(CNQP&KT) - Cách đây hơn 70 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn gay go, ác liệt, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước thực hiện nhiệm vụ có tính cấp bách là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi các giới Công - Thương Việt Nam”. Nội dung bức thư không chỉ chứa đựng sự khuyến khí

Mặc dù, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập trực tiếp tới “doanh nhân” nhưng thuật ngữ  “giới Công - Thương” mà Người sử dụng, ngày nay được hiểu như là đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp. 

Xuất phát từ việc coi mọi tầng lớp xã hội, mọi người dân đều là nguồn lực của cách mạng, chính vì vậy, khi từ căn cứ Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến sống và làm việc tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, đó là nhà của ông Trịnh Văn Bô - một trong những gia đình doanh nhân giàu có nhất Hà Nội thời bấy giờ. Tại đây, Người đã viết “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đồng thời, với nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của công - thương đối với công cuộc kiến quốc, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Trong “Tuần lễ vàng”, giới Công - Thương Hà Nội là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón tại Phủ Chủ tịch. Chính điều này, đã tạo được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn về vật chất của giới Công - Thương Hà Nội nói riêng, giới Công - Thương cả nước nói chung cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Sứ Hải Dương (năm 1962) .  Ảnh: TL

Để kịp thời động viên và khích lệ tinh thần nỗ lực, tích cực tham gia kiến quốc của giới Công – Thương, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi các giới Công - Thương Việt Nam” và bức thư này đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, thể hiện rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò quan trọng của giới Công - Thương; về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới Công - Thương, cùng với tư tưởng về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhằm phát huy cao nhất tinh thần yêu nước và đóng góp tích cực của giới Công - Thương vào nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Ngay đầu bức thư gửi giới Công - Thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc, lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”1. Điều này, thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc tổ chức lại hoạt động của giới Công - Thương theo hướng “ích quốc, lợi dân”. Qua đó, Người cũng khẳng định vị trí của giới Công - Thương, đó là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “Công - Thương cứu quốc đoàn” - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước - thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ của giới Công - Thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”2. Điều này chỉ rõ, nhiệm vụ phát triển kinh tế, tài chính để đảo đảm cho sự thịnh vượng của đất nước là công việc của nhiều giai tầng, trong đó giới Công - Thương giữ vai trò quan trọng.

Thứ hai, Hồ Chí Minh đặt ra trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới Công - Thương. Người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”3. Đây là nhân tố rất quan trọng trong tạo hành lang pháp lý,  điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động của giới Công - Thương, nhất là trong bối cảnh đất nước vừa giành được chính quyền.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra mối quan hệ cũng như sự đánh giá kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của giới Công - Thương gắn với sự phát triển của nền kinh tế đất nước và ngược lại. Người viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”4.

Thứ ba, sự sâu sát trong quan tâm, chỉ đạo đối với hoạt động của giới Công - Thương cùng với tư tưởng về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho kháng chiến, kiến quốc. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp. Đáng chú ý, đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tạo điều kiện để huy động tối đa sự đóng góp của doanh nhân và kinh tế tư nhân cho công cuộc phát triển kinh tế và kiến thiết đất nước. Trong thư gửi giới Công - Thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc, lợi dân”5. Trong bài viết “Toàn dân kháng chiến” đăng trên Báo Cứu quốc, số 83, ngày 5/11/1945, Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị “Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sinh sản, lưu thông buôn bán”6. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người đề nghị “Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp”7...

Như vậy có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của doanh nhân, kinh tế tư nhân chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về sự nhìn nhận, đánh giá và khơi dậy tiềm năng của một trong những lực lượng quan trọng đối với công cuộc kiến thiết đất nước. Chính điều này đã thực sự làm dấy lên phong trào thi đua tăng gia sản xuất sôi nổi, rộng khắp, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, nhất là ở các xí nghiệp, doanh nghiệp và sự tham gia đóng góp của kinh tế tư nhân trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân và kinh tế tư nhân trong công cuộc kiến thiết đất nước vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Ngày Hồ Chí Minh gửi thư cho các giới Công - Thương (13/10/1945) đã trở thành Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm tôn vinh và động viên, khuyến khích sự cống hiến ngày càng nhiều của doanh nhân, doanh nghiệp đối với công cuộc đổi mới đất nước.

Chính tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của doanh nhân và kinh tế tư nhân trong công cuộc kiến quốc đã làm cho nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân hiện nay của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”8. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng cũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài”9. Thực tế cho thấy, với chủ trương đúng đắn đó, kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển, hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, tham gia tích cực trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành động lực quan trọng, góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN

Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự

 

 

________________

Tài liệu tham khảo

1, 2, 3, 4, 5.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.53.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.98.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.556.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.107-108.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.71.                         

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: