Vũ khí tại chỗ, đánh địch tại chỗ31/03/2020CNQP&KT - Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân miền Nam nêu cao khẩu hiệu “Vũ khí tại chỗ, đánh địch tại chỗ”. Phong trào “Rèn dao, đúc súng” diễn ra sôi nổi, khởi phát từ phong trào “Đồng khởi” năm 1960, lan nhanh ra các tỉnh, thành phố miền Nam.
Tổ vũ khí xã, công trường huyện, xưởng tỉnh, liên tỉnh, xưởng khu, xưởng miền… lần lượt được thành lập và sản xuất được nhiều loại vũ khí tự tạo, làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của quân và dân ta. Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ năm 1957, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngành Quân giới chuẩn bị đưa cán bộ, công nhân vào chiến trường xây dựng cơ sở vũ khí tự tạo tại chỗ. Đội Huấn luyện 557 (ký hiệu C557) được thành lập, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ và thợ Quân giới cho miền Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, C557 đã đào tạo, huấn luyện và điều động vào chiến trường Nam Bộ và Khu 5 được 70 học viên là các cán bộ, công nhân miền Nam tập kết ra Bắc làm nòng cốt xây dựng cơ sở chế tạo vũ khí tại chỗ. Dựa vào lực lượng tại chỗ, tháng 7/1957, Xứ ủy Nam Bộ thành lập xưởng Quân giới đầu tiên ở Chàng Riệc (Tây Ninh) để sửa chữa súng, đạn và sản xuất một số vũ khí cơ bản. Tháng 2/1960, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định thành lập công trường sửa chữa súng, đạn và chế tạo đầu đạn, thủ pháo và mìn để đánh địch. Công nhân Xưởng Liên khu 5 sửa chữa súng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: TL Ở Khu 9, đầu năm 1960, Khu ủy cũng thành lập xưởng vũ khí tại U Minh Thượng để vừa sản xuất, vừa đào tạo thợ cung cấp cho các xưởng của các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Sa Đéc… Trong năm 1960, xưởng nhồi lắp được 3.000 quả lựu đạn, sửa chữa được 200 khẩu súng và sản xuất thành công lựu đạn phóng. Với tinh thần tự lực tự cường, quân và dân Khu 5 khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, nhanh chóng thành lập các xưởng vũ khí tự tạo. Cuối năm 1959, một số cán bộ, công nhân sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo ở C557 về đến Quảng Nam, thành lập ngay trạm sửa chữa vũ khí X10 tại huyện Hiên. Một số khác vào Bình Định, tổ chức một lò rèn cạnh làng K1, phía Tây sông Côn, sau đó tổ chức thành trạm sửa chữa vũ khí, lấy phiên hiệu 109. Năm 1962, Xưởng vũ khí B55 của miền Đông đã sản xuất được 7 sản phẩm, bao gồm: 292 quả bom ba-zô-min, 127 quả mìn xe, 105 bộ phá rào, 1.120 thủ pháo, 535 mìn bộ binh, 5.299 quả lựu đạn, 162 súng tự tạo. Cũng trong thời gian này, các tỉnh, huyện miền Nam đều thi đua thành lập “Mặt trận Quân giới nhân dân”, phát động toàn dân làm “vũ khí tại chỗ, đánh địch tại chỗ”, khiến cho quân Mỹ - Ngụy cứ đi đến đâu cũng vấp phải cạm bẫy, cung tên, súng đạn, mìn… của quân dân ta. Tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh vũ trang diễn ra mạnh mẽ và sớm thành lập công trường sản xuất vũ khí. Ngay sau khi đi vào hoạt động, công trường sản xuất vũ khí của tỉnh đã chế tạo được thủ pháo, đạn