CNQP&KT - Lớp đào tạo sĩ quan pháo binh đầu tiên của Quân đội ta được sự quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt của ngành Quân giới, từ nội dung huấn luyện, đào tạo, đến máy móc, thiết bị đúng với yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy đề ra.

Đầu tháng 3/1949, Văn phòng Bộ Quốc phòng cho mời đồng chí Hoàng Đình Phu, Phó giám đốc Nha Nghiên cứu Kỹ thuật (NCKT), thuộc Cục Quân giới, lên làm việc với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Tạ Quang Bửu nói: “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đang chuyển mạnh sang giai đoạn mới. Để phục vụ tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, Quân đội ta nhất định phải có Binh chủng Pháo binh mạnh, trong đó công việc trước mắt và rất quan trọng là phải đào tạo gấp được một đội ngũ sĩ quan chỉ huy. Sau khi cân nhắc mọi mặt, Bộ Quốc phòng quyết định giao nhiệm vụ này cho ngành Quân giới mà trực tiếp là Nha NCKT. Mong các đồng chí cố gắng hoàn thành”.

Sửa chữa pháo phòng không phục vụ chiến đấu.   Ảnh: TL

Còn Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cho biết: “Dự kiến lớp mở đầu này sẽ chiêu sinh khoảng 50 học viên, chọn lọc trong số học viên tốt nghiệp các lớp sĩ quan lục quân. Thời gian chuẩn bị cho lớp học khoảng 2 tháng, cố gắng khai giảng vào đầu tháng 5/1949. Việc nặng nhất bây giờ là chuẩn bị giáo trình. Mong các đồng chí hết sức nỗ lực, cùng anh em bên cơ quan chỉ đạo pháo binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ giao”.

Sau nhiều buổi trao đổi, thảo luận về nội dung huấn luyện, bộ khung giáo viên được Nha NCKT thành lập, đa số đều là cán bộ đầu ngành, có trình độ khoa học cao, như: Nguyễn Phước Hoàng, giảng dạy về xạ kích và sử dụng pháo binh trong chiến đấu; Nguyễn Trinh Tiếp, Lê Văn Chiểu, môn xạ thuật; Đỗ Đức Dụng, môn địa hình; Nguyễn Công Thúy, môn toán; Trần Chí Đạo, môn toán và xạ kích; Nguyễn Nguyên Huy, môn thông tin quân sự. Ngay sau khi được kiện toàn, các đồng chí trong ban huấn luyện đã bắt tay vào công tác xây dựng khung chương trình, giáo trình, giáo án, chọn địa điểm, cải tạo nơi ăn ở, học tập cho thầy cô giáo viên và học viên.

Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, vượt lên khó khăn, thiếu thốn, với tinh thần “chuẩn bị tổng phản công”, ngày 1/5/1949, lớp huấn luyện pháo binh được khai giảng tại Giếng Tanh, trên đường Tuyên - Hiên đi Yên Bái. Đây là một bản nhỏ của đồng bào Cao Lan, dân cư thưa thớt, đời sống của bà con còn thiếu thốn đủ bề. Thấy bộ đội về đóng quân đông, bà con hết sức phấn khởi chào đón.

Lớp huấn luyện pháo binh quy tụ 51 học viên được chọn lựa từ các khóa sĩ quan lục quân, chủ yếu là khóa 4 vừa tốt nghiệp và một số đồng chí ở mặt trận Bình - Trị - Thiên, Liên khu 3, và các địa bàn Tây Bắc, Đông Bắc, Việt Bắc… Tất cả đều khỏe mạnh, có trình độ văn hóa khá, khả năng tiếp thu kiến thức tốt, thông thạo các vấn đề về chiến thuật, kỹ thuật cấp phân đội.

Tất cả học viên bước vào khóa học với tinh thần quyết tâm cao. Mặc dù mới lần đầu được tiếp cận với các máy kinh vĩ, máy đo góc, phải xác định các tham số, phương vị, góc tù, cự ly, độ cao… để lập bản đồ địa hình chuẩn bị tác chiến… nhưng các sĩ quan pháo binh tương lai luôn nỗ lực học tập, “học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm”, vừa học lý thuyết, vừa học ứng dụng vào thực tiễn. Có những đợt, các học viên phải đi dã ngoại đo đạc địa hình suốt 12 ngày đêm, tay sách súng, vai vác máy, ngày đo, đêm tính toán dưới ánh đèn dầu. Sáng hôm sau lại tiếp tục hành quân xuống đơn vị pháo binh đóng quân ở Thái Nguyên để thâm nhập thực tế, rút kinh nghiệm trong chiến đấu hiệp đồng; phương pháp quản lý bộ đội qua các tình huống. Ngoài ra, do thiếu đại bác, các học viên phải sử dụng súng cối 81mm, 120mm để thực hành, hiệu chỉnh xạ kích.

Bên cạnh đó, do học tập, huấn luyện trong hoàn cảnh chiến tranh nên công tác phòng gian bảo mật được đặt lên hàng đầu. Ở Giếng Tanh được hai tháng thì lớp huấn luyện pháo binh nhận lệnh phải sơ tán sang núi Dùm ở phía Đông Bắc thuộc xã Tràng Đà, Tuyên Quang. Tại đây, các học viên trong lớp huấn luyện đã cùng lực lượng vũ trang địa phương lập trận địa phòng ngự. Được ít ngày, lớp huấn luyện pháo binh lại nhận lệnh vượt đường số 13 về đóng quân ở Lập Thạch, dưới chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Thời gian gần cuối khóa học, lớp huấn luyện lại di chuyển về Đĩa, một thôn nhỏ, hẻo lánh ở tả ngạn sông Lô. Lúc này, lớp huấn luyện và cơ quan Nha NCKT đóng quân gần nhau, đây là dịp rất tốt để các học viên tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ bảo của các nhà khoa học kỹ thuật Quân giới nhằm củng cố thêm kiến thức đã học về  lý thuyết pháo binh, các nguyên lý về súng, đạn, xạ kích, đo đạc trên địa hình và vẽ bản đồ dùng trong xạ kích pháo binh.v.v. Ngoài giờ học tập, các học viên và cán bộ, nhân viên Nha NCKT còn tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, tạo nên bầu không khí rất vui vẻ, ấm áp tình cảm thầy trò.

Một buổi sáng cuối tháng 9/1949, lớp huấn luyện pháo binh tổ chức lễ bế giảng để học viên trở về các chiến trường. Trong báo cáo tổng kết đã nêu bật những kết quả của khóa học, gọi đây là lớp huấn luyện “đặc biệt”, vì là lớp đào tạo sĩ quan pháo binh đầu tiên của Quân đội ta. Đặc biệt, khóa huấn luyện pháo binh được sự quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt của ngành Quân giới, từ nội dung huấn luyện, đào tạo, đến máy móc, thiết bị đúng với yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy đề ra. Bên cạnh đó, lớp huấn luyện còn nhận được sự cưu mang, giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ của đồng bào dân tộc các địa phương. Đây là nguồn động viên, là điểm tựa vững chắc để thầy và trò trong lớp huấn luyện pháo binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong bài phát biểu kết thúc khóa học, ngoài việc giao nhiệm vụ cho các học viên, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam, Chỉ huy trưởng mặt trận Bắc Kạn và Tuyên Quang, đã biểu dương đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, kỹ thuật Quân giới mà trực tiếp là Nha NCKT đã đào tạo, hướng dẫn các học viên của lớp huấn luyện pháo binh có đủ trình độ, năng lực, sức khỏe đúng yêu cầu của Bộ; đồng thời, yêu cầu các nhà khoa học, kỹ thuật Quân giới tiếp tục xây dựng, hoàn thiện giáo trình để huấn luyện các lớp sĩ quan pháo binh tiếp theo.

TRẦN LÊ MINH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: