CNQP&KT - Tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh, công cụ để các cường quốc thực hiện ý đồ mở rộng quyền lực, khống chế các đại dương. Chính vì vậy, mặc dù rất tốn kém trong sản xuất và duy trì hoạt động, nhưng các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Nga, vẫn đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu chế tạo tàu sân bay thế hệ mới.

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TÀU SÂN BAY THẾ HỆ MỚI

Theo các chuyên gia quân sự thế giới, hiện không có phương tiện tác chiến nào có thể sánh với tàu sân bay khi thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển quốc tế. Hiện, các cường quốc về công nghiệp quốc phòng thế giới đang phát triển các loại tàu sân bay thế hệ mới nhằm tạo ưu thế trên biển trước đối thủ.

Có 4 xu hướng phát triển như sau:

Thứ nhất, tàu sân bay mang theo máy bay chiến đấu không người lái (UCAV). Trên thực tế, các UCAV sẽ nâng cao tối đa khả năng và cự ly tác chiến cho các cụm tàu sân bay. Với tầm bay và khả năng tàng hình vượt trội so với các máy bay tiêm kích có người lái, UCAV là phương tiện tác chiến làm thay đổi mô hình tác chiến phối, kết hợp giữa không quân và hải quân trong tương lai, có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ cấu chiến lược quân sự... Hiện, Hải quân Mỹ là lực lượng “đi trước đón đầu” trong xu thế này khi đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các UCAV.

Thứ hai, tàng hình các máy bay tiêm kích, cường kích. Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu trong xu thế này khi đang nghiên cứu, chế tạo và triển khai 2 phiên bản máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35B và F-35C trên tàu sân bay. Các tàu sân bay trang bị máy bay chiến đấu tàng hình sẽ là điểm chủ đạo trong tác chiến phối, kết hợp giữa lực lượng hải quân và không quân trong thế kỷ XXI. Có thể nhận thấy điều này qua kế hoạch chế tạo siêu tàu sân bay lớp Ford được trang bị máy bay chiến đấu F-35C của Hải quân Mỹ. Với cường độ tác chiến mức cao nhất, siêu tàu sân bay này có thể hoạt động liên tục từ 5-7 ngày. Trong cường độ tác chiến ở mức trung bình, tàu này có thể huy động được 180 lượt máy bay/ngày, tấn công 1.500 mục tiêu trong 1 tháng liên tục.

Thứ ba, sử dụng máy phóng điện từ. Tính đa dạng trong tác chiến của tàu sân bay sử dụng máy phóng điện từ chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho mọi loại máy bay mà nó mang theo; bảo đảm tần suất và số lượt máy bay xuất kích ngày càng gia tăng trong tác chiến hiện đại. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ, kỹ thuật hiện đại mới trong nghiên cứu, chế tạo máy phóng máy bay. Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra và có thể phóng luân phiên hoặc xen kẽ các loại UCAV, máy bay có người lái với trọng lượng cất cánh từ vài tấn đến vài chục tấn mà chỉ cần thay đổi một vài tham số điều khiển.

Thứ tư, tạo nên khái niệm mới về vũ khí công nghệ cao trên tàu sân bay. Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng của các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường, đồng thời có khả năng biến tốc và biến đổi quỹ đạo, các tàu sân bay cần tự nâng cao hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiện, một số quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, đang phát triển các loại pháo quỹ đạo điện từ, pháo la-de, vũ khí chiếu xạ năng lượng cao... Đặc biệt là loại pháo quỹ đạo điện từ có vận tốc tối đa lên tới 2,5km/giây, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu phóng đến từ khoảng cách xa tới 340km, tính năng vượt trội hàng chục lần so với các hệ thống phòng thủ tầm gần đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga được nâng cấp toàn diện năm 2012.      Ảnh: Internet

SỰ PHÁT TRIỂN TÀU SÂN BAY CỦA MỸ VÀ NGA

Giới quân sự Mỹ xác định, trong thế kỷ XXI, tàu sân bay vẫn là át chủ bài trong chiến lược khống chế các đại dương của Mỹ. Vì vậy, ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Quân đội Mỹ đã đẩy mạnh chương trình chế tạo tàu sân bay thế hệ mới để đảm bảo duy trì sự vượt trội về quân sự và phục vụ chiến lược toàn cầu đã đề ra. Theo đó, Mỹ mở rộng phạm vi kiểm soát và bán kính tác chiến trong công kích cho số máy bay do tàu chở theo; nâng cao khả năng tác chiến của các loại vũ khí đặt trên tàu trên cơ sở tăng số lượng tên lửa, chủ yếu là tên lửa phóng thẳng đứng; nâng cao khả năng sống còn của cụm tàu sân bay tấn công, mấu chốt là tăng cường khả năng chống tên lửa, chống tàu ngầm và khả năng tàng hình.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu chế tạo hệ thống phóng bằng điện từ kiểu mới, nâng cao khả năng tác chiến, tốc độ cất cánh và hạ cánh của các máy bay trên tàu. Hiện, Hải quân Mỹ đã ký với Công ty Northrop Grumman, Công ty General Motors… các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD để nghiên cứu chế tạo thiết bị phóng bằng điện từ kiểu mới để lắp đặt trên tàu sân bay. Lực gia tốc của máy phóng bằng điện từ kiểu mới có thể thay đổi tùy thuộc vào trọng lượng của máy bay trên tàu sân bay nên có thể phóng những máy bay nặng hơn, nhanh hơn, hoặc những phương tiện bay nhỏ và nhẹ hơn; kéo dài tuổi thọ của máy bay trên tàu, giảm tải cho người lái, giảm phí tổn cho việc duy tu bảo dưỡng.

Tàu sân bay lớp Ford mang tên USS Gerald Ford (CVN-78) trị giá 5,1 tỷ USD của Mỹ. Ảnh: Internet

Đồng thời, Mỹ đầu tư trang bị máy bay có bán kính tác chiến lớn hơn: dùng máy bay tấn công chiến thuật F/A-18E/F Hornet thay thế các máy bay A-6E và F/A-18C Hornet. Ngoài ra, máy bay sau khi cải tiến có thể mang được nhiều loại vũ khí tấn công như bom điều khiển - dẫn đường bằng la-de và bom chùm, tăng 50% khả năng công kích… Tiếp tục tăng cường khả năng tác chiến độc lập của tàu sân bay, làm cho tàu duy trì được khả năng “tiến vào đầu tiên, rút ra sau cùng”, giảm giá thành chế tạo và chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả.

Thực hiện chủ trương này, Mỹ đưa vào biên chế cho hải quân chiếc tàu cuối cùng của lớp Nimitz, mang tên USS George W.Bush (CVN-77) lắp 2 hệ thống phóng thẳng Mk-41 để phóng tên lửa Sea Sparrow cải tiến có nhiều tính năng vượt trội và trang bị thêm hệ thống tên lửa RAM để chống các loại tên lửa chống hạm của đối phương. Tàu CVN-77 dài 332m, trọng tải 97.000 tấn, vận tốc 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động không hạn chế, có thể chở được 80 máy bay chiến đấu hiện đại, với 5.500 thủy thủ. Quân đội Mỹ triển khai đóng các tàu sân bay mới theo tiến độ từ 3 đến 5 năm/chiếc, dự kiến đến năm 2058 sẽ thay thế toàn bộ tàu sân bay lớp Nimitz bằng tàu sân bay lớp Ford.

Chiếc tàu sân bay lớp Ford đầu tiên mang tên USS Gerald Ford (CVN-78) được đóng từ năm 2008, hoàn thành vào tháng 9/2015, trị giá 5,1 tỷ USD. Theo thiết kế, trọng lượng của tàu là 100.000 tấn, có thể chở được khoảng 100 máy bay chiến đấu hiện đại (F/A-18 E/F, EA-18G) và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 (F-22 Raptor, F-35 Lighting II); động cơ hạt nhân cùng với hệ thống phát điện kiểu mới. Tàu lớp Ford được trang bị nhiều hệ thống hiện đại, như: đường băng, kho vũ khí, quy trình vận hành, lắp đặt vũ khí cho máy bay... làm tăng tần suất cất cánh cho lực lượng máy bay chiến đấu lên 15% so với các tàu sân bay lớp Nimitz (mỗi ngày có khoảng từ 140 - 160 lượt máy bay xuất kích, tối đa đạt tới 220 lượt/ngày); lắp đặt thiết bị phóng máy bay điện từ (EMALS) có khả năng phóng được nhiều loại máy bay chuyên dụng; lắp ra-đa thế hệ mới và có khả năng tác chiến cao hơn...

Trong khi đó, Nga tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược hiện đại hóa vũ khí trang bị giai đoạn 2011-2020 với tổng giá trị 660 tỷ USD. Chú trọng phát triển về số lượng và nâng cao khả năng cơ động, tác chiến cho các tàu sân bay nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực trọng điểm trên thế giới, phục vụ chiến lược của Nga trong thế kỷ XXI và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1945-1991), Liên Xô (trước đây) đã chế tạo và đưa vào sử dụng các tàu sân bay Kiev, Minsk, Novorossiysk, Gorshkov... Đến nay, Nga chỉ đưa vào hoạt động một tàu sân bay duy nhất là Admiral Kuznetsov. Năm 2012, tàu Admiral Kuznetsov được nâng cấp toàn diện, trong đó các tổ hợp vũ khí, hệ thống điện tử được thay thế hoàn toàn. Tàu dài 304,5m, rộng 37m, lượng giãn nước đầy tải 67.500 tấn, vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 1.700 người (chưa tính lực lượng không quân), tầm hoạt động khoảng 13.500 hải lý (vận tốc 18 hải lý/giờ), có thể chở được 24 máy bay chiến đấu hiện đại, 17 máy bay trực thăng; được trang bị 12 hệ thống tên lửa chống tàu phóng thẳng đứng SS-N-19, 4 hệ thống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng 6 nòng SA-N-9, 6 hệ thống vũ khí tác chiến gần, 6 khẩu pháo 30mm 6 nòng và 2 hệ thống chống ngầm 10 nòng kiểu RBU12000, hệ thống gây nhiễu ra-đa, hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến...

Để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, sẵn sàng đối phó với các thách thức mới, đồng thời khắc phục sự thiếu hụt về số lượng, lạc hậu về tính năng kỹ - chiến thuật, Hải quân Nga đẩy mạnh chương trình đóng 5-6 tàu sân bay thế hệ mới và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2020, trong đó chú trọng phát triển lực lượng tấn công, hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm, hệ thống phóng máy bay, hệ thống điện tử... trên các tàu, có khả năng đối phó với mọi mối đe dọa trên biển cũng như trên đất liền. Những tàu sân bay này đang được chế tạo bằng các vật liệu và thiết bị điện tử hiện đại nhất, để biên chế cho Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Thái Bình Dương trước năm 2060.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH

 (Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: