CNQP&KT - Có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng quân đội để tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, như: Việt Nam, Pakistan, Trung Quốc, Myanmar, Ai Cập, Pháp, Mỹ, Ecuador, Honduras, Peru... Mô hình này đã phát huy hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất vũ khí, trang bị và các mặt hàng thiết yếu phục vụ quân đội, cải thiện đời sống quân nhân.
Dưới đây là quân đội một số nước đã và đang tham gia làm kinh tế. QUÂN ĐỘI PAKISTAN Sau cuộc chiến với Ấn Độ (năm 1971), nền kinh tế của Pakistan lâm vào bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng. Các khoản chi tiêu quân sự trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính tại thời điểm khủng hoảng này, Chính phủ Pakistan đã nhận ra quân đội là lực lượng to lớn có thể thay đổi bộ mặt của nền kinh tế. Do vậy, Quân đội Pakistan đã được giao thực hiện các nhiệm vụ kinh tế dân sự, như: xây dựng các công trình, cầu đường, sân bay, bệnh viện, trường học... Nhờ những bước đi hiệu quả, nền kinh tế của Pakistan dần được cải thiện; các dân tộc thiểu số phía Bắc Pakistan cũng được hưởng thành quả từ sự phát triển kinh tế. Một số tập đoàn CNQP nước ngoài đang hướng phát triển máy bay quân sự thành máy bay thương mại. Ảnh: Internet Song song với việc huấn luyện quân sự, Quân đội Pakistan cử cán bộ đi đào tạo ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề; khuyến khích quân nhân trong đào tạo nâng cao trình độ và dành cơ hội cho con cái của họ học tập, sau đó phục vụ trong quân đội. Pakistan cũng rất coi trọng lực lượng quân nhân khi xuất ngũ. Họ xác định đây là lực lượng có tri thức, trình độ để phát triển kinh tế địa phương. Các quân nhân khi nghỉ hưu thường mở các lớp dạy nghề tư thục, dịch vụ y tế, góp phần nâng cao đời sống, trình độ văn hóa-xã hội ở nông thôn. Cũng nhờ những hoạt động thiết thực này, Quân đội Pakistan đã trở thành tác nhân quan trọng trong phát triển kinh tế, tác động to lớn đến chính trị. Quân đội Pakistan còn thành lập nhiều quỹ, như: Quỹ Fauji, Shaheen, Bahria, với mục đích hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội (thành lập cơ sở giáo dục, cơ sở y tế...). Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước bằng cách đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, như: xi măng, phân bón, xây dựng các công trình, điện tử và công nghiệp điện, v.v. Các ngành công nghiệp này đáp ứng rất tốt nhu cầu của nền kinh tế dân sự, giúp nền kinh tế Pakistan thêm phần tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, giảm gánh nặng nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ. Các tập đoàn lớn của Quân đội Pakistan đã tạo ra hàng tỷ USD. Điển hình là Tập đoàn Fauji, doanh nghiệp đa ngành lớn nhất Pakistan. Được thành lập từ những năm 1945, nhưng đến năm 1954, tập đoàn này mới được chuyển giao cho Quân đội Pakistan quản lý. Hiện nay, Tập đoàn Fauji sở hữu, điều hành hơn 18 lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp Pakistan. Tháng 9/1971, sau khi thành lập tổ hợp công nghiệp nặng của Quân đội có tên Taxila (HIT) với mục đích để sản xuất, nâng cấp và phát triển xe tăng, súng xe tăng và xe bọc thép, Pakistan tiếp tục thành lập trung tâm sửa chữa hàng không tại khu phức hợp Kamra, phía Bắc thủ đô Islamabad. Cơ sở này được sử dụng để lắp ráp và đại tu máy bay chiến đấu F-6 của Mỹ và các dòng máy bay Mirages của Pháp; nghiên cứu, chế tạo máy bay huấn luyện Mushshak và K-8 Karakoram; đồng thời, sản xuất và bảo trì các hệ thống radar và điện tử hàng không. Các chuyên gia quân sự đánh giá đây là một trong những tổ hợp công nghiệp quân sự lớn nhất của Quân đội Pakistan. Bên cạnh đó, Quân đội Pakistan còn quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng thông qua quảng bá các sản phẩm quốc phòng tại Triển lãm và hội thảo quốc phòng quốc tế (IDEAS). Đây là triển lãm rất lớn được tổ chức 2 năm một lần (IDEAS 2014 thu hút 256 đơn vị tham gia, 88 đoàn nước ngoài từ 50 quốc gia). Thông qua đó, Quân đội Pakistan tìm được những khách hàng lớn đến từ các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Trong lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng, năm 2006, Quân đội Pakistan đạt doanh thu 100 triệu USD thì đến năm 2012, doanh thu đã đạt mức 300 triệu USD. Năm 2009, công nghiệp quốc phòng Pakistan cung cấp lượng hàng hóa cho thị trường đạt 6,3 tỷ USD và khoảng 10 tỷ USD năm 2015. QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC Chủ trương quân đội không tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ “thuần kinh tế” đã được triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018, lộ trình bỏ chức năng làm kinh tế đối với quân đội mới hoàn toàn kết thúc tại nước này. Quyết định này xuất phát từ nhiều lý do, nhưng phải thừa nhận rằng, việc sử dụng quân đội làm kinh tế ở những thời điểm nhất định là đúng đắn, giúp Trung Quốc phát triển quân đội trong những thời kỳ khó khăn và trở nên mạnh mẽ như hiện nay. Những năm cuối thập niên 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước, lực lượng vũ trang Trung Quốc bắt đầu hình thành các cơ cấu kinh tế khác nhau, nhằm bù đắp thiếu hụt từ nguồn ngân sách quốc phòng và góp phần nâng cao đời sống quân nhân. Năm 1985, ở Trung Quốc có hơn 10 nghìn doanh nghiệp quân đội, đến đầu năm 1990, số doanh nghiệp này tăng gấp đôi. Một trong những phương hướng hoạt động kinh tế của Quân đội Trung Quốc là bảo đảm các sản phẩm ăn uống và những đồ dùng thiết yếu khác. Chính sách mà Quân đội Trung Quốc tiến hành đã mang lại những kết quả đáng khích lệ: Tự đáp ứng được 70% nhu cầu về rau quả, 40% về thịt; các xí nghiệp quân đội vừa sản xuất, sửa chữa vũ khí, vừa tăng gia sản xuất đáp ứng 30% sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (từ 1996-2000) về phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, Quân đội nước này đưa mức tự bảo đảm về lương thực, thực phẩm lên 80%. Năm 1996, Quân đội Trung Quốc có gần 10 nghìn nhà máy, công ty thương mại và các cơ sở kinh doanh với số vốn lên tới gần 1 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong ngành công nghiệp và dịch vụ, bao gồm: Giao thông vận tải (sân bay, căn cứ hải quân, đường sắt v.v) trước đây chỉ phục vụ quân sự nay được sử dụng cho mục đích thương mại. Ngành công nghiệp ôtô có 70 nhà máy sản xuất gần 20% loại xe ôtô tải trọng nhẹ để sử dụng trong nước. Ngành công nghiệp dược với gần 400 nhà máy và sản xuất tới 10% số dược phẩm hằng năm trong cả nước; kinh doanh khách sạn (sở hữu trên 1.500 khách sạn); xây dựng nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại... Ngành may mặc ngoài đáp ứng nhu cầu của quân đội còn sản xuất đa dạng các loại quần áo, giày dép (4 trong số 10 xí nghiệp may mặc lớn nhất là của lực lượng vũ trang Trung Quốc). Ở lĩnh vực khai khoáng, Quân đội Trung Quốc có 150 hầm lò khai thác than (sản lượng 40 triệu tấn/năm) và kim loại đen, với phần lớn sản phẩm khai thác để xuất khẩu. Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc còn phát triển ngành điện tử - viễn thông; ngoại thương... QUÂN ĐỘI MỸ Quân đội Mỹ sử dụng nhiều lực lượng làm kinh tế, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, tham gia đắc lực nhất là lực lượng Công binh (thuộc Lục quân Mỹ). Lực lượng này có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý và kỹ thuật đối với các cơ sở xây dựng của Quân đội; hỗ trợ các dịch vụ dân sự, bảo trì dự án kiểm soát lũ lụt và hàng hải; quản lý các đập nước và hệ thống đê chống lũ... Nhiệm vụ cụ thể của Công binh Lục quân Mỹ gồm: Về giao thông hàng hải: hỗ trợ giao thông hàng hải bằng cách bảo trì và cải tiến các kênh giao thông. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo trì hơn 19.200km đường thủy nội địa (bao gồm hệ thống sông, hồ và các vịnh duyên hải được cải tiến phục vụ thương mại và du lịch) và điều hành 235 âu thuyền. Đường thủy vận tải khoảng 1/6 lượng hàng hóa liên thành phố của quốc gia. Công binh Lục quân Mỹ cũng tham gia bảo trì hơn 600 bến cảng nhỏ, 300 bến cảng thương mại, với 2 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển qua cảng mỗi năm. Đập Whittier Narrow, một dự án của Công binh Lục quân Mỹ giúp ngăn ngừa lũ lụt trên sông San Gabriel. Ảnh: Internet Lĩnh vực vui chơi giải trí: Công binh là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ giải trí ngoài trời lớn nhất nước Mỹ, điều hành hơn 2.500 khu giải trí thuộc 463 dự án (phần lớn là các hồ); cho các công viên địa phương, tiểu bang và khu vui chơi tư nhân thuê 1.800 điểm; tiếp đón khoảng 360 triệu lượt khách tham quan hằng năm tại các hồ, bãi biển, bãi sông... Để hỗ trợ các du khách đến thăm các khu giải trí này, Công binh đã tạo ra khoảng 600.000 việc làm. Thủy điện: Thập niên 1920, Công binh Lục quân Mỹ được cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện. Hiện nay, lực lượng này điều hành khoảng 75 nhà máy thủy điện, sản xuất 1/4 năng lượng thủy điện của quốc gia, 3% tổng điện năng toàn quốc, giúp Công binh trở thành nhà cung cấp điện lớn thứ năm của Mỹ. Cung cấp nước: Hiện nay, các hồ chứa nước của Công binh cung cấp nước cho gần 10 triệu người trong 115 thành phố trên khắp nước Mỹ. Có thể thấy, trong điều kiện, bối cảnh hiện nay, mô hình quân đội làm kinh tế vẫn được nhiều quốc gia áp dụng và đạt kết quả thiết thực, trong đó có Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình này, quân đội các nước cần đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, tránh để phát sinh những lỗ hổng, tiêu cực, phù hợp với tình hình mới. Trung tá NGUYỄN DƯƠNG Phòng Thông tin Khoa học quân sự - Tổng cục CNQP
|