(CNQP&KT) - Trang, thiết bị y tế (TTBYT) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị bệnh được chính xác, nhanh chóng, an toàn, góp phần thực hiện tốt vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

  Trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên quân y cho các bệnh xá, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) còn quan tâm đầu tư mua sắm TTBYT để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Đến nay, TTBYT phục vụ khám, chữa bệnh ở hầu hết các bệnh xá trong các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP đều tương đối hiện đại, đồng bộ, như: Máy chụp X-quang, máy siêu âm 2 chiều; xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, nước tiểu; khám và điều trị nội soi tai mũi họng; bộ khám, điều trị răng; máy nội soi cổ tử cung; máy điều trị vật lý trị liệu; máy điện tim; hệ thống máy sấy, hấp tiệt trùng bông băng, dụng cụ, hệ thống rửa tay vô trùng… đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn đóng quân, qua đó nâng cao chất lượng khám, phát hiện bệnh và điều trị ban đầu tại tuyến cơ sở, giảm bớt tình trạng quá tải cho y tế tuyến trên, góp phần phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở, giảm gánh nặng viện phí cho người bệnh.

Qua thực tế kiểm tra, hầu hết các bệnh xá đã khai thác sử dụng rất hiệu quả TTBYT được đầu tư vào công tác chẩn đoán, điều trị cho cán bộ, công nhân viên bị ốm đau đột xuất hoặc tai nạn trong lao động sản xuất. Một số bệnh xá còn ứng dụng thiết bị, máy móc được đầu tư triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh. 100% bệnh xá đã áp dụng TTBYT mới được đầu tư vào quá trình khám và thực hiện các xét nghiệm lâm sàng chuyên sâu trong những đợt khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân viên, kịp thời phát hiện các bệnh nan y, bệnh lạ hiếm gặp, nhờ đó đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân nội trú hoặc kịp thời chuyển lên tuyến trên theo quy định. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người bệnh là cán bộ, công nhân, người lao động, mà còn tiết kiệm không ít kinh phí cho đơn vị mỗi năm do không phải thuê máy móc, thiết bị, vật tư ở các cơ sở y tế bên ngoài như trước đây.

Bên cạnh đó, để khai thác hết công suất của các TTBYT, hằng năm, các bệnh xá trong các nhà máy thuộc Tổng cục CNQP còn tiếp nhận khám và điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân là nhân dân địa phương nơi đóng quân; ký kết hợp đồng với Bảo hiểm xã hội địa phương tham gia khám, điều trị ban đầu cho hơn 5.000 đối tượng có thẻ Bảo hiểm Y tế, được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Đối với những ca cấp cứu cần phải chuyển tuyến, các bệnh xá đều có xe cứu thương chuyên dụng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, vận chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác, sử dụng TTBYT tại một số bệnh xá hiện vẫn còn tồn tại bất cập như: Chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị. Một số bệnh xá được đầu tư trang thiết bị mới nhưng chưa có cán bộ y tế được đào tạo và đủ khả năng sử dụng thiết bị. Bên cạnh đó, một số bệnh xá chưa quan tâm đúng mức đến công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trang thiết bị. Do vậy, chất lượng thiết bị xuống cấp nhanh, có thiết bị sử dụng đến khi hỏng nặng mới được sửa chữa, thay thế, gây lãng phí về kinh tế và giảm chất lượng khám, chữa bệnh.


Bệnh xá Nhà máy Z183 khai thác hiệu quả trang, thiết bị y tế mới được đầu tư.

Từ thực tế đó, việc tăng cường quản lý chất lượng cũng như bảo đảm việc khai thác sử dụng TTBYT và cơ sở hạ tầng bệnh xá hiệu quả là yêu cầu hết sức cấp thiết hiện nay. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp, mà thường xuyên, trực tiếp là cán bộ, nhân viên y tế trong các bệnh xá, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên y tế về vai trò, tầm quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng TTBYT và cơ sở hạ tầng bệnh xá để khai thác, sử dụng có hiệu quả, phát huy hết tính năng, công dụng của thiết bị, đáp ứng yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn đóng quân...

Hai là, các bệnh xá cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên sâu về sử dụng, vận hành TTBYT trong và ngoài Quân đội, các đơn vị cung ứng, lắp đặt TTBYT để cử cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng TTBYT nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng vận hành TTBYT, phục vụ công tác chẩn đoán chính xác bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Ba là, tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì và kiểm chuẩn TTBYT theo định kỳ; có kế hoạch sửa chữa kịp thời các TTBYT hư hỏng để đảm bảo chất lượng TTBYT phục vụ công tác chuyên môn.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát TTBYT sau đầu tư tại các bệnh xá để khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và đúng mục đích, hạn chế việc sử dụng TTBYT sai mục đích hoặc cho thuê, mượn khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Năm là, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện dành một khoản kinh phí cho các bệnh xá để duy trì bảo dưỡng, thay thế thiết bị hư hỏng, đáp ứng kịp thời công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Ngoài yếu tố con người, thì máy móc, thiết bị y tế cũng góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Vì thế, việc đầu tư mua sắm cũng như quản lý, khai thác sử dụng TTBYT tại các tuyến y tế cơ sở là một công việc hết sức quan trọng nhằm khai thác hết tính năng, công dụng của TTBYT trong công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân đạt hiệu quả cao nhất, góp phần giảm chi phí cho gia đình người bệnh, hạn chế được áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Đại tá Hoàng Phương Mai

Phó Cục trưởng Cục Hậu cần - Tổng cục CNQP

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: