Nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần "Sửa đổi lối làm việc"23/09/2017(CNQP&KT) - Trải qua hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại, thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều căn bệnh của cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”1. Cùng với đó là những biểu hiện “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”2. Để hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình, Đảng phải có lý luận tiên phong dẫn đường, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong tác phầm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cách mạng là việc khó khăn, phức tạp, muốn lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng, cán bộ, đảng viên phải chịu khó học tập, vì rằng: “Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi?”3. Theo Hồ Chí Minh: “Huấn luyện lý luận có hai cách: Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích. Một cách là trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 25/1/1961). Ảnh T.L Năm 1947, khi cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trong hoàn cảnh đó, do điều kiện khó khăn, do trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, các lực lượng vũ trang còn hạn chế, nên công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên còn mắc nhiều thiếu sót cần phải khắc phục ngay. Đó là “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được. Phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hóa rất kém. Đảng chưa tìm đủ cách để nâng cao trình độ văn hóa của họ. Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng. Đó là những điều Đảng nên sửa ngay”5. Hơn 80 năm qua, Đảng ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị đã được đổi mới và có nhiều chuyển biến về chất lượng. Tuy nhiên, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở nhiều tổ chức Đảng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra”6. Nhận thức sâu sắc yêu cầu khách quan và cấp thiết của việc tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nghị quyết cũng coi đây là giải pháp quan trọng trước hết trong nhóm giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ của Đảng. Trong điều kiện Đảng ta ra đời và phát triển ở một đất nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trình độ nhận thức, ý thức giác ngộ và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên không đồng đều, thì việc “Đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng cụ thể, thiết thực và hiệu quả”7 càng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của Đảng. Để thực hiện chủ trương “Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng”8, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề “Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”9. Để giáo huấn lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được thiết thực, hiệu quả, trong “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện khẩu hiệu: “Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau”10, vì rằng “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”11. “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành vào tháng 10/2947, cách đây 70 năm. Có thế nói, những nội dung của tác phẩm, trong đó có vấn đề nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Những tư tưởng về nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở để Đảng ta quán triệt, xây dựng những quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới.
Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Lân Học viện Chính trị TÀI LIỆU THAM KHẢO 1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016. 3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2012, Sửa đổi lối làm việc, tập 5, tr.288. 4. Sđd, tr.311-312. 5. Sđd, tr.309. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016. 7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.200-202. 10. Sđd, tr.307. 11.Sđd, tr.274.
|