(CNQP&KT) - Năm 2017, các nhà máy đóng tàu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) gặp nhiều khó khăn do chưa có dự án đóng mới sản phẩm quốc phòng, sản phẩm xuất khẩu chững lại, sản xuất kinh tế phải cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, nhờ chủ động, nỗ lực vượt khó, kịp thời đưa ra những giải pháp hiệu quả, các nhà máy đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của năm.

Từ năm 2016 trở về trước, do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều năm liền, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà tập trung nguồn lực đóng mới các tàu pháo TT400TP, tàu Cảnh sát biển TT400 và một số tàu quân sự bổ trợ. Bước vào năm 2017, những nhiệm vụ chính trị quan trọng đã hoàn thành trong khi chưa có sản phẩm  “gối đầu”, đã đặt doanh nghiệp trước những thách thức không nhỏ về việc làm.

Cùng cảnh ngộ với Hồng Hà, Tổng Công ty Sông Thu kết thúc nhiệm vụ đóng mới tàu Cảnh sát biển DN 2000 chiếc số 4 vào cuối năm 2016 (Tổng Công ty được giao đóng mới 2 tàu từ năm 2012 đến năm 2016); trong khi đó, các đơn đặt hàng xuất khẩu từ phía Tập đoàn Damen có phần chững lại. Sau khoảng 10 năm phát triển liên tục, đây là giai đoạn Tổng Công ty phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trước sức ép việc làm và thu nhập cho gần 1.500 cán bộ, công nhân viên. Mới đây, ngày 9/10/2017, Tổng Công ty Ba Son cũng đã bàn giao cặp tàu M5, M6 cho Quân chủng Hải quân, kết thúc dự án đóng mới 6 tàu M sau gần 6 năm tập trung nhân lực, vật lực thực hiện nhiệm vụ…

Những khó khăn trên đã được Đảng ủy, Ban giám đốc các nhà máy trong khối đóng tàu dự báo, nhận định từ những năm trước, vì vậy, trong công tác lãnh đạo, Đảng ủy các đơn vị kịp thời định hướng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện, Ban giám đốc, nhất là giám đốc các nhà máy, đã năng động, bươn chải để tìm kiếm khách hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các nhà máy, tuy không có những gam tàu quân sự “ra tấm, ra món”, nhịp độ sản xuất có phần trầm lắng hơn những năm trước đây, song hầu hết các đơn vị đều đã và đang tổ chức đóng mới, sửa chữa đa dạng các chủng loại tàu, xuồng phục vụ cả quốc phòng và kinh tế. Ngoài ra, một số đơn vị phát huy tốt việc gia công sản phẩm cơ khí, thực hiện dịch vụ cảng, bến bãi… góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tàu Kiểm ngư KN 750 do Công ty Đóng tàu Hồng Hà đóng mới.

Đại tá Vũ Đình Ninh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy Z189, cho chúng tôi biết: “Những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung thực hiện đóng mới hai tàu DN 2000, Nhà máy tích cực tìm kiếm, mở rộng khách hàng trong và ngoài Quân đội, khách hàng nước ngoài; đóng mới, sửa chữa tàu cỡ vừa và nhỏ, không “kén” sản phẩm đơn lẻ; phát huy tốt thế mạnh gia công cơ khí và khai thác dịch vụ cảng”. Nhờ định hướng đúng, năm 2017, Nhà máy Z189 duy trì tốt nhịp độ sản xuất, hoàn thiện và bàn giao 6 tàu cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; 1 tàu cho Tổng cục Hải quan; 20 xuồng cao tốc cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước và 10 xuồng các loại cho đơn hàng lẻ; bàn giao 3 tàu cho Hải quân Ô-xtrây-li-a, Tập đoàn Damen (Hà Lan) và 800 tấn thép kết cấu cho Công ty Doosan (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, Nhà máy triển khai thi công các dự án hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển Viettel; đóng gần 100 xuồng các loại cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Công an; tàu chở khách Vân Đồn, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, v.v. Dự kiến năm 2017, doanh thu của Nhà máy đạt 1.075 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch); thu nhập bình quân đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng.

Từ khá lâu, Công ty Đóng tàu Hồng Hà mới phải san sẻ năng lực cho cả ba “mặt trận”: Đóng mới tàu quân sự, tàu kinh tế và sửa chữa tàu các loại. Điều này cho thấy sự thích ứng và khả năng giải quyết những khó khăn để bảo đảm việc làm cho người lao động của Công ty. Năm 2017, Công ty đã hoàn thiện và bàn giao tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển K3000; triển khai đóng mới 2 tàu KN 750 cho Quân chủng Hải quân và tàu chở xăng, dầu cho Tổng cục Hậu cần; sửa chữa trên 10 tàu cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phà và ca nô cho Binh chủng Công binh; đóng mới 2 tàu xuất khẩu cho Tập đoàn Damen, 2 tàu KN6000 cho Cục Kiểm ngư và 4 tàu cho Tổng cục Hải quan. Năm 2017, dự kiến doanh thu của Công ty đạt trên 1.850 tỷ đồng (bằng 101% kế hoạch); thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng. “Kết quả này là nhờ Công ty xác định, trong vài năm tới không thể trông chờ và phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm quân sự nên cần có hướng chủ động tiếp cận với nhiều đối tác. Bên cạnh đó, uy tín của Công ty cũng là thế mạnh để khách hàng tin tưởng đặt đóng mới và sửa chữa tàu các loại” - Đại tá Lương Thanh Chương, Giám đốc Công ty chia sẻ. Anh cũng cho biết, Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn ở cả hai lĩnh vực đóng mới tàu quân sự và kinh tế để duy trì sự phát triển trong những năm tới; chủ động tham mưu đề xuất với cấp trên về các gam tàu quân sự đóng mới khi có nhu cầu và tham gia các chương trình vốn vay của nước ngoài phục vụ đóng tàu cho các lĩnh vực trong nước.

Đối với Tổng Công ty Sông Thu, để bù đắp sự thiếu hụt từ sản phẩm quân sự, Tổng Công ty tiếp tục phát huy tốt khả năng khai thác đóng mới tàu kinh tế xuất khẩu vốn có truyền thống nhiều năm. Do ngành vận tải biển hồi phục chậm sau suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ tàu của đối tác Damen, nhưng nhờ uy tín và sự tín nhiệm đã giúp Tổng Công ty nhận được hợp đồng đóng mới trên 15 tàu kinh tế các loại cho đối tác truyền thống; sửa chữa gần 10 tàu khác cho các lĩnh vực dầu khí, gas, khai thác cảng biển… Ngoài ra, các hoạt động sửa chữa tàu cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, gia công cơ khí, dịch vụ cảng, lưu kho, bến bãi, thuê  tàu… cũng góp phần vào tổng doanh thu (dự kiến đạt khoảng 950 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm) của Tổng Công ty, tạo việc làm ổn định cho người lao động với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng (đạt 100% kế hoạch).

Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện cặp tàu M5, M6, Tổng Công ty Ba Son còn triển khai đóng mới 2 tàu Kiểm ngư KN750, tàu kéo CV 1200CV, sửa chữa 5 tàu cho Quân chủng Hải quân và Cảnh sát biển; đóng mới 1 tàu chở gas hóa lỏng, gia công lắp ráp các tổng đoạn tàu nhà hàng nổi; sửa chữa 17 tàu kinh tế các loại; thi công, lắp đặt hệ thống nhà giàn cho ngành Dầu khí… Tổng Công ty phấn đấu các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt 100% kế hoạch năm, doanh thu đứng đầu khối đóng tàu (dự kiến đạt 2.193 tỷ đồng), thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, Nhà máy X50 (thuộc Tổng Công ty Sông Thu) và Nhà máy X51 (thuộc Tổng Công ty Ba Son) tiếp tục phát huy tốt vai trò đảm bảo kỹ thuật cho hàng chục tàu thuộc Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Đáng chú ý là Nhà máy X51 sửa chữa cấp đốc lần đầu 3 tàu ngầm cho Lữ đoàn 189, trong đó đã bàn giao 2 tàu đúng tiến độ (1 tàu đang trong giai đoạn sửa chữa); bàn giao tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ chiếc số 1 cho Quân chủng Hải quân; chuẩn bị bàn giao 2 tàu TK-600 cho Quân chủng Hải quân; bàn giao 2 tàu và tiếp tục thi công 2 tàu Kiểm ngư, 1 tàu trinh sát của Cảnh sát biển; đóng mới một số tàu kéo, tàu dầu, tàu chở nước ngọt, xà lan và sửa chữa 7 tàu kinh tế. Thu nhập bình quân của Nhà máy X51 đứng đầu khối đóng tàu, đạt gần 11 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực chung của các nhà máy, dự kiến năm 2017, doanh thu của khối đóng tàu đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch năm, đạt 6.784 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, đó là những kết quả đáng khích lệ trong một năm đầy khó khăn của lĩnh vực đóng tàu quân sự. Hy vọng điều này sẽ tạo động lực để các đơn vị khối đóng tàu trong Tổng cục CNQP tiếp tục phát huy trong thời gian tới, trước mắt là năm 2018 phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và tính ổn định của các sản phẩm quốc phòng; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên. 

Bài và ảnh: Trần Hoàng

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: