CNQP&KT– Gần 10 năm qua, với đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn cao và sự đam mê, tâm huyết với công việc, Phòng Vỏ tàu đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Viện Thiết kế tàu quân sự (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế tàu quân sự.

Đến công tác tại Phòng Vỏ tàu vào những ngày đầu năm mới 2019, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí làm việc hết sức tất bật, khẩn trương. Các cán bộ, nghiên cứu viên của Phòng đều bận rộn, người thì nghiên cứu bản vẽ, người thao tác phần mềm thiết kế trên máy tính, một số khác đang bàn luận, trao đổi sôi nổi về chuyên môn. Ai cũng tập trung cao độ cho công việc, bởi theo Thiếu tá, TS. Nguyễn Viết Hoàn, Trưởng phòng Vỏ tàu, đây là thời điểm Phòng phải “chạy nước rút” để kịp tiến độ các dự án còn dang dở. “Năm 2018 là một năm bận rộn của Phòng Vỏ tàu khi đảm nhận nhiều đề tài, dự án lớn, trong đó có những dự án lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam” - đồng chí Hoàn thông tin với tôi.

Để giúp tôi hiểu rõ hơn về Phòng Vỏ tàu, Thiếu tá Nguyễn Viết Hoàn cho biết, nhiệm vụ chính của Phòng là nghiên cứu, thiết kế kết cấu thân vỏ tàu quân sự; đảm nhiệm việc giám sát, thi công, đóng mới tàu cả trong và ngoài Quân đội; đồng thời, triển khai biên soạn tài liệu khai thác, bảo dưỡng kỹ thuật cho các loại tàu. Là một trong những phòng chuyên môn đầu tiên của Viện Thiết kế tàu quân sự, Phòng Vỏ tàu được thành lập trong giai đoạn các nhà máy đóng tàu của Tổng cục CNQP hoạt động ổn định nên nguồn việc không nhiều. Thế nên, các cán bộ, nghiên cứu viên của Phòng phải tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn việc từ các cơ quan, đơn vị, đối tác bên ngoài. Tuy phải vất vả bươn chải nhưng nhờ đó, các cán bộ trẻ có dịp cọ xát, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn, năng động, bản lĩnh và trưởng thành hơn.Cũng như nhiều ngành khác trong lĩnh vực đóng tàu, nguồn nhân lực cho ngành vỏ tàu còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Do vậy, phải mất một thời gian khá dài, biên chế tổ chức của Phòng mới được kiện toàn đủ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Viết Hoàn chia sẻ: “Có thời điểm, quân số của Phòng chỉ có 3 đồng chí, trong khi phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn. Đây thực sự là thách thức với chúng tôi khi phải sắp xếp thời gian, phân bổ quân số hợp lý. May mắn là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Phòng cũng được lãnh đạo, chỉ huy Viện tin tưởng, tạo điều kiện, anh em trong Phòng đoàn kết, hỗ trợ nhau để cùng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Lãnh đạo, chỉ huy Viện Thiết kế tàu quân sự chỉ đạo công tác chuyên môn đối với Phòng Vỏ tàu.      Ảnh: TRẦN HOÀNG

Trong quá trình tìm hiểu về Phòng Vỏ tàu, chúng tôi rất ấn tượng bởi sự xông xáo, táo bạo, “dám nghĩ, dám làm, quyết liệt đến cùng” của những cán bộ khoa học trẻ. Đứng trước những nhiệm vụ khó khăn và đề tài hóc búa, các nghiên cứu viên của Phòng Vỏ tàu luôn vững vàng, bản lĩnh, sẵn sàng “chạy đua” với đối thủ, với thời gian, nỗ lực cao nhất để tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế những sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn, hữu dụng hơn. Dự án “Hoán cải xà lan bình thường thành xà lan công trình” của Công ty Phú Xuân là một ví dụ. Đây là công trình lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, và để biến “việc chưa có tiền lệ” thành hiện thực, Phòng đã “dốc toàn lực” nghiên cứu, tham khảo các tài liệu của nước ngoài, tham vấn các chuyên gia đầu ngành nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất để hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 6 tháng.

Một đặc thù của ngành đóng tàu là để đóng mới, hoàn thiện một con tàu đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, việc đề xuất đề tài nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Để ý tưởng không “mai một” và tăng tính chủ động, có đề tài mới, các cán bộ, nghiên cứu viên trong Phòng phải tạm ứng “tiền túi” ra để thực hiện. “Cá biệt, có đề tài mất thời gian, công sức, chi phí nghiên cứu… nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.Dẫu vậy, chúng tôi chưa bao giờ nản lòng. Bằng tình yêu, niềm đam mê với khoa học, cùng tinh thần trách nhiệm với Phòng, với Viện, chúng tôi lại tiếp tục cố gắng, cống hiến hết mình cho công việc” - Đại úy, Thạc sĩ Bùi Văn Huynh, trợ lý Phòng Vỏ tàu chia sẻ với tôi.

Bằng nhiều biện pháp hiệu quả, đồng bộ, tập thể Phòng Vỏ tàu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, có một số dự án nổi bật mà Phòng đảm nhiệm thành công, đó là: Chủ trì thực hiện xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự quốc phòng: Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy quân sự chế tạo bằng vật liệu PPC; thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ kinh tế biển và an ninh quốc phòng”; lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán tàu kéo 1.200CV của Bộ Tư lệnh Hải quân; tham gia xây dựng bộ thiết kế kỹ thuật tàu kéo 300CV; thiết kế hoàn công tàu SPA-4207 cho Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục CNQP); giám sát thi công đóng mới 17 tàu và ca nô các loại; thẩm tra bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật tàu HQ-85 và tàu TT200 của Tổng cục Hải quan; Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng và bảo dưỡng kỹ thuật tàu đổ bộ ST-2300-05 của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần)…

Nhận xét về Phòng Vỏ tàu, Đại tá Nguyễn Gia Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện Thiết kế tàu quân sự, cho biết: “Phòng Vỏ tàu luôn là một trong những “lá cờ đầu” trong phong trào Thi đua quyết thắng của Viện Thiết kế tàu quân sự, nhiều năm đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng. Đây cũng là đơn vị đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của Viện trong năm 2018.”

Chuyến công tác của chúng tôi đã khép lại với hình ảnh đẹp về những người lính trên mặt trận khoa học kỹ thuật. Với những tập thể điển hình như Phòng Vỏ tàu, tin rằng, Viện Thiết kế tàu quân sự sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, vươn xa hơn nữa.

CHI ANH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: