM ANH

Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành sản xuất cơ khí còn rất nhiều việc phải làm. Yêu cầu đặt ra là cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, công nhân viên, người lao động các đơn vị cần có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng. Từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển doanh nghiệp. Việc mà các doanh nghiệp cần làm ngay đó là, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp trên và phát huy sức mạnh nội tại để khắc phục những khâu yếu, mặt yếu. Đồng thời, thấu suốt quan điểm chỉ đạo của trên về định hướng phát triển trong những năm tiếp theo để tìm giải pháp thực hiện phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình. Trong đó, giải pháp hàng đầu mà ngành sản xuất cơ khí cần thực hiện đó là ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; chú trọng đổi mới công nghệ, kiên quyết loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý điều hành, tổ chức sản xuất, bảo đảm rút ngắn thời gian, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, phát huy tính năng động, tự chủ của doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển và đổi mới ứng dụng, đổi mới công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với việc huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, giá cạnh tranh, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, nắm vững luật pháp quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ hội xuất nhập khẩu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu rủi ro. Một yếu tố cũng đặc biệt quan trọng đó là, tập trung phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp, đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và có chính sách ưu đãi nhằm thu hút, giữ gìn đội ngũ lao động lành nghề.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI!

Trên thực tế, trong số các doanh nghiệp cơ khí thuộc Tổng cục CNQP, cũng đã có những tín hiệu vui từ định hướng phát triển của một số doanh nghiệp cơ khí. Nhà máy Z183 là một ví dụ điển hình cho việc vươn xa bằng những sản phẩm cơ khí. Từ một doanh nghiệp khó khăn, không có lợi thế cạnh tranh, Z183 đã vươn lên trở thành doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu, với sản lượng và giá trị ngày càng tăng, đặc biệt là theo hướng ổn định, lâu dài. Hay như Nhà máy Z127. Cũng từng là một trong những doanh nghiệp cơ khí khó khăn, thiếu việc làm, sản phẩm chưa có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ sự điều hành tổ chức sản xuất linh hoạt, khoa học, kịp thời; phát huy tối đa năng lực sản xuất của các bộ phận và làm tốt công tác xúc tiến thương mại, Nhà máy đã có một số sản phẩm cơ khí xuất khẩu, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Còn đối với Phân xưởng Cơ khí xuất khẩu mới thành lập của Nhà máy Z131, đang mở ra triển vọng tốt đẹp khi sản xuất được hàng trăm nghìn sản phẩm xuất khẩu trong năm đầu tiên gia nhập “sân chơi lớn” với các tập đoàn kinh tế quốc tế. Nhà máy Z131 xác định, sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là hướng đi chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới. Như vậy, trong sản xuất hàng kinh tế, Z131 phấn đấu đi vững trên “đôi chân”: vật liệu nổ công nghiệp và cơ khí.

Có thể khẳng định, sản xuất cơ khí nói riêng và sản xuất kinh tế nói chung đã góp phần duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động thuộc Tổng cục CNQP và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, tin tưởng rằng, thời gian tới, ngành sản xuất cơ khí của Tổng cục CNQP sẽ nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” để vươn lên phát triển bền vững.

HÀ ANH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: