Từ lời dặn và nhiệm vụ Bác trao21/01/2020CNQP&KT - “Các chú sắp được sang học ở Liên Xô, là nước có trình độ khoa học - kỹ thuật cao. Các chú sang đó học, nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng. Các chú đi học xa nước nhà, cần chú ý giữ gìn tư cách cho đúng đắn”. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi gặp mặt, giao nhiệm vụ trước hôm đoàn 21 cán bộ, học sinh của Việt Nam lên đường sang Liên Xô học tập năm 1951, đến nay vẫn được t
Buổi gặp hôm đó, Bác ân cần dặn dò: “Các chú đi học, đoàn thể phụ trách tư cách các chú. Ðang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ, nay sang chỗ sung sướng, các chú cần đề phòng lòng ham muốn dễ làm cho người ta hủ hóa, cái gì cũng muốn, cũng tham. Mỗi một người phải luôn luôn tự kiểm điểm mình và tập thể phải đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Thật thà phê bình nhau mới là đoàn kết”. 2/3 thế kỷ trôi qua, khi chúng tôi tiếp cận tìm hiểu về đoàn thì 21 thành viên năm đó chỉ có Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) còn sống, nhưng sức khỏe cũng đã rất yếu. May mắn được đọc hồi ký và những kỷ niệm họ từng chia sẻ với người thân, cùng những thông tin hiện được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi cũng có những hình dung về những nhà khoa học và chuyến “đi để trở về” đặc biệt năm ấy. Nhìn lại lịch sử, sau 2 tháng nước nhà giành được độc lập (tháng 11/1945), trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Buchanan, nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Chủ trương gửi thanh niên, học sinh sang nước ngoài học tập, trao đổi và thiết lập những mối quan hệ với các nước từng bước được thực hiện. Năm 1951, là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đang trong giai đoạn quyết liệt, cần nhiều sức người, sức của. Thế nhưng, trong khu rừng Tân Trào ở Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và quyết định cử 21 cán bộ, học sinh đều là những “tinh anh” sang Liên Xô học tập. Họ là những đảng viên, là các cán bộ khoa học đang giữ chức vụ nhất định trong các cơ quan Nhà nước, Quân đội và đoàn thể. Tuổi cao nhất là 42, trẻ nhất là 25. Trong đó, có 3 cử nhân, 2 bác sĩ, 1 dược sĩ, 2 kỹ sư nông nghiệp, 2 tú tài và 9 người đã tốt nghiệp các trường kỹ nghệ thực hành. Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ làm Trưởng đoàn. Ông Văn Tôn là Bí thư chi bộ. Và điều rất đặc biệt, trong đoàn có 4 đồng chí: Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu, Hoàng Văn Lãn và Phạm Đồng Điện, đều đang công tác tại các đơn vị Quân giới (tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay) được cử đi học. Đồng chí Phạm Như Vưu là Trưởng ban Chế tạo vũ khí của Nha Giám đốc Công binh xưởng trực thuộc Cục Quân giới; Lê Văn Chiểu là cán bộ Phòng Xạ thuật (hay còn gọi là Thuật phóng), Phạm Đồng Điện là Trưởng phòng Hóa chất, Hoàng Văn Lãn, Phó phòng Chế tạo vũ khí thuộc Nha Nghiên cứu kỹ thuật. Đồng chí Phạm Như Vưu (sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật), đồng chí Lê Văn Chiểu (sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Kinh tế) và đồng chí Hoàng Văn Lãn (sau này là Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Tổng cục Kỹ thuật) về nước tiếp tục phục vụ trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Còn đồng chí Phạm Đồng Điện sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thiếu tướng Lê Văn Chiểu (thứ 3 từ phải sang) tháp tùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, thăm Nhà máy V119 (nay là Nhà máy Z119) trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL Có lẽ thời điểm đó, việc đưa đoàn đi học là chủ trương bí mật của Trung ương Đảng, nên không thấy đề cập trong các nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng và hồi ký của các đồng chí lãnh đạo, cũng như trong những nghiên cứu về lịch sử giáo dục Việt Nam, lịch sử quan hệ ngoại giao Việt - Xô. Ngay cả sự kiện ngày 18/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp và giao nhiệm vụ cho đoàn trước khi đi Liên Xô cũng không có tư liệu. Tuy nhiên, trong những cuốn sổ ghi chép, nhật ký của các thành viên đoàn, nội dung làm việc của các đồng chí trong Trung ương Đảng với đoàn được ghi chép từng ngày. Đặc biệt, sự kiện ngày 18/7/1951, Bác Hồ đến gặp, giao nhiệm vụ được các thành viên ghi chép cẩn thận. Đồng chí Phạm Như Vưu viết: “Ngày 18/7/1951: Có lẽ là ngày lịch sử trong đời, Bác đến bắt tay anh em và dặn dò thêm kỹ càng hơn người cha... Một bờ suối quanh co dưới bóng cây um tùm của Tân Trào kia không ngờ đã là nơi kỷ niệm sâu sắc của 21 anh em, tiếp thu những lời vàng ngọc của vị lãnh tụ”. Còn đồng chí Lê Văn Chiểu năm đó 25 tuổi, là người ít tuổi nhất đoàn, miêu tả trong cuốn sổ nhỏ của mình: “Bác mặc áo lụa màu gụ, quần cộc thao màu nâu, chống gậy tre, đội mũ cát kaki đã có vết rách”. Hôm đó, Bác dặn mọi người nhiều điều nhưng ông nhớ nhất đoạn Người nói, đại ý: “Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên, Liên Xô đào tạo chúng ta, nếu bằng lòng thì chuyến sau sẽ dễ, đầu xuôi đuôi lọt”. Theo lịch trình ghi chép của đoàn, ngày 22/7/1951, đoàn mang theo Thư giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh rời ATK. Bức thư có nội dung bằng tiếng Pháp, tạm dịch: “Được phép của đồng chí Stalin, tôi hân hạnh gửi 21 đồng chí Việt Nam để được giáo dục về chính trị và kỹ thuật” và ký tên là “Đin”. Ngày 17/8/1951, đoàn đến Moscow. Sang Liên Xô, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn được phân công học về bảo đảm kỹ thuật quân đội và sản xuất vũ khí bộ binh tại Trường Cao đẳng Quân khí Tula; Lê Văn Chiểu và Phạm Đồng Điện học về chất nổ ở Trường Đại học Tổng hợp Bauman. Đến năm 1955, đoàn cơ bản kết thúc khóa học tập ở Liên Xô. Từ năm 1956 đến năm 1958, các thành viên trong đoàn lần lượt về nước nhận công tác. Cả 21 thành viên đều hăng hái hòa mình vào công cuộc kiến thiết và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người trở thành cán bộ cốt cán trong những ngành mà họ được đào tạo. Và đúng như Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và kinh tế, đã viết trong cuốn sổ tay của mình cách đây 2/3 thế kỷ, “đầu xuôi đuôi lọt”. Từ khởi điểm đoàn 21 người sang Liên Xô học tập năm 1951, cho đến những năm sau này, Đảng, Nhà nước ta vẫn tiếp tục gửi học sinh sang học tập tại các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển để đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, trong đó có nhiều cán bộ, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, công nghệ của ngành CNQP. SONG THANH
|