(CNQP&KT) - Trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12/1972), bộ đội Phòng không - Không quân (PK-KQ), mà nòng cốt là lực lượng tên lửa phòng không (TLPK) đã đánh thắng cuộc tiến công chủ yếu bằng máy bay ném bom B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận.

 

Trong trận chiến đấu gay go quyết liệt ấy, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị (VKTB) đóng vai trò rất quan trọng, giúp các đơn vị PK-KQ chiến đấu dài ngày, thực hiện những trận đánh then chốt, quyết định, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không của Mỹ.

        Bảo đảm vũ khí, trang bị trước chiến dịch

Để thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm VKTB, nhất là đạn tên lửa phục vụ cho tác chiến bảo vệ thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, ngay đầu tháng 10/1972, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đã đề ra các biện pháp bảo đảm VKTB, bảo đảm đạn và các phương tiện khí tài khác. Vào thời điểm ấy, VKTB của Quân chủng PK-KQ đã trải qua gần 10 năm triển khai chiến đấu liên tục, quá giờ sử dụng, cần phải sửa chữa, bảo dưỡng lớn… Số bệ phóng của các tiểu đoàn tên lửa trung bình chỉ còn 4/6 bệ tốt, có tiểu đoàn chỉ có 2 bệ vì thiếu phụ tùng thay thế. Đặc biệt, hoàn cảnh quốc tế năm 1972 không thuận lợi, phụ tùng, vật tư linh kiện thay thế và tên lửa từ Liên Xô giúp ta vận chuyển sang gặp rất nhiều khó khăn. Quân chủng yêu cầu các tiểu đoàn TLPK bố trí trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng chuẩn bị đánh B-52 phải bảo đảm đủ VKTB, bệ phóng, đạn và đạt hệ số kỹ thuật tốt nhất, đồng bộ đủ 6 bệ phóng, đạn tên lửa đủ cơ số. Các đơn vị được điều động ra bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đều để lại khí tài ở phía Nam, chỉ bộ đội cơ động ra và sử dụng trang bị khí tài mới.

Bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội.    Ảnh T.L

 

Trước thời điểm diễn ra chiến dịch, Quân chủng PK-KQ tổ chức hội nghị bảo đảm VKTB, thống nhất chuyển hướng sản xuất, sửa chữa VKTB, vật tư, phụ tùng... phù hợp với yêu cầu tác chiến mới. Cục Kỹ thuật Quân chủng thực hiện sơ tán triệt để các kho, trạm, xưởng về vị trí mới. Các xưởng không triển khai dây chuyền trung tu đồng bộ toàn đài điều khiển mà thực hiện sửa chữa xe lẻ, cả dây cáp và động cơ; tổ chức các đội sửa chữa cơ động cùng đơn vị trực tiếp sửa chữa hỏng hóc VKTB tại trận địa. Các nhà máy A31, A34, A35, A38 trong thời gian ngắn (từ tháng 8 đến tháng 10/1972) đã khôi phục được một số lượng lớn các xe lẻ và đài điều khiển tên lửa, bệ phóng, ăng ten, các khối lẻ của tên lửa; các đài ra-đa cảnh giới, ra-đa dẫn đường, ra-đa đo cao, ra-đa bắt các mục tiêu bay thấp và ra-đa ngắm bắn; dây truyền tải tín hiệu, biến thế... kịp thời cung cấp cho các đơn vị chiến đấu và bổ sung dự trữ. Ngoài ra, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ và các sư đoàn phòng không còn hiệp đồng với các đơn vị bạn, Tổng cục Kỹ thuật và các cơ sở công nghiệp ở các địa phương, điển hình là Nhà máy điện cơ Hà Nội, cuốn hơn 100 động cơ (EMY, MN). Cục Vật tư (Tổng cục Hậu cần) cấp cho Quân chủng 30 km dây cáp các loại đưa về Xưởng A31 để sản xuất các loại cáp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của khí tài tên lửa, ra-đa... giúp cho việc sản xuất, sửa chữa, thay thế được nhanh chóng.

Những cố gắng lớn của các nhà máy, xí nghiệp Quân giới, xưởng sửa chữa của Quân chủng PK-KQ, cùng với khối lượng vật tư phụ tùng, linh kiện tạo thành nguồn dự trữ vật tư bảo đảm VKTB cho bộ đội PK-KQ sẵn sàng bước vào chiến dịch lịch sử “Hà Nội - Điện Bên Phủ trên không”.

 

        Bảo đảm vũ khí, trang bị trong chiến dịch

Ngày 31/11/1972, Quân chủng PK-KQ tổ chức Hội nghị Kỹ thuật để kiểm tra lần cuối công tác bảo đảm VKTB chuẩn bị đánh B-52; khẩn trương sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ năm, luân phiên tại các trung đoàn TLPK, pháo phòng không, không quân và ra-đa.

Công tác bảo đảm VKTB, cơ sở vật chất kỹ thuật đã chủ động đi trước một bước. Đến ngày 17/12, Hà Nội có 8/12 tiểu đoàn TLPK; Hải Phòng có 7/8 tiểu đoàn tên lửa; đường 1 Bắc có 3/3 tiểu đoàn hỏa lực sẵn sàng chiến đấu. Trong chiến dịch, VKTB, khí tài hoạt động liên tục, nhiều giờ, ít hư hỏng. Một số đơn vị bị máy bay địch đánh vào trận địa, hỏng khí tài, song đội ngũ kỹ thuật cùng chuyên gia Liên Xô đã nhanh chóng sửa chữa, khắc phục bảo đảm VKTB, khí tài tiếp tục chiến đấu với B-52 địch ngay trong ngày.

Sang giai đoạn II chiến dịch, máy bay địch tăng cường đánh phá các trận địa tên lửa. Để tăng cường lực lượng bảo vệ Hà Nội, hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 285 được cơ động từ Hải Phòng lên. Ở Hải Phòng luôn có 7/8 tiểu đoàn hỏa lực sẵn sàng chiến đấu, trong suốt chiến dịch không có tiểu đoàn nào bị địch đánh trúng và không có hỏng hóc về kỹ thuật.

 

        Bảo đảm đạn tên lửa phòng không

Cần phải nói rằng, đầu năm 1972, Quân chủng PK-QK điều 100 quả đạn TLPK vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, bảo đảm cho các đơn vị chuẩn bị tham gia chiến dịch Trị Thiên. Tháng 4/1972, địch leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đạn tên lửa sử dụng nhiều hơn. Do vậy, theo chỉ đạo của trên, để chuẩn bị đạn tên lửa cho đánh B-52, Quân chủng tổ chức triển khai các công trường sửa chữa đạn ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Chí Linh (Hải Dương). Đến hết tháng 11/1972, các dây chuyền đã sửa chữa được 220 quả đạn, trên tổng số hơn 300 quả đạn hỏng, số còn lại chỉ lấy khối và phụ tùng. Một số dây chuyền sửa chữa khối lẻ cũng đã sửa chữa 600/1.000 khối, kịp thời cung cấp cho các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và lắp ráp.

Việc tổ chức bảo đảm đạn TLPK cho các đơn vị bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa được tổ chức chặt chẽ. Đạn TLPK được tiếp nhận từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) vận chuyển theo đường 1B về các kho, trạm ở Thái Nguyên. Các trung đoàn trực tiếp đến nhận đạn và cơ sở vật chất kỹ thuật. Do tổ chức tốt nên khi bước vào chiến dịch, các đơn vị tại Hà Nội đã có 208 quả (bằng 2,16 cơ số); Hải Phòng có 173 quả (bằng 1,8 cơ số); Thanh Hóa có hơn 100 quả (bằng 1,5 cơ số).

Thực tế đợt 1 của chiến dịch, trong các ngày 18-20/12/1972, máy bay B-52 đánh phá ác liệt các mục tiêu ở Hà Nội, các tiểu đoàn TLPK bảo vệ Hà Nội đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi nhiều máy bay B-52. Lượng đạn tiêu thụ trong 3 ngày rất lớn (171 quả), nhưng do được chuẩn bị từ trước ở các tuyến, nên đã kịp thời cung cấp đạn cho các tiểu đoàn hỏa lực. Các dây chuyền sản xuất của các tiểu đoàn kỹ thuật, ngay trong đêm đầu chiến dịch đã khẩn trương sản xuất 3 ca liên tục.

Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu chiến dịch, Quân chủng PK-KQ đã yêu cầu các đơn vị bắn tiết kiệm, chỉ giành đạn tên lửa đánh B-52, do vậy, đã cơ bản bảo đảm đạn cho yêu cầu tác chiến. Trong toàn chiến dịch, bộ đội đánh 192 trận, tiêu thụ 333 quả đạn TLPK, trong đó, các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và tiếp 271 quả.

 

        Bài học kinh nghiệm

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam trước những vũ khí tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ. Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm về công tác bảo đảm VKTB để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại này.

Trước hết, công tác bảo đảm VKTB phải được tiến hành từ sớm. Thực tế vào thời điểm ấy, phụ tùng, VKTB cũng như đạn tên lửa tại các đơn vị bị hư hỏng, tiêu hao lớn, lực lượng dự trữ mỏng, trong khi lại bị địch đánh phá ác liệt, kết hợp phong tỏa các cảng sông, biển, do đó công tác bảo đảm VKTB, bảo đảm đạn của Quân chúng PK-KQ vừa phải đáp ứng yêu cầu của tác chiến thường xuyên, vừa phải chuẩn bị cho tác chiến liên tục, dài ngày. Mặt khác, do chúng ta đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, nên sớm có kế hoạch chuẩn bị về mọi mặt, cụ thể, tương đối hoàn thiện. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các đơn vị.

Hai là, bố trí đội hình bảo đảm VKTB, bảo đảm đạn thích hợp, tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu. Do làm tốt công tác sơ tán phòng tránh, nên trong chiến dịch, các kho, xưởng, trạm và các cơ quan của ngành Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đều an toàn, không có đơn vị nào bị địch phát hiện, đánh phá gây tổn thất. Lực lượng dự trữ cho Hà Nội và Hải Phòng rất mỏng trong tác chiến liên tục, dài ngày, cường độ cao cần phải bố trí khí tài vật tư, linh kiện dự trữ ở vị trí thích hợp (Nam, Bắc sông Hồng; Nam, Bắc Hải Phòng…) để nhanh chóng xử lý các tình huống, phục hồi VKTB kỹ thuật.

Ba là, công tác bảo đảm đạn TLPK được chuẩn bị từ sớm, có phương án, kế hoạch đúng. Ngay từ trận đầu, tên lửa được xác định là lực lượng chủ yếu đánh B-52, nên các đơn vị phải bắn tiết kiệm, giành đạn cho đánh B-52. Ngay trong các ngày đầu chiến dịch, số lượng đạn tên lửa tiêu thụ lớn hơn cả trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Chỉ 3 ngày ở Hà Nội đã tiêu thụ 171 quả.

Bốn là, phân cấp tiếp đạn cần phải được tổ chức khoa học khi có nhiều tuyến tiếp đạn. Đạn được Quân chủng PK-KQ cấp cho sư đoàn, sư đoàn cấp xuống tiểu đoàn kỹ thuật của trung đoàn. Các tiểu đoàn kỹ thuật cấp đạn đến các tiểu đoàn hỏa lực nên đường tiếp đạn phải được phổ biến cụ thể cho lái xe, các ngã ba, ngã tư cần có người chỉ dẫn, tránh lạc đường, ùn tắc, gián đoạn và không sai sót, nhầm lẫn địa chỉ.

45 năm đã trôi qua, nhưng chiến công của ngành Kỹ thuật PK-KQ bảo đảm VKTB, bảo đảm đạn trong chiến dịch phòng không tháng 12/1972, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là mốc son lịch sử, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về ý chí, trí tuệ của người Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của chiến dịch vẫn còn ý nghĩa đối với công tác bảo đảm VKTB, bảo đảm cơ sở vật chất, đạn dược cho lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng PK-KQ nói riêng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, PGS, TS. Trần Nam Chuân

 Trung tá, ThS. Hoàng Văn Hùng*

 

 

*Phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Quân chủng Phòng không - Không quân.

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: