Mượn oai!

01/12/2017

(CNQP&KT) - Thành ngữ “Cáo mượn oai hùm” đã xuất hiện và lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay, ám chỉ những hạng người ma lanh, xảo quyệt, mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù doạ, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn, bình phong để thỏa sức lộng hành, trục lợi.

 

Trong thực tế cuộc sống, có nhiều biểu hiện, hành vi mượn oai, mượn danh của người có chức vụ, quyền hạn để thỏa mãn mưu đồ cá nhân với nhiều cấp độ, hình thức và gây ra những hệ luỵ khác nhau.

Có anh chỉ là nhân viên quèn, may mắn quen được một vị có vai vế trong xã hội, thế là cứ nhằm những lúc “trà dư tửu hậu” với chiến hữu, bạn bè lại lôi điện thoại di động ra “a lô” để thể hiện mối quan hệ rộng lớn của mình!

Có kẻ năng lực còn nhiều hạn chế, nhờ người chống lưng bợ đỡ cũng leo lên được chức “quan nhỏ”. Lẽ ra, biết rõ khiếm khuyết về năng lực của mình, họ nên từ tốn, đúng mực trong lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp ứng xử, chịu khó tu rèn phấn đấu nhằm hoàn thiện mình hơn. Đằng này, mượn danh “ông anh”, “bác cả”, đi đến đâu họ cũng vỗ ngực dương oai, khoác lác, làm liều! 

Có người do tính chất công việc nên hay được cắp cặp theo “sếp” xuống cơ sở và được anh em săn đón, trọng vọng, tung hô… Lâu dần, họ mượn uy tín, danh nghĩa của “sếp” để nhũng nhiễu, hạch sách gây khó cho cơ sở.

Lại có người luôn giữ thái độ lạnh lùng, thiếu gần gũi, cởi mở với anh em, đồng nghiệp, đồng môn chỉ vì muốn thể hiện “cái oai”, “đẳng cấp” khi ý thức rằng mình đang góp mặt trong một ê kíp, cánh hẩu quyền lực nào đó...

Cần phải nói rằng, điểm chung của những kẻ có hành vi, thái độ nêu trên là có người thân, người nhà giữ trọng trách, cương vị lãnh đạo cấp "có  thẩm quyền" nào đó, vì vậy, họ mượn danh để giải quyết “khâu oai”, thể hiện “chiếu trên” trong quan hệ với mọi người. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay chính là, đã xuất hiện một số đối tượng mượn oai, mượn danh người khác để thực hiện những mưu đồ xấu, với mục đích vụ lợi. Mới đây, trong Văn bản số 5760/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ (do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký) có nêu: Thời gian qua, xuất hiện một số cá nhân liên hệ công tác với các bộ, cơ quan, địa phương tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà của các đồng chí lãnh đạo để nhờ hỗ trợ, can thiệp một số việc. Như vậy, việc “tự giới thiệu, tự nhận” của các đối tượng này thực chất là hành vi mượn danh người có thẩm quyền để trục lợi. Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc đề cao cảnh giác, không để các đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định của pháp luật; trong xử lý công việc thực hiện đúng quy định, không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về vấn đề trên, Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tăng cường giáo dục, nâng cao cảnh giác với hiện tượng này. Khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi trong việc mượn danh lãnh đạo để thực hiện hành vi không đúng quy định pháp luật cần khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý, không bao che, dung túng.

Hiện tượng mượn oai, mượn danh người có chức, có quyền, dù để thoả mãn thói bốc đồng, “chém gió”, ba hoa về… đẳng cấp, hay với mục đích lớn hơn là trục lợi, đều phải bị lên án và ngăn chặn. Bởi lẽ, nó sẽ gây ra những hệ luỵ không nhỏ đối với xã hội, tạo mối hồ nghi, đố kỵ trong cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng tới uy tín của lãnh đạo, tạo ra những luồng thông tin trái chiều, gây hoang mang dư luận. Phát hiện, ngăn chặn hiện tượng, hành vi này chính là biện pháp cần thiết nhằm loại trừ thói xấu ra khỏi các cơ quan công quyền, triệt tiêu những hành vi sai trái trong thực thi công vụ, làm trong sạch môi trường hành pháp tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội.

NHT NGÔN

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: