(CNQP&KT) - Những ngày qua, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ), trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), đặc biệt quan tâm và thể hiện tâm trạng, nỗi niềm khác nhau khi Bộ Quốc phòng triển khai “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Theo thông tin tại buổi họp báo mới đây do Bộ Quốc phòng tổ chức, từ 88 doanh nghiệp (được cơ cấu, sắp xếp lại từ hơn 300 doanh nghiệp trước đây), Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành cơ cấu lại, hợp nhất, thu gọn đầu mối chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó giữ nguyên 12 doanh nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; cơ cấu lại các doanh nghiệp có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng thành 5 tổng công ty; tiến hành cổ phần hóa 29 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 20 công ty cổ phần (thuộc danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ). Cùng với đó, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập, hợp nhất...

Công nhân Nhà máy Z129 trong giờ tan ca.

 

Đối với các doanh nghiệp quốc phòng, theo “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đến năm 2020”, từ hàng chục doanh nghiệp sẽ sáp nhập, hợp nhất thành 3 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Sản xuất, sửa chữa vũ khí; Tổng công ty Hóa chất, đạn, ngòi; Tổng công ty Đóng tàu quân sự; đồng thời thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên 76 (tức Nhà máy Z176). Từ nay đến tháng 3/2018, Tổng cục CNQP sẽ thực hiện thí điểm thành lập Tổng công ty Sản xuất, sửa chữa vũ khí, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai thành lập hai Tổng công ty còn lại xong trước tháng 10/2018.

Cần phải nói rằng, việc triển khai thực hiện “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” đã và đang tác động tới tâm tư, tình cảm của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các DNQĐ. Có người tỏ rõ niềm tin vào sự tiến bộ, đổi mới, phát triển; có người băn khoăn, lo lắng, hồ nghi; có người bi quan, dao động, thậm chí phản ứng… Nhìn nhận công tâm, dù cung bậc cảm xúc và tâm trạng mỗi người có diễn ra theo chiều hướng nào, thì đó cũng là lẽ thường tình trước những biến động lớn về cơ cấu, tổ chức, nhân sự... Do đó, họ cũng rất cần nhận được sự chia sẻ và cảm thông, nhất là đối với những cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng ở những doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thoái vốn, cổ phần hóa trong thời gian tới.

Mọi sự đổi mới, dù hướng tới những điều tiến bộ, tốt đẹp, thì vẫn không thể không vướng phải những trở lực, thách thức ngày đầu thực hiện. Nhìn xa hơn, rộng hơn thì thấy, trong bức tranh chung của nền kinh tế đất nước, vẫn còn đó những mảng màu u tối, nhạt nhòa… Điều bất cập, hạn chế đó là, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các DNQĐ, chưa thực sự ngang tầm với yêu cầu ngày càng cao của tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Chính vì thế, việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là điều cần thiết và tất yếu. Sắp xếp, sáp nhập, thu gọn đầu mối chính là giải pháp để tạo ra các doanh nghiệp có quy mô lớn phù hợp; tập trung, tích tụ được vốn đầu tư cho phát triển sản xuất gắn với đổi mới doanh nghiệp. Vì vậy, cho dù phải sáp nhập, hợp nhất, thoái vốn, cổ phần hóa ngay cả với những doanh nghiệp có bề dày truyền thống; cho dù việc cơ cấu lại, sắp xếp, thu gọn đầu mối có ảnh hưởng tới lợi ích và tác động tới nỗi niềm riêng của mỗi người, thì đó vẫn là xu thế tất yếu vì sự phát triển thực chất, bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến biên chế, tổ chức, chế độ, chính sách, tư tưởng, tình cảm của hàng vạn quân nhân và người lao động. Vì vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận đối với mọi cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các DNQĐ, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng. Điều này đòi hỏi những nỗ lực chung của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; của Đảng ủy, ban giám đốc, cơ quan chính trị các doanh nghiệp trong triển khai tổ chức thực hiện.

NHẤT NGÔN

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: