CNQP&KT - 50 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa cũng là bấy nhiêu năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực thực hiện Di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, những tư tưởng bất hủ, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc càng trở nên sáng rõ, phản ánh tư duy, tình cảm, đạo đức và tâm hồn một người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
Suốt 5 thập kỷ qua, di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao hàm chứa trong từng câu nói, bài viết, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Một trong số di sản đó chính là bản Di chúc lịch sử, những lời dặn lại đầy tâm huyết của một người cộng sản, có giá trị vượt không gian và thời gian. Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi “gặp cụ Các-Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, nhưng di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc vẫn đồng hành cùng “hiện nay và mai sau, không chỉ là của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn dành cho tất cả các dân tộc, các Đảng đấu tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ. Ảnh: TL Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo tại Hà Nội, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người (tháng 5/1965). Trong những năm tiếp sau đó, Người lại đọc, suy ngẫm, trăn trở để chỉnh sửa, bổ sung vào những “lời dặn lại” đặc biệt của mình, cho đến khi trái tim ngừng đập vĩnh viễn vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Tư tưởng bất hủ, đặc sắc cùng những giá trị vĩnh hằng của Di chúc sẽ tiếp tục được các thế hệ người Việt Nam nghiên cứu, học tập và làm theo. Tư tưởng ấy được thể hiện trên ba nội dung cốt lõi sau đây: Thứ nhất, Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Tâm nguyện ấy thể hiện rõ qua lời tự bạch, nhắn nhủ của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”2. Cần phải nhấn mạnh rằng, ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về sự nghiệp cách mạng còn dang dở… Di chúc còn là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bè bạn khắp năm châu” trên thế giới. Thứ hai, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, tức là “Đảng cách mệnh”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề có tính cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là giữ gìn mối đoàn kết, nhất trí trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người cũng yêu cầu, trong Đảng phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL Những lời dặn đậm chất nhân văn trong Di chúc chứa đựng giá trị tư tưởng, tinh thần cao quý từ cuộc đời Hồ Chí Minh. Theo Người, dù đã có những đóng góp nhất định, song để thật sự trong sạch, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thanh niên phải hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, phải thấm nhuần và nâng cao “đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; và vượt lên hết thảy là phải sống với nhau có tình, có nghĩa, có “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”3. Sự nghiệp cách mạng là quá trình bền bỉ, lâu dài, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “nhắc nhở” Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Người căn dặn: “Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”4, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cũng liên quan đến xây dựng Đảng cầm quyền, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bạn bè quốc tế. Điều Người dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, đó là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”5. Thứ ba, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Có thể nói, Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những định hướng về quản lý xã hội, như: đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội... Giá trị văn hóa của Di chúc chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hóa mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái. Một trong những tư duy đặc sắc, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là trong Di chúc, Người đã phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Người quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, “là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Người, “xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”7. Mỗi khi lật giở lại trang bản thảo, với bút tích của Người trong bản Di chúc thiêng liêng, dường như mỗi chúng ta vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Đó là những vấn đề quan trọng, cần thiết phải làm, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của một Đảng cầm quyền; đồng thời đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đó cũng chính là những dòng chữ cuối cùng của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, người chiến sĩ quốc tế nặng lòng vì Đảng, vì dân, vì tình đoàn kết giữa các đảng anh em và các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, công lý. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Hiện nay, Di chúc vẫn tiếp tục soi sáng những chặng đường nhân dân ta đang đi, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại tá, TS. NGUYỄN TIẾN HẢI Học viện Chính trị
____________________ Tài liệu tham khảo: 1, 2. Xã luận, báo Tự do nhân dân: Bu-đa-pét, ngày 11/9/1969. 3, 4, 5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập - NXB CTQG, Hà Nội (2000). 7. Đề cương tuyên truyền “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Ban Tuyên giáo Trung ương, 2019.
|