badôca dùng đánh hầm ngầm, lô cốt. Ngoài ra, công trường còn chế tạo được máy dập kíp, dập hạt nổ, dập vỏ đạn bán tự động; máy quấn lò xo lựu đạn… Ở miền Tây Nam Bộ, các xưởng sản xuất vũ khí tự tạo phát triển mạnh, trong đó Xưởng Cà Mau có quy mô lớn nhất, gồm 180 công nhân. Nhiệm vụ của các xưởng là sản xuất thủy lôi, thủ pháo, địa lôi, badôca, vỏ đạn, đầu đạn, nhồi lắp đạn các loại, mìn tự động… trang bị cho lực lượng vũ trang đánh địch tại chỗ, nhất là trên sông nước, kênh rạch. Trên địa bàn Khu 5, Tây Nguyên, các xưởng vũ khí tự tạo tiếp tục phát triển. Ban Quân giới Khu 5 quyết định lập Xưởng FX2 ở thượng nguồn sông Trinh. Cơ cấu tổ chức của Xưởng gồm: tổ đúc vỏ lựu đạn, tổ mộc, tổ hóa chất, tổ nhồi lắp, tổ đốt than, tổ tiếp liệu… phục vụ công tác nghiên cứu chế tạo vũ khí mới đáp ứng yêu cầu đánh địch tại chỗ. Bên cạnh đó, Ban Quân giới Khu 5 đã cử cán bộ đến xưởng luyện gang của nhân dân xã Đắc Moong, huyện 16, tỉnh Kom Tum học tập kinh nghiệm xây dựng lò luyện gang nhằm chủ động nguồn vật tư gang tại chỗ phục vụ đúc mìn và lựu đạn. Lấy thuốc nổ từ các loại đạn của Mỹ phục vụ chế tạo vũ khí. Ảnh: TL Ở Tây Nguyên, các ban Quân giới của tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai đều có các xưởng và công trường sản xuất vũ khí được biên chế từ 10 đến 20 cán bộ, công nhân. Ngoài nhiệm vụ chế tạo, sửa chữa vũ khí, cán bộ, công nhân các xưởng sản xuất vũ khí và công trường sản xuất vũ khí còn trực tiếp hướng dẫn nhân dân làm “vũ khí không kêu” đánh địch rất hiệu quả. Sản xuất đi đôi với sưu tầm, tìm kiếm, khai thác các loại vật tư cho chế tạo vũ khí. Đây được coi nhiệm vụ nặng nề của “Mặt trận Quân giới nhân dân” ở miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không có sưu tầm, tìm kiếm, khai thác các loại vật tư thì không có sản xuất. Số lượng vũ khí làm ra càng lớn thì công việc sưu tầm, khai thác càng nhiều. Công việc này gắn với biết bao gian nan, vất vả, hy sinh. Cán bộ, công nhân các xưởng, công trường sản xuất vũ khí đã dựa vào nhân dân để phát hiện, đi đến tận nơi để thu gom bom, đạn lép, gang, đồng, sắt, thép, các loại hóa chất… đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật tư cho chế tạo vũ khí. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các xưởng vũ khí miền đã sản xuất được khoảng 25 loại vũ khí tự tạo; các xưởng vũ khí ở khu vực đồng bằng sản xuất được trên dưới 50 loại; các xưởng vũ khí ở khu vực rừng núi sản xuất được 15 loại; các xưởng vũ khí của tỉnh sản xuất được 20 loại. Những loại vũ khí được sản xuất tại chỗ này đã cùng với vũ khí, khí tài từ hậu phương lớn chuyển vào và vũ khí lấy được của địch được trang bị cho lực lượng vũ trang và nhân dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, việc nghiên cứu sản xuất “vũ khí tại chỗ, đánh địch tại chỗ” là biểu tượng sinh động về tinh thần vượt khó, mưu trí, sáng tạo của nhân dân ta nói chung và cán bộ, công nhân Quân giới nói riêng trên mặt trận nghiên cứu, sản xuất vũ khí tại chỗ đánh địch - biểu tượng đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam. TRẦN TIỆU
|