CNQP&KT-Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chuyện hàng nhái, hàng “rởm”, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường lại được nhắc đến nhiều. Đây thực sự là hành vi “đánh tráo sản phẩm”, “thật giả lẫn lộn” để lừa khách hàng.

 

Thực tế, mỗi khi có vụ việc được báo chí phát hiện, phanh phui, các cơ quan chức năng mới đôn đáo vào cuộc. Tuy vậy, số lượng hàng bị thu giữ có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”! Vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang lén lút hoạt động mà chưa bị phát hiện. Chuyện xuê xoa, dễ dãi trong việc cấp phép đầu tư, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, cũng là nguyên nhân để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm ăn gian dối.

 

Ảnh minh họa.

Không chỉ sản xuất hàng nhái, hàng giả, một số đối tượng còn giả danh cán bộ công tác trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp quân đội để tạo niềm tin với khách hàng, hoạt động bất chính. Giữa năm 2018, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoa Hữu Long, vì tội giả danh “thiếu tướng quân đội” sử dụng các quyết định mạo danh doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 1.000 người tại nhiều địa phương. Cũng trong năm 2018, các cơ quan chấp pháp đã phanh phui vụ Công ty Liên Kết Việt giả danh “công ty con” của một công ty có cái tên rất lập lờ “Công ty BQP” cũng “thuộc Bộ Quốc phòng”, để bán hàng đa cấp, thu lợi bất chính số tiền rất lớn của hàng nghìn người.

Trước đây, Nhà máy Z199 (tên giao dịch là Công ty TNHH Một thành viên Quang điện - Điện tử), thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cũng đã từng bị một số doanh nghiệp tư nhân xâm hại thương hiệu theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Lợi dụng thương hiệu quạt điện nổi tiếng “Điện cơ 91 - Bộ Quốc phòng” của Nhà máy Z199, các doanh nghiệp này không chỉ “nhái” tên doanh nghiệp (như Công ty Cổ phần sản xuất Điện cơ 91, Công ty TNHH sản xuất Điện cơ 9101), mà còn “nhái” tên sản phẩm, như: “Điện cơ 91 - Hà Nội”, “Điện cơ 9101” gây ảnh hưởng tới thương hiệu của Nhà máy Z199 và quyền lợi của người tiêu dùng…

Dù là doanh nghiệp giả danh “công ty thuộc Bộ Quốc phòng” hay doanh nghiệp tìm cách “lách luật” để được cấp phép hoạt động với những cái tên “na ná” các thương hiệu lớn, thì đó vẫn là hành vi đánh tráo thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Việc một số công ty lớn, có uy tín, trong đó có doanh nghiệp quân đội, bị xâm hại thương hiệu là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp, không thể vì mải mê sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mà quên bảo hộ, sở hữu thương hiệu.

Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, thì cũng cần có chế tài đủ mạnh - cả với người sản xuất, kinh doanh và lực lượng thực hiện công tác giám sát, quản lý doanh nghiệp - để từng bước ngăn ngừa, hạn chế những “điểm đen” kinh doanh, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tung tác trên thị trường. Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ độc quyền sản phẩm cho doanh nghiệp mình; kịp thời báo cáo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hiện tượng xâm hại thương hiệu. Cùng với đó, các cơ quan hữu trách, chuyên ngành cũng cần có sự quan tâm tới vấn đề này qua việc phổ biến, hướng dẫn những văn bản pháp quy cần thiết cho các doanh nghiệp, cùng chung tay bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất, tránh bị xâm hại theo kiểu “đánh tráo thương hiệu” do những đối tượng làm ăn bất chính gây ra.

NHẤT NGÔN

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: