CNQP&KT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đó là nền tảng của người cách mạng, như cây phải có gốc, sông suối phải có nguồn.

Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức, xứng đáng là “công bộc” của dân. Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”1.

Khái niệm “công bộc” được Người dùng để nhắc nhở cán bộ, đảng viên về trách nhiệm và nghĩa vụ trong phục vụ nhân dân, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên quên mình vì nước, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, còn không ít những “người mang danh đảng viên” tự coi mình là “quan cách mạng”, miệng thì nói “dân chủ” nhưng làm thì theo lối “quan chủ”, “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, biến thành người có tội với cách mạng”2. Một số cán bộ làm việc kém hiệu quả, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; một số đảng viên không giữ được lập trường, không thắng được cám dỗ vật chất tầm thường; một số “công bộc” lại hách dịch, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hành dân hơn là phục vụ dân.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu mà Đảng ta đã chỉ rõ tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là: “Do bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”3. Do vậy, việc rèn luyện đạo đức cách mạng xứng đáng là “công bộc” của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, vừa là yêu cầu cấp thiết hiện nay.


Bác Hồ gặp gỡ Đoàn đại biểu Nam Bộ ra thăm miền Bắc (năm 1949).                            nh: TL

Để đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là “công bộc” của dân, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Nhưng vấn đề căn bản, có ý nghĩa quyết định là sự tự tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, bởi “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”4. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, bởi có trách nhiệm tốt sẽ luôn tận tâm, tận lực với công việc. Ngược lại, trách nhiệm chưa cao hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ đi liền với tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc được chăng hay chớ. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”5. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm, phải xác định cái gì lợi cho dân, phải tận tâm, tận lực, quyết tâm làm tròn phần việc được giao, không ngại khó khăn, vất vả. Nếu kết quả không tốt thì phải chịu trách nhiệm trước tổ chức và nhân dân.

Thứ hai, thường xuyên thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như đánh răng, rửa mặt hằng ngày và phải thực hiện đồng bộ, không được đề cao hay coi nhẹ bất cứ một phẩm chất nào bởi chúng có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau như Bác đã chỉ rõ: “Cần và kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì “làm chừng nào xào chừng ấy”… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm. Cũng như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm mới có liêm được. “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn. Cần, kiệm, liêm, chính là vô cùng quan trọng và cần thiết, là nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, theo vị trí, chức trách, nhiệm vụ của mình, cần cụ thể hóa những phẩm chất ấy thành những yêu cầu thiết thực; phải cần mẫn, tận tâm trong mọi công việc, phải tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, không lãng phí, phô trương, hình thức từ việc to đến việc nhỏ; luôn trong sạch, liêm khiết, ham làm, ham học, ham tiến bộ, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham người tâng bốc mình; chính trực trong thực hiện nhiệm vụ, ngay thẳng trong mọi công việc, có bản lĩnh đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái đẹp, phê phán cái sai, cái xấu.

Thứ ba, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân. Cùng với “Đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng “Tài” của người cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích được gì ai”6 và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ham học hỏi, ham tìm hiểu để mở rộng tầm hiểu biết, không ngừng nâng cao năng lực công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bởi “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”7. 

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải có thái độ nghiêm túc, chủ động, tự giác trong học tập, nắm vững quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có hiểu biết về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có kiến thức về ngoại ngữ, tin học... Có như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên mới không ngừng tiến bộ, trưởng thành, thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thứ tư,mỗi cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, nêu gương về thực hành đạo đức. Đạo đức vừa là một hình thái ý thức, vừa là một hình thái hoạt động, là sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức và hành động. Nếu mỗi người chỉ tiếp nhận những quan niệm, chuẩn mực đạo đức mà không thực hành nó thì chưa thể có đạo đức trong thực tế. Hơn ai hết, người cán bộ, đảng viên càng phải nêu gương về thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm. Để thực hiện được vấn đề này, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải truyền đạt lại cho nhân dân đúng nội dung, đúng tinh thần, không nói sai, không xuyên tạc. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Khi đề ra công việc, phải thật cụ thể, chi tiết, không chung chung, đại khái. Cán bộ phải “miệng nói tay làm” để làm gương cho cấp dưới và nhân dân; không được quan liêu, nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm.

Thứ năm, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Tự phê bình và phê bình là công cụ quan trọng để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, là phương thuốc hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống nói chung, đạo đức công vụ nói riêng, như Lênin đã chỉ rõ: “Sai lầm của Đảng là hiển nhiên rồi. Đối với Đảng đang đấu tranh của giai cấp tiên phong thì phạm sai lầm là điều không đáng sợ. Điều đáng sợ là: cứ giữ mãi sai lầm, xấu hổ không chịu nhận sai lầm và sửa chữa sai lầm”8. Do vậy, để nâng cao đạo đức cách mạng, xứng đáng là “công bộc” của dân, theo chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, phải soi xét lại mình, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí để nghiêm khắc nhất về đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Tôi xin nhắc lại: Cách làm trước tiên là không chờ phải mở hội nghị, không chờ cơ chế, chính sách, từng đồng chí bây giờ xem lại mình luôn đi. Còn chờ gì nữa. Nếu qua Hội nghị này, các đồng chí thống nhất rồi, mai kia các đồng chí quán triệt xuống bên dưới, tất cả đồng tình rồi, từng đồng chí tự kiểm điểm mình luôn. Trên những nội dung này, mình tự soi lại mình xem, đơn vị mình xem, gia đình mình xem, con cái mình xem, có gì cần điều chỉnh thì điều chỉnh ngay đi. Thế là tốt nhất. Kêu gọi lòng tự giác”9. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần có thái độ cầu thị tiếp thu ý kiến phê bình của người khác đối với mình và nghiêm túc khắc phục, sửa chữa nếu có sai lầm, khuyết điểm, tuyệt đối tránh thái độ quy chụp, trù dập, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng đạo đức cách mạng, xứng đáng là “công bộc” của dân. Quá trình đó phải thường xuyên, liên tục, “như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, phải bền bỉ suốt đời như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

NGUYỄN VĂN THƯỞNG

------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 2, 4, 5, 6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tập 6, tập 9,  tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1995.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu hỏi - đáp các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2016.

8. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Mat-xcơ-va, 1976.

9. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2017.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: