(CNQP&KT) - Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, có những sự kiện quan trọng không phải một lúc có thể được nhìn nhận, đánh giá hết giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao của nó, mà cần có thời gian để suy ngẫm, kiểm định một cách khách quan, khoa học.

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những sự kiện nổi bật, là bài học kinh nghiệm có giá trị cả lý luận và thực tiễn, đặc biệt là trong công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, đạn dược.

 

Tháng 5/1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi, buộc Mỹ phải thua về quân sự, chính trị. Trên cơ sở những kết quả hoạt động về tạo thế, tạo lực, chuẩn bị tích cực của các chiến trường, từ ngày 23 đến ngày 26/1/1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 13, “chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”1. Sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên chiến trường, Hội nghị đã dự đoán những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong thời gian tới và khẳng định: “Chủ trương của Đảng là trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần phải động viên và tập trung lực lượng của cả nước, cố gắng cao độ, đập tan âm mưu của địch, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn; đồng thời, tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng địch trong trường hợp chiến tranh kéo dài hoặc mở rộng ra cả nước”2. 

Căn cứ vào các nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã đề ra phương án Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, trong đó xác định: “Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là Đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố, quy mô toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ, Trị - Thiên, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn”3. Thời gian tiến hành vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Toàn bộ chủ trương và kế hoạch tác chiến được giữ bí mật rất nghiêm ngặt.

Xét về lĩnh vực tạo nguồn bảo đảm cơ sở vật chất và vũ khí, trang bị, đạn dược, đây là bài học về nghệ thuật tạo yếu tố bí mật, bất ngờ trong công tác bảo đảm vũ khí, trang bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta.

Trước hết là nét độc đáo, sáng tạo trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và vũ khí, trang bị cho cuộc Tổng tiến công. Đây là điều kiện tiên quyết để ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với quy mô lớn trên toàn miền Nam. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, hậu phương lớn miền Bắc đã dốc sức người, sức của chi viện cho cuộc Tổng tiến công chiến lược. Cuối năm 1967, ta đã vận chuyển trên 14.000 tấn hàng vào dự trữ ở cửa khẩu đường 12 và đường 20 (Quảng Bình) để giao cho các chiến trường miền Nam4. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, Đoàn 559 được bổ sung 5 tiểu đoàn vận tải gồm 1.382 xe để bảo đảm vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, đạn dược cho các chiến trường miền Nam, kéo dài cung vận tải chiến lược bằng xe ô tô vào đến Chà Vằn, chi viện cho Khu 5 và các chiến trường trong mùa khô 1967-1968.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược từ miền Bắc chuyển vào chiến trường được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong nội đô, nhiều tổ chức, cơ sở cách mạng của ta đã sử dụng các phương tiện vận tải hợp pháp (ô tô, xuồng máy) bí mật chuyển lương thực, thuốc men ra vùng giải phóng và nhận súng đạn đưa về nội đô... Với chiến thuật “thiên biến vạn hóa” đó, chúng ta đã đưa một khối lượng lớn vũ khí, trang bị quân sự vượt qua hệ thống trạm kiểm soát và mạng lưới mật vụ, biệt kích, thám báo dày đặc của địch, vào “ém sẵn” trong nội đô. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, táo bạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân trong các thành phố, thị xã đã nhiệt tình ủng hộ, che chở, đùm bọc lực lượng cách mạng. Họ bí mật đào hầm chứa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngay dưới nền nhà mình; nhiều bà má, chị, em không quản gian khổ, hiểm nguy, hy sinh để vận chuyển vũ khí vào thành phố... Nhờ đó, các lực lượng của ta với đầy đủ vũ khí, trang bị đã “ém sẵn” trong lòng thành phố, thị xã, quận lỵ sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt địch.

Hai là, tạo thế bất ngờ trong công tác bảo đảm vũ khí, trang bị cho chiến trường Đông Nam Bộ. Chiến trường Đông Nam Bộ là địa bàn chiến lược trọng yếu mà Sài Gòn - Gia Định là trung tâm đầu não của Mỹ- ngụy, được xác định là một trong 3 mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, từ tháng 10/1967, Quân khu miền Đông, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và tỉnh Long An (thuộc Quân khu 8) được sáp nhập thành “Khu trọng điểm”, gồm 6 phân khu (trong đó Phân khu 6 gồm các quận nội thành), hình thành 5 hướng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định; “mỗi phân khu tổ chức phòng quân giới để đảm bảo cho các lực lượng chiến đấu trên địa bàn”5. Khối hậu cần Miền cũng được tổ chức lại, phù hợp với nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, trang bị về nơi quy định, trong đó đưa vũ khí vào cất giấu ở 25 điểm bí mật trong nội thành; bí mật thu mua lương thực, thực phẩm để dự trữ; cứu chữa thương, bệnh binh... Theo phương châm vừa xây dựng, vừa phục vụ chiến đấu, lực lượng bảo đảm vũ khí, đạn dược Miền đã lớn mạnh, trưởng thành. Đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, quân số hậu cần Miền lên tới 21.000 người trực tiếp phục vụ chiến đấu; 8 đại đội vận tải cơ giới với 139 xe ô tô, 10 tiểu đoàn và 10 đại đội vận tải thồ với 4.412 xe đạp; 8 đại đội công binh. Lực lượng quân giới và hậu cần được tổ chức thành các đoàn, tổ chức thành 2 tuyến: tuyến trước trực tiếp bảo đảm chiến đấu, gồm 5 đoàn, bố trí xung quanh Sài Gòn; tuyến sau gồm 4 đoàn, vừa khai thác cơ sở vật chất, vũ khí đạn ở Cam-pu-chia, vừa tiếp nhận cơ sở vật chất, chủ yếu là vũ khí, thuốc quân y từ Đoàn 559 tại Sê-Rê-Pốc để chuyển về giao cho các đoàn đứng chân ở phía trước. Đến trước ngày ta nổ súng tiến công đồng loạt vào các đô thị, lực lượng Quân giới và hậu cần Miền của ta đã chuẩn bị cơ bản đủ cơ số vũ khí, trang bị, đạn dược theo chủ trương của Bộ Chính trị và hoàn thành tốt các yêu cầu công tác bảo đảm. Theo số liệu: “Quân giới và hậu cần đã bảo đảm được 5.554 tấn vật chất quân nhu, 5.078 tấn vũ khí. Bên cạnh đó, hậu cần các khu, phân khu, tỉnh đều có phương án sẵn sàng huy động cơ sở vật chất hậu cần tại chỗ phục vụ các lực lượng tác chiến trên địa bàn”6.

Ba là, tạo thế trận bảo đảm vũ khí, trang bị liên hoàn, vững chắc. Ở chiến trường Nam Bộ gồm:Quân khu 9, Quân khu 8 mở rộng các căn cứ hậu cần tại chỗ ở Nước Trong, Ba Hồ, Châu Thành, Chợ Gạo, Trà Ôn, ta đã chủ động chuyển hóa tạo thành thế trận liên hoàn với các căn cứ đã có từ trước như: U Minh, Năm Căn, vây quanh thành phố Cần Thơ và áp sát tỉnh Mỹ Tho...       

Trên chiến trường Khu 5: Công tác bảo đảm vũ khí, trang bị được Quân khu cùng Ban Kinh tài Khu ủy và các tỉnh có kế hoạch huy động lương thực, thực phẩm dự trữ trên các địa bàn, nhất là các huyện trọng điểm. Lực lượng vận tải hành lang cùng với lực lượng vận tải các đơn vị trực tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ tuyến vận tải chiến lược Đoàn 559 về thẳng các đơn vị. Xác định thành phố Huế, Đà Nẵng là trọng điểm tác chiến, từ tháng 6/1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Mặt trận 4. Lực lượng và phương tiện vận tải, hệ thống kho, trạm sửa chữa súng, pháo, đạn dược… được bố trí xung quanh các thành phố lớn để bảo đảm cho các đơn vị tác chiến trên địa bàn trọng điểm chiến lược.

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.      Ảnh: TL

 

     Trên cơ sở 3 binh trạm trước đây (Bắc, Trung, Nam), nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nguyên mở rộng các căn cứ hậu cần tới các tỉnh, các trung đoàn chủ lực tại các địa phương, tổ chức tiếp nhận vũ khí, trang bị từ tuyến chiến lược, lập các kho dự trữ vũ khí, đạn dược và cơ sở vật chất chuẩn bị cho các hướng tiến công vào các thị xã, thị trấn; chuẩn bị kế hoạch huy động nhân lực, vật lực phục vụ các đơn vị chiến đấu trên địa bàn. Trong đó, tập trung chuẩn bị chu đáo cho Sư đoàn 1 tác chiến trên hướng đường 18 (Pleiku). Quân giới Quân khu Trị - Thiên đã tổ chức tiếp nhận và lập các kho dự trữ ở A Sầu, A Túc, Động Cô Tiên; tổ chức các kho dự trữ ở các vùng giáp ranh để tiếp nhận vũ khí, đạn dược, huy động từ vùng đồng bằng đưa về. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các địa phương để huy động và bảo đảm vũ khí, cơ sở vật chất cho các đơn vị tác chiến trên địa bàn trọng điểm.

Cùng với việc chỉ đạo công tác chuẩn bị bảo đảm vũ khí, trang bị cho các chiến trường, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, phân tán và tiêu diệt sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ. Thực hiện chủ trương đó, công tác hậu cần được triển khai chuẩn bị từ giữa năm 1967. Lực lượng quân giới chiến dịch được bố trí, triển khai trên hai hướng: Đông và Tây. Hướng Đông chủ yếu là lực lượng hậu cần của B5 cũ, bảo đảm cho các đơn vị tác chiến bờ Nam sông Bến Hải đến Đường 9. Tại đây, đến cuối tháng 1/1968, đã tổ chức tiếp nhận, dự trữ, bổ sung cho các đơn vị được 2.875 tấn vũ khí, đạn (riêng đạn là 2.320 tấn). Hướng Tây, tổ chức các căn cứ ở khu vực Đường 9 như: Cha Ki, La Tương, Làng Sen, Tam Luông, Pe Lương, Tô Lin... tổ chức tiếp nhận, dự trữ được 2.421 tấn vũ khí. So với kế hoạch, ta đã dự trữ được 79,4% khối lượng vũ khí, đạn dược. Nhờ chuẩn bị chu đáo, khi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nổ ra ngày 20/1/1968, đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, phương tiện, lương thực, cứu chữa thương binh, đáp ứng yêu cầu tác chiến giành thắng lợi, tạo ra thời cơ có lợi theo chủ trương của Đảng ta để mở cuộc Tổng tiến công.

Bốn là, nét độc đáo, sáng tạo trong công tác bảo đảm vũ khí, đạn dược trong nội đô. Công tác bảo đảm vũ khí, đạn dược cho các đơn vị trong nội đô là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Quân giới. Các đơn vị Quân giới luôn phải giữ bí mật công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho các lực lượng tham gia đánh địch trực tiếp trong nội đô, như “biệt động Sài Gòn” được bố trí sẵn trong thành phố thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, có 25 mục tiêu tại “Thủ đô” được chính quyền Sài Gòn xếp vào khu vực “loại A” bao gồm các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy về quân sự, chính trị, kinh tế, các khu vực xung yếu về quân sự, các đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng…

Nét độc đáo của việc bảo đảm vũ khí trong nội đô được nghiên cứu tiến hành tại chỗ gồm: Lực lượng xung kích, các hầm vũ khí, đạn dược chỗ tập kết, lực lượng vận chuyển và chiến đấu, cơ cấu chỉ huy tại chỗ của lực lượng biệt động và sở chỉ huy của cấp trên trong nội thành. Ở Sài Gòn, việc bảo đảm vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho từng trận, từng tổ, đánh xong trận này thì chuẩn bị cho trận khác và phải đồng thời chuẩn bị bảo đảm cho các mục tiêu trọng điểm, nhiều vũ khí phương tiện chiến đấu phải có sẵn ở khu vực tác chiến và ở cơ sở tại chỗ. Công tác bảo đảm vũ khí, đạn dược phải tiến hành ngay trong lòng địch, nên nhiệm vụ này được xác định là “phần chìm”, hạn chế tối đa người biết, ngay những người trực tiếp làm cũng chỉ biết được phần việc của mình.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đòn tiến công chiến lược, làm rung chuyển nước Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bị bất ngờ choáng váng, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng Quân giới Quân giải phóng miền Nam, những người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chủ động đi trước chuẩn bị chu đáo, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, gắn liền với các địa bàn tác chiến, áp sát các mục tiêu để kịp thời bảo đảm cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị cho tác chiến trên các địa bàn và mục tiêu trọng điểm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ngày nay, cục diện thế giới đang trải qua những biến động lớn, những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các nước Bắc Phi - Trung Đông; các nước phương Tây vẫn dùng sức mạnh quân sự để gây sức ép, thậm chí can thiệp quân sự vào một số quốc gia có chủ quyền. Bởi vậy, việc xây dựng ngành Công nghiệp quốc phòng bảo đảm chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang là vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Những bài học kinh nghiệm về bảo đảm vũ khí, trang bị và cơ sở vật chất, đạn dược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thượng tướng Bế Xuân Trường

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Đảng, tr.577.

2. Đảng Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13, Tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, tr.3.

3. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập 1, Nxb ST, H. 1990, tr. 287.

4. Lịch sử Hậu cần QĐND Việt Nam, Tập II (1954-1975), Nxb QĐND, H. 1999, tr. 313.

5. Lịch sử Hậu cần Quân khu 7, Nxb QĐND, Hà Nội.2000, tr.397.

6. Lịch sử Hậu cần QĐND Việt Nam, Hà Nội. 2000, tr.316.

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: