CNQP&KT - Một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là công tác bảo đảm vũ khí trang bị cho chiến dịch.

Sau Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn; hàng chục tỉnh, thành phố, thị xã đã được giải phóng; gần một nửa binh lực quân Ngụy trên toàn miền Nam đã bị tiêu diệt và tan rã. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 23, Đảng ta đã nhận định: “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ đến nơi của ngụy”1. Vì vậy, ngay khi có tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngành Quân giới (nay là ngành Công nghiệp quốc phòng) đã nhanh chóng tổ chức hiệp đồng bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí trang bị cho các lực lượng trên chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Quân giới Quân khu 4 sửa chữa pháo trong kháng chiến chống Mỹ.      Ảnh: TL

45 năm đã trôi qua, song những bài học về công tác bảo đảm vũ khí trang bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, thực hiện tốt yêu cầu về thời cơ chiến lược, về phương châm, phương thức bảo đảm vũ khí trang bị cho tác chiến; tính chủ động và linh hoạt trong sử dụng lực lượng, phương tiện; sáng tạo trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo điều hành bảo đảm cho sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, Đảng ta sớm có chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm vũ khí trang bị, huy động tối đa các nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến dịch. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, đạn dược cho các chiến dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương và quần chúng nhân dân bảo đảm vũ khí, đạn dược, đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường miền Nam. Ngành Quân giới đã chủ động chỉ đạo các nhà máy quốc phòng sản xuất, sửa chữa kể cả sửa chữa trên chiến trường, bảo đảm vũ khí, đạn dược cho phù hợp với yêu cầu tác chiến. Ở Mặt trận Tây Nguyên tăng cường lực lượng và điều chỉnh thế bố trí các căn cứ hậu cần cánh Bắc, cánh giữa và cánh Nam bảo đảm cho các hướng tiến công. Các đơn vị bảo đảm vũ khí, đạn dược Quân khu Trị Thiên sáp nhập với hậu cần B5, triển khai ở 3 căn cứ: A Sầu, A Lưới và Ba Lòng. Hậu cần Quân khu 5 tăng cường lực lượng cho các căn cứ ở Đại Lộc, Bình Sơn, Hóc Đèn-Bắc Đường 19, Bình Định. Hậu cần Miền bổ sung lực lượng cho Quân khu 8, Quân khu 9; chấn chỉnh tổ chức, điều chỉnh thế bố trí thành 2 thê đội, kết hợp với các căn cứ hậu phương tại chỗ tạo thành thế trận bảo đảm vũ khí, đạn dược liên hoàn phục vụ chiến dịch. 

Đến tháng 4/1975, khối lượng đạn dược bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lên đến gần 60.000 tấn, trong đó 24.000 tấn vũ khí trang bị đã đến tay bộ đội.

Chúng ta đã xác định rõ nhiệm vụ, chủ động bảo đảm vũ khí, đạn dược trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, trong đó các công binh trạm Miền là nòng cốt. Thực hiện chủ trương vũ khí, đạn dược đi trước, ngay từ năm 1965, ta đã chuẩn bị các cơ sở bảo đảm, như các binh trạm của Đoàn 559 theo kế hoạch tác chiến trên từng tuyến đường, từng mặt trận (chiến dịch). Ngành Hậu cần kết hợp với ngành Quân giới đã từng bước tạo lập được thế trận và cơ sở vững chắc trên các chiến trường, nhất là chiến trường Nam Bộ - nơi xa hậu phương nhất; kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bảo đảm chiến lược với cơ sở Miền, các tỉnh và hậu cần nhân dân rộng khắp. Với khả năng bảo đảm liên tục, bền bỉ cho nhiều hướng tiến công, trên nhiều tỉnh, thành phố Nam Bộ, duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ đã làm kẻ thù bàng hoàng, sửng sốt và choáng váng.

Một yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại là ta đã tổ chức bố trí các binh trạm bảo đảm vũ khí, đạn dược phù hợp với loại hình tác chiến và cách đánh của từng lực lượng. Quá trình tác chiến sử dụng nhiều lực lượng với quy mô khác nhau, cách đánh cũng rất phong phú. Vì vậy, tổ chức và bảo đảm vũ khí, đạn dược cũng phải rất linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tác chiến của từng lực lượng, trên từng hướng, khu vực. Nhận thức rõ điều đó, cơ sở bảo đảm vũ khí, đạn dược Miền đã sớm chuẩn bị lực lượng, tạo thế bố trí hợp lý, kết hợp chặt chẽ với hậu cần các quân khu và tỉnh đội, hậu cần nhân dân, hình thành thế trận tại chỗ liên hoàn cơ động, vững chắc... có tiềm lực mạnh. Cuối tháng 3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân, với tổng quân số phải bảo đảm là hơn 30 vạn người. Để tiến hành chiến dịch, chúng ta phải cơ động các binh đoàn vào vị trí tập kết, bảo đảm nhu cầu vũ khí, đạn dược cho chiến dịch khoảng hơn 100 nghìn tấn... Trong khi đó, địa bàn mở chiến dịch ở xa hậu phương, thời gian chuẩn bị ngắn, yêu cầu bí mật cao. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã chủ động tổ chức điều chỉnh về lực lượng, thế trận, điều thêm cán bộ, thành lập các đơn vị cơ động cùng các binh trạm bảo đảm cấp phát, sửa chữa đạn dược phục vụ kịp thời cho chiến dịch.

Vận chuyển đạn ra trận địa.          Ảnh: TL

Để bổ sung vũ khí, đạn dược, ngành Quân giới, Kỹ thuật, Hậu cần và Đoàn 559 đã vận chuyển gấp từ hậu phương vào chiến trường được hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn. Nhờ đó, đã có 58.800 tấn vũ khí, đạn dược dự trữ, đảm bảo 95% nhu cầu tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, chúng ta đã chủ động xây dựng và phát huy vai trò quan trọng của căn cứ hậu phương trong bảo đảm vũ khí, đạn dược, kết hợp với hậu cần nhân dân tạo nguồn bảo đảm vũ khí trang bị. Kế thừa truyền thống trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, công tác bảo đảm vũ khí trang bị của ta đã có bước phát triển mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc bảo đảm vũ khí, đạn dược được thực hiện từ các căn cứ hậu phương tại chỗ của các tỉnh, thành phố trong thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt. Nhờ đó, công tác bảo đảm vũ khí, đạn dược vừa tạo nguồn bảo đảm cho lực lượng vũ trang địa phương, vừa tạo nguồn bảo đảm cho bộ đội chủ lực chiến đấu.

Công tác bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật chu đáo, kịp thời cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã làm cho hiệu quả tác chiến của các đơn vị luôn được phát huy cao nhất, góp phần cho chiến đấu thắng lợi.

 Để tạo nguồn vũ khí trang bị, các căn cứ hậu phương (xưởng sửa chữa vũ khí) khu vực cũng như các quân khu, tỉnh, vừa tổ chức sản xuất, sửa chữa tại chỗ, vừa chú trọng tổ chức hoạt động thu mua, tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ trong các đô thị, vùng vừa được giải phóng, vùng địch tạm chiếm bằng nhiều biện pháp linh hoạt, táo bạo, để dự trữ tại chỗ, giảm bớt được công sức vận chuyển từ xa tới. Từ thực tế chiến trường, ngành Quân giới cũng đã kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra phương châm trong chỉ đạo việc thu nhận vũ khí, đạn dược và vận chuyển, bảo quản, bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang. Chúng ta cũng đặc biệt chú trọng công tác vận tải bảo đảm vũ khí, đạn dược trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo công tác vận tải quân sự bảo đảm vũ khí, đạn dược cho chiến trường là công tác trung tâm của Quân đội ngay từ đầu cuộc chiến tranh. Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12/1965) chỉ rõ: “Để tăng cường chi viện miền Nam, vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm thông suốt giao thông, vận tải trên những đường chiến lược quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân ta phải khắc phục mọi khó khăn để giữ vững con đường chi viện cho miền Nam”2. Quán triệt tư tưởng của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức vận chuyển cơ giới bảo đảm vũ khí, đạn dược đưa vào chiến trường, góp phần chi viện ngày càng lớn cho các chiến trường với tư tưởng “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”. Vì vậy, cuối năm 1967, tuyến vận tải chiến lược đã vươn tới Nam Lào, nối thông với tuyến C4 ở Đông Bắc Campuchia và chi viện trực tiếp cho Nam Bộ. Để tiếp tục bảo đảm vũ khí trang bị cho chiến trường, Quân ủy Trung ương quyết định “đẩy mạnh hơn nữa vận tải cơ giới trên tuyến chi viện chiến lược, kéo dài thêm cung vận tải ô tô vào đến Chà Vằn để chuyển vũ khí, đạn dược cho Khu 5. Khối lượng vận chuyển mùa khô 1967-1968 giao cho Đoàn 559 là 60.650 tấn (trong đó giao cho chiến trường miền Nam 20.700 tấn, chiến trường Lào 6.300 tấn, bảo đảm cho bộ đội hành quân 5.650 tấn, cho nội bộ đoàn 28.000 tấn)”3. Nếu như năm 1970 đã vận chuyển 4 vạn tấn vũ khí, đạn dược, thì năm 1971 lên tới 6-8 vạn tấn. Từ năm 1973 - 1975, tuyến chi viện chiến lược hoàn toàn thông suốt, bảo đảm phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam.

Từ tháng 4/1975, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đã đến vị trí tập kết trên các hướng theo kế hoạch, khối lượng đạn dược bảo đảm cho chiến dịch lên đến gần 60.000 tấn, trong đó 24.000 tấn vũ khí trang bị đã đến tay bộ đội. Bộ Quốc phòng còn thành lập căn cứ hậu cần - kỹ thuật liên hợp ở Cam Ranh (Khánh Hòa) để thu gom, dồn dịch và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tính từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4/1975, ngành Quân giới, Kỹ thuật, Hậu cần đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, nhân viên, gần 3.000 lượt xe quân sự, cùng hơn 8.000 xe của Đoàn 559 và các địa phương tổ chức vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Có thể nói, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật chu đáo, kịp thời cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã làm cho hiệu quả tác chiến của các đơn vị luôn được phát huy cao nhất, góp phần cho chiến đấu thắng lợi. Những bài học về công tác bảo đảm vũ khí trang bị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa và phát triển, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại, bảo đảm nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại tá, PGS. TS KHQS TRẦN NAM CHUÂN

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng

 

_________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 23 (số 240-NQ/TW) ngày 25-12-1974.

 2. Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần QĐND Việt Nam, (1954- 1975), Nxb. QĐND, H, 2016, tr.333, 217.

 3. Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần: Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb QĐND, H, 2001, tr.599.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: