(CNQP&KT) - Hiện nay, xuất khẩu vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất là việc hết sức cần thiết. Vấn đề là chúng ta đã có “vốn liếng” gì? Sản phẩm liệu có đủ khả năng xuất khẩu, và làm thế nào để xuất khẩu thành công, lâu dài? Đó là những câu hỏi phải được giải đáp khi xuất khẩu vũ khí “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới.

Sự kiện lần đầu tiên Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng tham gia trưng bày sản phẩm quốc phòng tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế ở In-đô-nê-xi-a (Indo Defence 2018) vào đầu tháng 11/2018 là dấu mốc quan trọng trong hoạt động thương mại quân sự. Như vậy, sản phẩm vũ khí do công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam sản xuất đã chính thức có mặt trong một hoạt động giao thương tầm cỡ khu vực và thế giới.

Xuất khẩu vũ khí là cụm từ nghe vừa quen, vừa lạ. Quen vì thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mọi người đều dễ dàng cập nhật tin tức thời sự về hoạt động mua bán vũ khí giữa các quốc gia trên thế giới. Lạ vì lâu nay, hoạt động thương mại quân sự ở nước ta chủ yếu diễn ra một chiều, tức là chỉ có nhập khẩu sản phẩm quốc phòng chứ rất ít xuất khẩu. Hơn thế, xuất khẩu vũ khí vốn là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến tính chất,  mục đích, nhu cầu và đối tượng sử dụng loại sản phẩm đặc biệt này, bởi vậy cần phải tuân thủ những quy định pháp lý hết sức chặt chẽ, khắt khe và mang tính bảo mật cao.

Hiện nay, xuất khẩu vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất là việc hết sức cần thiết. Vấn đề là chúng ta đã có “vốn liếng” gì? Sản phẩm liệu có đủ khả năng xuất khẩu, và làm thế nào để xuất khẩu thành công, lâu dài? Đó là những câu hỏi phải được giải đáp khi xuất khẩu vũ khí “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, những năm qua, ngành CNQP  Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoặc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thành công một số loại vũ khí có chất lượng tương đương với các nước khu vực và thế giới. Trong đó có đủ năng lực sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh; sản xuất được súng tiểu liên thế hệ mới; đạn pháo chiến dịch, đạn pháo phòng không, các loại đạn chống tăng thế hệ mới; một số loại vũ khí phòng không; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn ngày và đêm cho bộ binh và pháo binh. Đặc biệt, CNQP Việt Nam đã nhận chuyển giao công nghệ và đóng thành công nhiều gam tàu quân sự hiện đại, cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, có thể tác chiến dài ngày trên biển… Cùng với đó, các doanh nghiệp quốc phòng cũng sản xuất thành công nhiều sản phẩm cơ khí, hóa chất, tàu thuyền, cao su, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu kinh tế và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn, đơn hàng ổn định; góp phần rất lớn vào việc duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động tại các nhà máy.


Súng phòng không tầm thấp do Nhà máy Z111 sản xuất. Ảnh: PV

Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế đó là, dù đã rất cố gắng nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng chủ lực (như vũ khí, đạn dược, tàu thuyền quân sự). Những sản phẩm kinh tế xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng thấp, đơn hàng nhỏ lẻ, doanh thu và mức tăng trưởng thiếu tính ổn định. Một vấn đề “nổi cộm” hiện nay trong tham gia hoạt động thương mại quân sự, đó là quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất. Lâu nay, công tác nghiên cứu, thiết kế vũ khí, trang bị kỹ thuật chủ yếu “chép” theo mẫu, có rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng, chưa thiết kế được các chủng loại vũ khí hiện đại. Cùng với đó, việc phối hợp giữa nghiên cứu, thiết kế, sản xuất còn nhiều bất cập; tốc độ đổi mới công nghệ tại các nhà máy còn chậm, tỷ lệ máy móc, thiết bị hiện đại còn thấp; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá năng lực, sản phẩm chưa tốt, thiếu tính chuyên nghiệp... Đó là những hạn chế cơ bản, là nguyên nhân làm chậm tiến trình xuất khẩu vũ khí "Made in Vietnam".

Thị trường mua bán vũ khí thế giới những  năm gần đây diễn ra hết sức sôi động. Nhiều quốc gia coi đây là nguồn thu quan trọng để lấp đi những lỗ hổng giảm phát từ các ngành kinh tế khác. Bên cạnh những “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức… nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực đưa sản phẩm quân sự ra thị trường thế giới, góp phần tăng thêm nguồn tài chính, tái đầu tư phát triển ngành CNQP, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…   Đối với Việt Nam, việc tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Indo Defence 2018 là cần thiết và là thời điểm phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Tuy vậy, tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm là một chuyện, còn có bán được sản phẩm hay không lại là chuyện khác. Để sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất tự tin vươn ra và từng bước trụ được trên thị trường thế giới, ngoài việc cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thủ tục pháp lý, điều tiên quyết hiện nay đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tổng cục CNQP là cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh về giá thành, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và chiến lược xúc tiến thương mại, trong đó có việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… một cách bài bản, chuyên nghiệp. Cùng với đó, muốn xuất khẩu vũ khí một cách bền vững, chính danh, nhất thiết phải làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng và thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại quân sự.

Trong phiên họp Ban Chỉ đạo nhà nước về xây dựng, phát triển CNQP, an ninh vào tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần đổi mới tư duy, giải pháp và cách thức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP, an ninh; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất... Sản phẩm CNQP, an ninh phải có tính cạnh tranh, đủ điều kiện xuất khẩu”. Với thông điệp rất rõ ràng, mang tầm chiến lược của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và xuất khẩu vũ khí “Made in Vietnam” nói riêng sẽ được đẩy mạnh và có bước tiến mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành CNQP Việt Nam ngày càng vững mạnh.

NHẤT NGÔN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: