CNQP&KT - Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến công đó có đóng góp quan trọng của các lực lượng phục vụ chiến đấu, trong đó có Quân giới.

Chiến dịch Tây Nguyên tập trung một lực lượng lớn các binh chủng hợp thành, gồm 5 sư đoàn (3, 10, 316 320, 968) và 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công cùng lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn. Đặc biệt, chiến dịch phải bảo đảm một khối lượng rất lớn vũ khí binh chủng gồm 47 xe tăng (T54, T59) và 16 xe thiết giáp K63 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273; 478 khẩu pháo và cối của 5 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh độc lập; 35 khẩu pháo mang vác cỡ trên 100mm và 349 khẩu pháo, cối trong biên chế của các đơn vị bộ binh. Do vậy, công tác sửa chữa vũ khí, trang bị cho chiến dịch là rất lớn.

Thực hiện kế hoạch Hội nghị quân chính Tổng cục Kỹ thuật (tháng 2/1975), ngành Quân giới, ngành Xe tập trung củng cố, bổ sung toàn bộ số trạm sửa chữa nhỏ súng - pháo của các tỉnh. Bổ sung, hoàn chỉnh số thiết bị còn thiếu và bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật có năng lực lắp đặt máy cho các xưởng sửa chữa súng - pháo của Mặt trận Tây Nguyên. Hoàn thành xưởng lựu mìn và tiến hành sản xuất được hàng chục vạn lựu đạn cầu vỏ nhựa, hàng nghìn mìn định hướng. Tổ chức Xưởng Sửa chữa xe - máy cho Tây Nguyên có khả năng sửa chữa lớn được thân, gầm (hộp số, các cụm chi tiết khó và động cơ do hậu phương cung cấp).

Ở hậu phương, chúng ta tổ chức lại sản xuất ở các xí nghiệp và mở rộng các nhà máy (V.111, V.113, V.127) để tập trung sản xuất, cải biên vũ khí hỏa lực, phụ tùng xe - máy; sửa chữa phục hồi các cụm máy, phụ tùng khó, đáp ứng nhu cầu Chiến dịch Tây Nguyên. Cụ thể là tổ chức sản xuất ngòi đạn chống tăng B40, thuốc đạn, gia công thân súng cối, chuẩn bị sản xuất súng chống tăng (B40, B41) và ngòi đạn pháo. Cục Quản lý xe huy động Xưởng đúc tăng cường cho Nhà máy V.131 để có thể đảm nhiệm sửa chữa súng - pháo; điều chỉnh các xưởng cơ khí thành ba xưởng sản xuất bộ phận thay thế (A.159, A.175, Xưởng bánh răng) tạo điều kiện cho việc sửa chữa và sản xuất phụ tùng xe xích, xe - máy cho các xưởng trên chiến trường Tây Nguyên. 

 

 

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong kháng chiến chống Mỹ.  Ảnh: TL

Ngành Kỹ thuật còn chi viện một lực lượng sửa chữa rất lớn từ miền Bắc vào phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh Thiết giáp cử Đội sửa chữa tăng - thiết giáp (28 người) giúp các đơn vị sửa chữa xe, pháo. Đội còn phối hợp với lực lượng sửa chữa của Trung đoàn 273 tổ chức các tổ tìm kiếm xe tăng hư hỏng, tháo gỡ phụ tùng để sửa chữa, thay thế cho toàn bộ số xe của Trung đoàn, nâng tỷ lệ xe sẵn sàng chiến đấu lên 88,6%. Cục Quản lý xe tổ chức các đội sửa chữa cơ động mang theo cụm máy, phụ tùng thay thế vào sửa chữa cho cả ô tô, xe xích và một phần xe - máy công trình như: Đội sửa chữa xe xích T203 (gồm 62 người và 12 xe); Đội sửa chữa xe ô tô T285A (với 67 người và 4 xe công trình xa, 1 xe cẩu). Cục Quân giới tổ chức tổ sửa chữa ra-đa, máy chỉ huy. Bộ Tư lệnh Pháo binh tổ chức 4 trạm sửa chữa xe, 4 trạm sửa chữa pháo. Ngoài ra, Tổng cục Kỹ thuật hoàn thành xây dựng 43 trạm sửa chữa nhỏ xe ô tô, 16 trạm sửa chữa nhỏ xe - máy công trình cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559); hoàn chỉnh Xưởng Sửa chữa lớn Q.300 và Xưởng Sửa chữa xe - máy công trình, góp phần bảo đảm kỹ thuật cho chiến dịch.

Xuất phát từ phương án tác chiến và tình hình thực tế, cơ quan kỹ thuật Chiến dịch Tây Nguyên tổ chức sử dụng lực lượng trên các hướng chiến dịch:

Hướng Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, bố trí 2 trung đội sửa chữa vừa xe - pháo bảo đảm cho Sư đoàn 320A tác chiến trên Đường số 14, phát triển xuống Cheo Reo; Trung đoàn 25 chiến đấu trên Đường số 21; Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), Trung đoàn 95B, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) và các đơn vị binh chủng tiến công vào phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Hướng Tây thị xã (nơi đặt Sở chỉ huy Hậu cần - Kỹ thuật) bố trí 2 trung đội sửa chữa vừa xe - pháo ở khu vực căn cứ Đắk Đam (cách thị xã khoảng 40km) bảo đảm cho Sư đoàn 10 tiến công Đức Lập, Gia Nghĩa; Sư đoàn 316 tác chiến ở phía Tây và Nam thị xã; đồng thời sẵn sàng chi viện cho lực lượng chiến đấu ở hướng Bắc thị xã. Ở hướng phối hợp phía Bắc Tây Nguyên, bố trí các xưởng sửa chữa và là tuyến hậu cứ của chiến dịch bảo đảm cho Sư đoàn 968, Trung đoàn 95A tác chiến ở Gia Lai, Kon Tum.

Việc bố trí linh hoạt lực lượng sửa chữa đã đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm đầy đủ các mặt công tác kỹ thuật cho chiến dịch. Cùng với đó, các trạm, tổ, đội sửa chữa đi cùng các hướng chiến đấu đã giúp đưa hệ số kỹ thuật pháo của hai Sư đoàn 320 và 316 tại vị trí tập kết chiến đấu từ 79,7% lên 99,5%.

Trong chiến dịch, lực lượng sửa chữa luôn bám sát đội hình chiến đấu; sau mỗi ngày, mỗi đợt chiến đấu đã tranh thủ thời gian sửa chữa vũ khí, trang bị hỏng hóc để kịp tham gia trận chiến đấu. Trong trận Buôn Ma Thuột, các đại đội xe tăng chiến đấu độc lập được tăng cường tổ quan sát cứu chữa (2 thợ của tiểu đoàn); trung đội sửa chữa của các tiểu đoàn được bố trí đi theo hướng sử dụng nhiều xe. Mặc dù các trận đánh diễn ra liên tiếp, công tác sửa chữa có nhiều khó khăn (lực lượng và phương tiện ít, vật tư kỹ thuật thiếu, lại phải bảo đảm trên nhiều hướng, nhiều mũi) nhưng các đơn vị đã linh hoạt sử dụng lực lượng để sửa chữa xe, pháo hỏng bảo đảm kịp thời cho chiến đấu. Kết quả, trong quá trình chiến đấu, các đội vẫn bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ được 4.215 lần xe, góp phần bảo đảm hệ số kỹ thuật xe toàn chiến dịch đạt từ 72,4% đến 78%.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, quân ta thu được 3.854 tấn đạn, 150 tấn vật tư thiết bị, 12.853 súng và pháo, 418 xe quân sự; thu và phá hủy 110 máy bay, 767 máy thông tin của địch…

Có thể khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành Quân giới và các lực lượng bảo đảm kỹ thuật khác về công tác sửa chữa vũ khí, trang bị trong chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; đồng thời để lại nhiều bài học thực tiễn hết sức quý báu, kịp thời áp dụng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Đại tá, ThS. NGÔ NHẬT DƯƠNG               

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: