CNQP&KT - Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố Chiến lược phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng trong thế kỷ XXI. Trong đó, đề ra quy hoạch tổng thể, xác định các lĩnh vực ưu tiên, đặt nền tảng chính sách thúc đẩy sự phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng nhằm đối phó với những thách thức quân sự mới đối với nước Anh.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quân sự, hiện nước Anh có tiềm lực khoa học công nghệ chỉ đứng sau Mỹ. Anh có số dân chỉ chiếm khoảng 1% dân số thế giới (65 triệu người) nhưng các nghiên cứu khoa học chiếm 5% toàn cầu; các nhà khoa học Anh chiếm khoảng 10% số người giành được phần thưởng khoa học quốc tế hằng năm. Anh có 6 trường đại học đứng trong “Top những trường đại học hàng đầu” của châu Âu. Đây được xem là những tiền đề rất tốt để Anh phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng. Tuy nhiên, Chiến lược cũng chỉ rõ, cùng với những thay đổi về cục diện quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trên thế giới, nền công nghệ, kỹ thuật quốc phòng Anh cũng gặp những thách thức lớn.

Typhoon FGR4 của Không quân Anh bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không Cosford. Ảnh: Internet

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ, KỸ THUẬT

Để bảo đảm cho những hệ thống và công nghệ kỹ thuật phát triển hiệu quả, Chiến lược đã đề ra một số nguyên tắc cơ bản mà các nhà máy, viện nghiên cứu cần thực hiện, đó là:

Thứ nhất, phát huy vai trò “đầu tàu” của Phòng Thí nghiệm khoa học kỹ thuật quốc phòng (DSTL -  Defense Science and Technology Laboratory). Là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc duy nhất của Bộ Quốc phòng Anh, DSTL phải tìm hiểu toàn diện nhu cầu của khách hàng, trên cơ sở đó cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành với phương thức tốt nhất, hiệu quả cao nhất. Phòng cũng chịu trách nhiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu tới các ngành có liên quan, hoặc chuyển một phần công nghệ, kỹ thuật quân dụng sang dân dụng. Vai trò đầu tàu trên lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng của DSTL thể hiện ở một số nội dung sau: Nắm chắc tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cần phát triển, phấn đấu cung cấp cho lực lượng vũ trang những hệ thống vũ khí hàng đầu; tích cực hợp tác với các ngành công nghiệp, các phòng thí nghiệm của Chính phủ và giới học thuật trong nghiên cứu phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng; tham mưu cho lãnh đạo cấp cao đưa ra những quyết sách phù hợp; giúp khách hàng đề ra kế hoạch phát triển, mua sắm và quản lý rủi ro...

Thứ hai, sử dụng có hiệu quả lực lượng nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đối với công nghệ, kỹ thuật mấu chốt mà lực lượng trong nước không thể thực hiện, cần tiến hành hợp tác quốc tế, xây dựng phương thức quan hệ đối tác chiến lược để thực hiện. Đối với lĩnh vực kỹ thuật có liên quan chặt chẽ với năng lực tác chiến, phải xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác tốt với các quốc gia và khu vực khác (đặc biệt là với Mỹ và châu Âu). Chiến lược cho rằng, đối với nước Anh, hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích, như: chia sẻ phí tổn, tiết kiệm kinh phí, giảm rủi ro; có lợi cho việc tiêu chuẩn hóa, thông dụng hóa trang bị vũ khí giữa các nước đồng minh với nhau...

Thứ ba, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, nâng cao chất lượng trang bị. Những phân tích cho thấy, việc giành ưu thế quân sự được quyết định bởi quy mô đầu tư nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là quy mô đầu tư cho hoạt động phát triển 5 năm qua và cho hoạt động nghiên cứu từ 20-25 năm trước. Để có một lực lượng với trang bị tinh nhuệ, nước Anh phải xác định mức độ đầu tư hợp lý cho nghiên cứu và phát triển, cân bằng giữa nghiên cứu lâu dài với phát triển ngắn hạn, phải chú ý tới tiến độ của cả nghiên cứu và phát triển.

Thứ tư, xây dựng cơ chế phối hợp đầu tư giữa Bộ Quốc phòng Anh với các ngành công nghiệp. Uỷ ban Công nghiệp quốc phòng Nhà nước có trách nhiệm đề xuất kế hoạch phối hợp đầu tư giữa Bộ Quốc phòng và các ngành công nghiệp và dựa vào thực tế để đề ra kế hoạch phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng. Chiến lược yêu cầu xác định rõ tỷ lệ đầu tư giữa Bộ Quốc phòng với các ngành công nghiệp, giữa nghiên cứu phát triển kỹ thuật quốc phòng với nghiên cứu phát triển kỹ thuật dân dụng. Những năm gần đây, mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển kỹ thuật dân dụng trong công nghiệp hàng không của Anh chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); trong khi việc đầu tư cho công nghệ, kỹ thuật quốc phòng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 2%. Mục tiêu của Chính phủ Anh là đến năm 2020, mức đầu tư cho phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng chiếm 2,5% GDP. 

Thứ năm, thu hút các chuyên gia có trình độ tham gia vào phát triển công nghệ, kỹ thuật quốc phòng. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, số lượng sinh viên Anh lựa chọn chuyên ngành công trình và vật lý có xu hướng giảm. Do đó, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích, thu hút họ theo học và tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quốc phòng, như: hằng năm, cấp học bổng cho 30 nghiên cứu sinh tiến sĩ ở các lĩnh vực khoa học và công trình quốc phòng quan trọng; cấp 3 suất học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của Hiệp hội Hoàng gia Anh...

Tàu sân bay của Hải quân Anh. Ảnh: Internet

CÁC LĨNH VỰC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN

Công nghệ, kỹ thuật chung (CCT): Đây là công nghệ có thể tạo ra ưu thế quân sự trên nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển thiết bị cảm biến và kỹ thuật đối kháng, tin học, công nghệ, kỹ thuật tích hợp nhân viên, phương tiện và công nghệ, kỹ thuật kết cấu, công nghệ, kỹ thuật môi trường vật lý và công nghệ quản lý năng lực.

Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, thông tin, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát (C4ISTAR). Kỹ thuật C4ISTAR có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chỉ huy kiểm soát, là hạt nhân tạo thành năng lực sử dụng mạng. Công nghệ, kỹ thuật cần ưu tiên phát triển trong lĩnh vực này gồm: công nghệ, kỹ thuật thiết kế kết cấu hệ thống C4ISTAR, công nghệ quản lý chiến trường và chỉ huy (CBM); kỹ thuật thu thập và xử lý thông tin; kỹ thuật truyền tin và hệ thống thông tin; kỹ thuật nhận biết tác chiến; kỹ thuật bộ phận hiệu ứng C4ISTAR; kỹ thuật tác chiến thông tin.

Kỹ thuật tác chiến cự ly gần và bảo đảm tác chiến (CCCS), gồm kỹ thuật đảm bảo cho xe bọc thép chiến đấu và nhân viên tác chiến, bảo đảm hệ thống tác chiến đổ bộ, phương tiện và hệ thống binh sĩ, nguồn năng lượng, quản lý động lực, thiết kế kết cấu, hệ thống quang học, hệ thống chống mìn, chống cơ động, hệ thống vượt vật cản, công trình bảo vệ lực lượng, bảo đảm hậu cần và huấn luyện.

Công nghệ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN). Mục đích là nâng cao khả năng phòng, chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân. Những hướng chủ yếu là: công nghệ, kỹ thuật đánh giá và quản lý nguy hiểm, thăm dò nhận biết, quản lý thông tin, phòng hộ vật lý, điều trị, thí nghiệm và giám định.

Công nghệ kỹ thuật chống khủng bố (CT), với sự tham gia của nhiều ngành, trong đó Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm đề ra chính sách, Bộ Quốc phòng cung cấp công nghệ quân sự. Trong đó, ưu tiên phát triển kỹ thuật tích hợp hệ thống và phương tiện, thiết bị cảm biến và chẩn đoán nhận biết, hệ thống xạ tần, hệ thống thông tin, kỹ thuật xử lý chất nổ và vũ khí đặc biệt.

Công nghệ, kỹ thuật hệ thống vũ khí phức tạp (CW), chủ yếu gồm: công nghệ phần mềm, mạng, kỹ thuật thiết kế và tích hợp hệ thống, lực đẩy, phụ tải, động lực học không khí, kỹ thuật thân máy bay, thiết bị cảm biến.

Kỹ thuật vũ khí thông thường và năng lượng (GMET). Có được những loại vũ khí thông thường đạt hiệu quả vẫn là nhân tố quan trọng bảo vệ chủ quyền của nước Anh. Trong tương lai, nước Anh cần ưu tiên phát triển kỹ thuật thiết kế vũ khí thông minh, đạn kém nhạy, quản lý thời hạn sử dụng đạn dược, thử nghiệm và giám định.

Công nghệ kỹ thuật máy bay cánh cố định và máy bay không người lái (FWUAV). Trong lĩnh vực này, nước Anh có trình độ khá cao về công nghệ, kỹ thuật thiết kế, chế tạo. Tuy nhiên, vẫn cần ưu tiên phát triển các kỹ thuật tàng hình, lực đẩy, động lực học không khí/kết cấu và điều khiển, thiết bị cảm biến, quản lý nhiệm vụ, tác chiến điện tử, hệ thống và kết cấu hệ thống trang bị điện tử hàng không, tích hợp vũ khí...

Công nghệ kỹ thuật biển. Đây là một nhân tố quan trọng tạo thành cơ sở công nghiệp quốc phòng. Nước Anh cần phát triển có trọng điểm các thiết kế tích hợp phương tiện hải quân, hệ thống tác chiến, hệ thống không người điều khiển của hải quân.

Lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới nổi (ET). Đây là một số công nghệ, kỹ thuật đặc thù phục vụ cho khả năng công nghệ, kỹ thuật tương lai, gồm: công nghệ thông tin giúp đưa ra quyết sách, tích hợp nhân viên, kỹ thuật tác chiến an toàn, kỹ thuật thông dụng.

                Đại tá LÊ VĂN THÀNH

 (Theo tài liệu nước ngoài)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: