CNQP&KT- Pháp Luân Công không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo. Mục đích thật sự của Pháp Luân Công là mượn vỏ bọc của môn luyện công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham gia, khuếch trương thanh thế, nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức chính trị đối lập.

 

Thuật ngữ “Pháp Luân Công” được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhìn chung, sự hiểu biết về Pháp Luân Công của không ít cán bộ, đảng viên, quân nhân, công nhân, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp quân đội vẫn rất lờ mờ, hư thực. Có người nghĩ đó là tôn giáo, đạo tràng, môn phái; người lại tưởng đó là hội đoàn, bè đảng, trường phái hay đơn giản là các khóa “tập dưỡng sinh”!

Vậy Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công hay còn gọi là “Pháp Luân Đại Pháp” do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952, người Trung Quốc) sáng lập năm 1992, tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Đây là một môn sử dụng thiền, các bài tập sinh lực và các bài giảng đạo đức làm phương tiện để tu luyện tâm và thân, với mong muốn cuối cùng là sự chuyển hóa tinh thần, ở phương Đông gọi là “giác ngộ”. Bên cạnh một số mặt tích cực của việc tập luyện Pháp Luân Công (như nâng cao sức khỏe, cân bằng cảm xúc, giảm stress, gia tăng năng lượng, thư giãn), thì trong nội dung tuyên truyền của Pháp Luân Công lại có một số quan điểm phản khoa học, như: Những người luyện tập Pháp Luân Công có thể tự chữa được bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo; đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập đông, luyện tập gần nhau sẽ nhanh chóng tạo ra “công lực”; cổ vũ “từ bỏ tình thân” chuyên tâm theo học “Pháp Luân Đại Pháp” để được thăng cấp, cuối cùng sẽ tu thành “Phật, Đạo, Thần”; tập Pháp Luân Công làm cho con người đạt đến khai công, khai ngộ, công thành viên mãn, linh hồn bất diệt…

Về thực chất, Pháp Luân Công không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh mà vay mượn, cắt xén của các tôn giáo khác để hình thành. Mục đích thật sự của Pháp Luân Công là mượn vỏ bọc của môn luyện công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng tham gia, khuếch trương thanh thế, đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân, nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức chính trị đối lập.

Pháp Luân Công được du nhập vào nước ta từ năm 2000 qua nhiều con đường, trong đó có mạng xã hội. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, tính đến tháng 4/2019, tại Việt Nam có khoảng hơn 8.000 người tham gia Pháp Luân Công; đối tượng chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, thanh niên, sinh viên, cá biệt có những người là cán bộ, đảng viên, người công tác trong lực lượng vũ trang, giáo viên, văn nghệ sĩ… Thời gian qua, Pháp Luân Công đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, mang màu sắc chính trị đối lập, phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một vụ việc điển hình là lợi dụng việc Quốc hội xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đối tượng theo Pháp Luân Công đã xuyên tạc và đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi phải lấy nguyên lý “chân - thiện - nhẫn” của “nhà khai sáng” Lý Hồng Chí để xây dựng Hiến pháp mới. Nhiều vụ tụ tập, biểu tình đông người có sự tham gia, cấu kết, kích động của những người theo Pháp Luân Công. Một số đối tượng cầm đầu theo Pháp Luân Công đã móc nối, phối hợp với các đối tượng ở các địa phương để tuyên truyền, phát tán tài liệu; đồng thời lợi dụng tự do, dân chủ và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để chống đối chính quyền; kích động, gây rối, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện nay, tổ chức Pháp Luân Công đang được các thế lực thù địch tích cực chống lưng nhằm chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam. Những hành vi, chiêu trò tự xưng là “Pháp thân”, “Pháp chủ”, “Phật độ”, “Phật gia” chỉ là lừa phỉnh, mị dân; những hoạt động như lập các đoàn nghệ thuật “Hồng Ân”, “Thiên quốc nghiệp đoàn Việt Nam” biểu diễn miễn phí tại các sự kiện (lễ khai trương, Tết Trung thu); tài trợ tổ chức Lễ vu lan, hội làng, khuyến học; thành lập câu lạc bộ ở các điểm sinh hoạt công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa), chỉ là cách để đánh bóng hình ảnh của Pháp Luân Công, gây sự chú ý, quan tâm của người dân và lôi kéo thêm nhiều người tham gia.

Cần khẳng định rằng, Nhà nước ta không công nhận Pháp Luân Công, không cấp đăng ký sinh hoạt, hoạt động đối với Pháp Luân Công và không để Pháp Luân Công công khai hình thành về tổ chức chính trị dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động; tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động của những người “tập dưỡng sinh” theo Pháp Luân Công, lồng ghép các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng lôi kéo nhiều người tham gia; xử lý nghiêm những hoạt động in ấn, phát tán tài liệu và sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền phát triển Pháp Luân Công.

Hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân, công nhân, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp quân đội phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, vạch trần luận điệu tuyên truyền và các hoạt động phản khoa học của những kẻ lợi dụng Pháp Luân Công để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

NHẤT NGÔN

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: