(CNQP&KT) - Những năm gần đây, Nhà máy Z181 đã khẳng định thương hiệu của mình với sản phẩm kính nhìn đêm phục vụ nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Một trong những người có đóng góp nổi bật và rất “có duyên” ở lĩnh vực này chính là Thiếu tá Hà Trung Hữu - Trưởng ban Cơ điện, Xí nghiệp Quang điện tử.

Trước khi thực hiện bài viết này, những thông tin cơ bản nhất mà tôi biết về Thiếu tá Hà Trung Hữu đều liên quan đến một sản phẩm mang tính chuyên ngành, hết sức độc đáo: Kính nhìn đêm. Có thể nói, Thiếu tá Hà Trung Hữu là người dành rất nhiều tâm huyết và đam mê cho thiết bị ống khuyếch đại ánh sáng (KĐAS) thế hệ 2+, vốn được coi là “trái tim” của kính nhìn đêm… Với đề tài nghiên cứu về thiết bị này, anh đã dành giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 13 (2014-2015) trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và tự động hóa. Chỉ với thông tin ít ỏi nhưng rất nổi bật đó cũng đủ để tôi gác lại công việc bận rộn ngày giáp Tết, trực tiếp đến Nhà máy Z181 gặp Thiếu tá Hà Trung Hữu.


Kỹ sư Hà Trung Hữu hướng dẫn kỹ thuật viên điều khiển thiết bị sản xuất.

Một điều dễ nhận thấy khi tiếp xúc với Thiếu tá Hà Trung Hữu là ở anh có sự chín chắn, già dặn hơn so với độ tuổi 33 của mình. Thế nên, tôi không quá bất ngờ khi biết anh là tác giả của hàng chục đề tài, sáng kiến có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn cao. Chàng kỹ sư gốc Ninh Bình chia sẻ, ngay từ nhỏ, anh đã rất yêu thích và say mê tìm tòi, khám phá các môn khoa học tự nhiên. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự, rồi theo học tại Khoa Điện - Chuyên ngành Kỹ thuật Đo lường và Tin học công nghệ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên giữa 2 Nhà trường. Năm 2009, Hà Trung Hữu được phân công về công tác tại Nhà máy Z181. Đây cũng là thời điểm Nhà máy bắt đầu triển khai Dây chuyền sản xuất Thiết bị kính nhìn đêm, trong đó tập trung vào nhiệm vụ sản xuất ống KĐAS thế hệ 2+.

Tuy là “tân binh” nhưng Hà Trung Hữu được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy tin tưởng lựa chọn tham gia triển khai dây chuyền ngay từ buổi đầu. Năm 2010, anh cùng đoàn kỹ sư sang Cộng hòa liên bang Nga nhận chuyển giao công nghệ trong vòng 6 tháng, rồi trở về hướng dẫn lại cho đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất trên dây chuyền. Là kỹ sư phụ trách về công nghệ, anh đảm nhiệm 2 công đoạn then chốt trong quá trình tạo ra ống KĐAS thế hệ 2+ đó là tổng lắp chế tạo khối chân không và chế tạo photocathode trong bình vận chuyển. Năm 2014, anh được giao phụ trách Ban Kỹ thuật công nghệ, đảm nhiệm công tác nghiên cứu, kiểm tra quy trình công nghệ tại các bộ phận sản xuất; từ năm 2015 đến nay, anh là Trưởng Ban cơ điện, chịu trách nhiệm đảm bảo mọi yếu tố phục vụ sản xuất, vận hành dây chuyền.

Để giúp tôi hiểu hơn về quá trình tạo ra sản phẩm ống KĐAS thế hệ 2+, Thiếu tá Hà Trung Hữu dẫn tôi đi thăm quan các phòng, ban, phân xưởng sản xuất của Xí nghiệp. “Nhà báo thấy đấy, để làm ra một sản phẩm nhỏ thế này thôi nhưng là cả một quy trình với bao công đoạn phức tạp và phải đảm bảo môi trường “siêu sạch”, anh Hữu bày tỏ với tôi.

Anh cho biết, trong quá trình nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, một vấn đề nan giải đó là nguồn vật tư bị phụ thuộc; nhiều chi tiết, thiết bị hỏng hóc gần như không tìm được nguyên liệu, phụ kiện thay thế; ngoài ra, ngoại ngữ cũng là một thách thức không nhỏ. Gần 10 năm làm việc trên dây chuyền, không ít lần Hà Trung Hữu rơi vào thế bế tắc, nhưng  anh chưa bao giờ cho phép mình chùn bước, bỏ cuộc. Anh xác định, phải luôn đặt mình ở tâm thế “sẵn sàng chiến đấu”, không ngại khâu căng, việc khó, quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất.

Minh chứng cho điều đó là những năm qua, Thiếu tá Hà Trung Hữu đã tìm tòi, nghiên cứu hàng chục đề tài, sáng kiến có giá trị áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Có thể kể tên một số đề tài nổi bật của anh như: “Chế tạo Khối điều khiến thiết bị đo độ phân giải” với nguồn vật tư, linh kiện hoàn toàn được mua trong nước; “Chế tạo mới modul tự động bảo vệ bơm phún xạ từ trường”; “Chế tạo mới modul đo lường và hiển thị hệ số phát xạ của màn ảnh”... Trong đó, đáng chú ý nhất là đề tài “Thiết bị hiệu chỉnh ống khuyếch đại ánh sáng thế hệ 2+”. Trên thực tế, thiết bị hiệu chỉnh gốc do đối tác Nga chuyển giao có một số lỗi kỹ thuật không thể sửa chữa, khắc phục. Trong suốt gần 1 năm, anh đã tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo và cho ra đời thiết bị mới có độ chính xác cao phục vụ quá trình hiệu chỉnh hệ số khuyếch đại. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Với thiết bị này, Hà Trung Hữu đã được trao giải Nhất trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và tự động hóa tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 13 (2014-2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2016); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 2017); 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ năm 2014 đến 2016)...

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Xí nghiệp Quang điện tử - Nhà máy Z181, cho biết: “Thiếu tá Hà Trung Hữu rất nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Là người trực tiếp tham gia Dây chuyền sản xuất thiết bị kính nhìn đêm từ những ngày đầu, đồng chí đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo được nhiều chi tiết mới, thiết bị thay thế có giá trị. Nhờ đó, đảm bảo việc vận hành dây chuyền sản xuất chất lượng, hiệu quả, góp phần giúp Xí nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm.” 

  Tuổi đời còn trẻ, có chí tiến thủ, cộng với những phẩm chất của một cán bộ khoa học chân chính, tôi tin rằng, Thiếu tá Hà Trung Hữu sẽ tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được những sản phẩm chất lượng, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Nhà máy Z181 và ngành CNQP.

Bài và ảnh: CHI ANH

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: