CNQP&KT - Đến công tác tại một doanh nghiệp, người viết bài này rất ngạc nhiên khi thấy, trong căn phòng làm việc chật chội có số nhân viên đông như… lớp học! Vị trưởng phòng phàn nàn: “Thực ra phòng tôi chỉ cần 7 người, nhưng hiện nay đã “phình” lên gần gấp đôi, mà chủ yếu là làm việc trái ngành đào tạo”.

 

Thực tế, không chỉ ở khối doanh nghiệp mới có chuyện bố trí nhân sự trái ngành, mà hiện tượng này còn khá phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp. Có hai lý do cơ bản để một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp buộc lòng tiếp nhận người làm việc trái ngành. Thứ nhất, vì tính cấp thiết của công việc nên chấp nhận tuyển dụng nhân sự trái ngành, rồi sau đó vừa làm, vừa học! Thứ hai, người được tuyển dụng thuộc đối tượng “5C” (con cháu các cụ cả), nên dù không muốn, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải… thuận lòng! Sẽ không phải băn khoăn đối với hai nguồn “đầu vào” nêu trên, nếu không xảy ra một thực tế: Chất lượng làm việc của những người bố trí trái ngành không cao. Điều đáng nói, đối tượng “5C” không phải ai cũng được đào tạo bài bản, có trình độ, kiến thức thực sự. Do đó, khi được bố trí làm những công việc trái ngành, họ lúng túng như gà mắc tóc. Cán bộ, nhân viên “lớp trước” phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để kèm cặp, đào tạo lại theo dạng “cầm tay chỉ việc”. Thậm chí, nhiều người cậy thế “5C” đã làm ẩu, làm liều, vô kỷ luật, gây mất đoàn kết nội bộ…

Hiện tượng cán bộ, nhân viên làm gián tiếp, lại học trái ngành, không đáp ứng được yêu cầu công việc, đang làm những người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp khó xử. Có doanh nghiệp, số lao động gián tiếp lên tới hơn 40% tổng quân số. Doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn khi phải chi quỹ lương rất lớn cho bộ phận làm gián tiếp trái ngành này. Xét ở tầm vĩ mô, vấn đề “nhân sự trái ngành” bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong công tác đào tạo và sử dụng lao động. Đó là công tác dự báo cung cầu nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành, từng lĩnh vực vẫn chưa được thực hiện tốt. Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguồn nhân lực chất lượng cao chủ yếu đổ dồn về các doanh nghiệp ở gần thành phố, khu đô thị. Nhân lực được đào tạo ở các ngành kỹ thuật - công nghệ, hóa nổ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ… còn ít và chiếm tỷ trọng thấp, trong khi nhân lực các ngành luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng... lại quá cao.

Để giảm áp lực bố trí nhân sự gián tiếp trái ngành, điều cần thiết hiện nay đối với mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là phải mạnh dạn tái cơ cấu lực lượng lao động, kiên quyết tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc. Việc một số doanh nghiệp bước đầu áp dụng hình thức trả lương theo hiệu quả lao động chính là cách làm tốt để giảm dần những nhân sự trái ngành, sống “tầm gửi”, kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, cần thay đổi quan niệm “học để biết” sang “học để làm việc”, hướng tới xu thế đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Để tăng tỷ lệ lao động có chất lượng ở một số lĩnh vực đang thiếu, Nhà nước cần quan tâm chính sách việc làm, thu nhập và các điều kiện sinh sống, định cư, nhất là ưu tiên cho những đơn vị, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc, minh bạch, công khai trong việc tuyển dụng nhân sự, từng bước hạn chế đối tượng “5C” thiếu năng lực, trình độ lọt vào trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Bố trí đúng người, đúng việc, đúng lĩnh vực đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, thúc đẩy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển.

NHẤT NGÔN

 

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: