CNQP&KT - Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (năm 1945), trước nhu cầu ngày càng cấp thiết của lực lượng vũ trang cần được trang bị vũ khí cho bảo vệ thành quả cuộc cách mạng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, việc tổ chức sản xuất vũ khí, nhất là lựu đạn (loại vũ khí phù hợp với điều kiện chế tạo của ta lúc bấy giờ) nhanh chóng được triển khai khắp ba miền đất nước.

Tại Nam Bộ, Xưởng Phước Lộc (Nhà Bè) ở miền Đông Nam Bộ sản xuất được từ 20 đến 100 quả lựu đạn mỗi ngày. Các công binh xưởng số 1 và 2 ở Tân An, Mỹ Tho sản xuất được “lựu đạn xi măng”, “lựu đạn kiểu mãng cầu”. Xưởng vũ khí ở Bến Tre chế tạo được “Lựu đạn cứu quốc” (có hình trái mãng cầu, đuôi lựu đạn được buộc một sợi dây dài khoảng 30cm). Sau khi sản xuất thành công, xưởng được đổi tên mới là “Xưởng lựu đạn cứu quốc”.

Tháng 10/1945, tỉnh Bạc Liêu cũng thành lập xưởng vũ khí. Do yêu cầu phải sản xuất được lựu đạn, xưởng vận động anh Long Báu (là lính của chế độ cũ có biết về hình dáng, vật liệu làm lựu đạn) gia nhập xưởng và đổi tên xưởng là “Xưởng Long Báu”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, chế tạo, xưởng sản xuất được quả lựu đạn đầu tiên và tổ chức nổ thử nghiệm. Anh Long Báu trực tiếp ném thử hai lần nhưng lựu đạn không nổ; lần thứ ba anh nép mình vào cột điện, tay phải đập chốt lựu đạn vào cột, lựu đạn nổ làm anh bị dập nát bàn tay. Sau lần thử nghiệm đó, xưởng đã sản xuất thành công loại lựu đạn có 4 cánh đuôi bằng thiếc, lấy tên là “Lựu đạn Long Báu”, trang bị kịp thời cho lực lượng vũ trang tỉnh. Tại Cần Thơ có xưởng Mỹ Ca đặt ở cầu Nhiễm (Ô Môn). Xưởng vũ khí tại Rạch Giá sản xuất lựu đạn có dáng hình trụ, vỏ là ống nước bằng gang.

Lựu đạn, thủ pháo được sản xuất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.    Ảnh: TL

Ở Trung Bộ, tại Ninh Thuận, nhiều công nhân cứu quốc ở đề-pô Tua Chàm đã đưa máy móc, vật liệu lập xưởng sản xuất được lựu đạn. Xưởng vũ khí Đồng Trăng (Khánh Hòa), nghiên cứu sản xuất được lựu đạn đập kiểu Nhật, lựu đạn đuôi tôm, đặc biệt là lựu đạn có cần bật kiểu Mỹ. Các xưởng quân giới Cao Thắng (Phú Yên), Hoàng Hoa Thám (Bình Định), Phan Đăng Lưu (Quảng Nam), Công binh xưởng QB450 (Tây Nguyên) đều sản xuất lựu đạn đập.

Tại Bắc Bộ, Công ty Cơ khí Cao Thắng (Hà Nội) đã sản xuất vỏ lựu đạn cung cấp cho Công ty Phan Đình Phùng sản xuất hoàn chỉnh lựu đạn kiểu Nhật. Tại Chiến khu 3, Xưởng Quân giới của Chiến khu sản xuất lựu đạn vỏ gang. Cuối năm 1945, xưởng cung cấp cho chiến trường Nam Bộ 2.000 quả. Ở làng Trung Chữ, xã Ninh Giang (Hoa Lư, Ninh Bình), cơ sở chế tạo vũ khí sản xuất được lựu đạn vỏ làm bằng sành, xi măng và sau đó làm lựu đạn mỏ vịt. Tuy là xưởng xã nhưng cũng có đầy đủ các bộ phận như: hóa chất, đúc, điện, mộc do ông Vũ Xứng, một cựu binh yêu nước phụ trách. Ngoài ra, việc sản xuất lựu đạn còn là nhiệm vụ của các xưởng vũ khí ở Chí Linh, Mạo Khê, xưởng vũ khí dân quân ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam.

Như vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, Quân giới Việt Nam đã tự chế tạo được nhiều loại lựu đạn theo mẫu của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật. Tiêu biểu như lựu đạn loại kiểu pháo ném ở Mỹ Tho, Tân An; lựu đạn đốt ngòi cháy chậm rồi ném ở Trà Vinh; lựu đạn có đuôi khi rơi chúc đầu chạm nổ ở Bến Tre, Chiến khu 5, Thanh Hóa; lựu đạn đập kiểu lọ mực của Công ty Phan Đình Phùng, xưởng Đồng Đăng. Ngoài ra, một số xưởng vũ khí như xưởng Vũ Xá ở Nam Định, xưởng Chi đội 10 ở Nam Bộ… còn sản xuất được lựu đạn phóng. Trong quá trình sản xuất, cán bộ, công nhân Quân giới đã từng bước giải quyết được ba vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất vũ khí là thiết kế, nguyên vật liệu và công nghệ chế tạo, nhờ đó đã thiết kế và sản xuất được khoảng 60 loại lựu đạn khác nhau. Bên cạnh đó, các xưởng còn không ngừng cải tiến phương pháp chế tạo, sản xuất lựu đạn ngày càng nhanh, chất lượng tốt và nhiều hơn. Tại Hà Nội, có xưởng sản xuất được từ 3.000 đến 4.000 quả lựu đạn trong một tháng. Trong năm 1946, các công binh xưởng từ Chiến khu 4 trở ra đã sản xuất được trên 12.000 quả lựu đạn các loại.

Có thể nói, trong hoàn cảnh kháng chiến, thiếu thốn đủ bề, song bằng ý chí cách mạng kiên cường, trí thông minh sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và chịu đựng cả hy sinh, mất mát, những người lính thợ Quân giới đã chế tạo được các loại lựu đạn cung cấp kịp thời cho các lực lượng vũ trang, dân quân du kích đánh địch trên các mặt trận. Qua đó, khẳng định Quân giới Việt Nam bước đầu tiếp cận được với kỹ thuật chế tạo vũ khí nói chung, lựu đạn nói riêng và đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp thiết thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, góp sức cho lực lượng vũ trang tiêu hao và kìm chân địch. Qua việc sản xuất, cũng giúp cho ngành Quân giới thấy được thực trạng về chất lượng vũ khí, trang bị để từ đó tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản xuất, sửa chữa và cải tiến vũ khí, trang bị sau này.

NGÔ NHẬT DƯƠNG

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: