(CNQP&KT) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Vấn đề tổ chức và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng nhà nước kiểu mới cũng được đặt ra ngay nhằm tổ chức, động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

     Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng nhà nước kiểu mới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; kế thừa những tư tưởng tiến bộ về xây dựng nhà nước thân dân trong lịch sử của dân tộc Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng nhà nước của một số nước trên thế giới, Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống quan điểm lý luận về xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân.

     Xây dựng một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Nhân dân là người nắm giữ mọi quyền lực, còn các cơ quan nhà nước do nhân dân tổ chức ra, các nhân viên nhà nước là người được nhân dân ủy quyền, thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, trở thành “công bộc” của nhân dân. Thông qua việc bầu Quốc hội và Chính phủ, nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

     Nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ còn thể hiện ở việc nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”2. Tất cả các cơ quan Nhà nước phải chịu sự kiểm soát của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”3.

     Hồ Chí Minh đã nêu bật sự khác nhau căn bản về chất giữa Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các loại hình nhà nước trước đó: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”4

     Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả và năng lực hoạt động của Nhà nước là việc Nhà nước đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Muốn vậy, phải bảo đảm cho bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vì thế, việc chống mọi đặc quyền, đặc lợi, khắc phục những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước là nhu cầu và việc làm thường xuyên, đảm bảo cho Nhà nước thật sự là “công bộc” của dân.

     Trong công cuộc xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Theo Người, “Cán bộ là nguồn vốn của Nhà nước”, là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại do cán bộ quyết định. Cán bộ, công chức Nhà nước phải là người vừa có đức, vừa có tài, đức phải là gốc; vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Cán bộ, công chức Nhà nước phải có đủ các đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức, nắm vững lý luận, sâu sát thực tế. Người đặc biệt nhấn mạnh đến các tiêu chuẩn trung thành và hăng hái, liên lạc mật thiết với quần chúng nhân dân, thạo việc, dám phụ trách giải quyết những vấn đề trong lúc khó khăn, khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo…      

     Thực hiện những chỉ dẫn của Người về xây dựng nhà nước kiểu mới - nhà nước của dân, do dân, vì dân, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với đổi mới hệ thống chính trị, Nhà nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được phát huy; một số chính sách và quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết ở cơ sở, bước đầu được mở rộng, thực hiện tốt. Đáng chú ý là hệ thống pháp luật được đổi mới, bổ sung và tăng cường. Phương thức quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước sâu sát, thực tế hơn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý xã hội. Việc đổi mới Nhà nước đúng định hướng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lành mạnh hoá các mặt văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định để đất nước tiếp tục phát triển.

     Tuy nhiên, hiện nay, tổ chức bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm động lực phát triển đất nước. Cải cách hành chính tiến hành chậm, thiếu đồng bộ. Ở nhiều địa phương, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Không ít cán bộ, công chức vừa kém về đạo đức, phẩm chất, vừa yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng lãng phí, quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi, là một nguy cơ lớn, đe doạ sự sống còn của chế độ ta.

     Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu; nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang đứng trước cả những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức mới; nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang được xây dựng với quy mô rộng lớn hơn trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang và sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế đó đòi hỏi phải phát huy những mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế, yếu kém nhằm phát huy hơn nữa vai trò, năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với xã hội. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân càng trở thành một nhu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.

 

 

Bác Hồ dùng thử máy cấy cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa - Sở Nông lâm Hà Nội (16/7/1960).     Ảnh T.L

     Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân trong điều kiện hiện nay cần đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính trong bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên để không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

     Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng đáng là “công bộc” của dân. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu, như: Xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nâng cao trình độ lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn để tiếp tục vận dụng vào điều kiện mới. Xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, khách quan, thận trọng, cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát, biết gần gũi, chia sẻ và tận tụy trong công việc...

     Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần có những chủ trương, chính sách để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng khó khăn, thiếu thốn, vùng sâu, vùng cao, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng... Quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn và “hợp lòng dân” nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thời kỳ mới.

                                                                                                            Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

                                                                            Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự

 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 5, tr. 698.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 7 tr. 361 - 362.

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 7 tr. 361 – 362

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 4, tr. 56 - 57.

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: