CNQP&KT - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có tư tưởng về kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đây là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh, quốc phòng vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của cha ông ta.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về kết hợp kinh tế với quốc phòng có thể khái quát trên những nội dung cơ bản sau:

Một là, mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng được cụ thể hóa ở mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa nhân dân với bộ đội.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng: Kinh tế và quốc phòng là những lĩnh vực khác nhau, vận động chịu sự chi phối của các quy luật khác nhau, song có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, kinh tế là yếu tố quyết định đến quốc phòng, quốc phòng tác động trở lại với kinh tế trên cả góc độ tích cực và tiêu cực. Để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong quá trình phát triển. Đây là tất yếu khách quan của các xã hội còn giai cấp, nhà nước, chiến tranh, quốc phòng.

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam thời chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, được thể hiện rõ ở mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa nhân dân với bộ đội. Trong đó, hậu phương là nơi quyết định đến tiền tuyến, tiền tuyến tác động trở lại với hậu phương. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh nuôi dưỡng bộ đội; bộ đội đánh giặc giữ nước tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế.

Hồ Chí Minh khẳng định: Hậu phương chính là nơi cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng... cho tiền tuyến. Trong bài “Hỏi và trả lời” (tháng 12/1946), Người viết: “Chiến sĩ hy sinh xương máu để giữ nước. Bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc. Làm ra thóc gạo cho chiến sĩ ăn, làm ra vải cho chiến sĩ mặc đều nhờ nơi đồng bào ở hậu phương”1...

“Phải giáo dục bộ đội giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, hạt gạo, không được để lãng phí”.

(Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Trong “Thư gửi cán bộ cung cấp” (tháng 9/1951), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hậu phương phải: “Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận, điều đó rất rõ ràng dễ hiểu”2.

Kinh tế giữ vai trò quyết định đối với quốc phòng và quốc phòng tác động trở lại đối với kinh tế. Sự tác động trở lại đó được Hồ Chí Minh chỉ rõ trong bài “Toàn dân kháng chiến” (tháng 11/1945): “Vì ngày nay một khi chiến tranh đã bùng nổ ở nơi nào, ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn khắp các nơi khác. Chẳng những thế, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến các ngành hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn xứ. Có thể nói tóm tắt là chiến tranh không những chỉ phát động trong địa hạt quân sự ở tiền phương mà còn phát động cả trong địa hạt ở hậu phương”3. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ vai trò to lớn của bộ đội trong đánh giặc, giữ nước, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trong thư gửi Hội nghị Thi đua ái quốc (tháng 6/1949), Người viết: “Bộ đội luôn lo đánh giặc và chịu hy sinh mọi bề, để cho nhân dân làm ăn yên ổn, vui mừng với gia đình. Nếu không có bộ đội đánh giặc, thì nhân dân sẽ bị nước mất, nhà tan”4.

 Kết hợp kinh tế với quốc phòng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đòi hỏi khách quan; phải thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng. Trong bài viết “Gửi gia nông Việt Nam” (tháng 12/1954), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác”5, phải “hợp tác” chặt chẽ với nhau, “thi đua” lẫn nhau nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Còn trong tác phẩm “Toàn dân kháng chiến” (tháng 11/1945), Người viết: “Muốn thắng quân địch, chỉ trông vào sức chiến đấu ở tiền phương thì chưa đủ..., muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng”6.

Hai là, mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng được cụ thể hóa trong mối quan hệ giữa kháng chiến với kiến quốc.

Theo Hồ Chí Minh, giữa kháng chiến và kiến quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lai, hỗ trợ lẫn nhau. Trong tác phẩm “Nhân tài và kiến quốc” (tháng 11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”7. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong chống Mỹ cứu nước sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu với sản xuất, vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất. Trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị phản công” (8/1949), Người không những chỉ ra sự cần thiết cũng như mối quan hệ giữa kháng chiến với kiến quốc mà còn chỉ rõ những biện pháp để đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công: “Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”8. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thi đua không phải “chỉ nhất thời” mà “thi đua là phải trường kỳ” và thi đua trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời đã chỉ ra rằng: “Về kinh tế, thì thi đua làm cho dân và quân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng để đánh giặc. Về quân sự, vệ quốc quân và dân quân du kích thì thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội. Các công xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt”9.

Bác Hồ cùng nhân dân tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tó, Đại Thanh, Hà Tây (năm 1958).  Ảnh: TL

Ba là, mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng được cụ thể ở việc sử dụng quân đội tham gia lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quân đội đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ba chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù đánh giặc cứu nước là nhiệm vụ chủ yếu, song, Quân đội còn phải tích cực tăng gia sản xuất để đáp ứng phần nào các nhu cầu của mình. Theo Hồ Chí Minh, đó là việc làm thiết thực để khắc phục sự bao vây, phong tỏa của kẻ thù đối với nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ; đồng thời, làm giảm bớt phần nào gánh nặng của nền kinh tế trong việc đáp ứng các yêu cầu của cuộc chiến tranh, thông qua việc thực hành tự cấp, tự túc đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (tháng 6/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia”10. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kêu gọi tiết kiệm trong Quân đội, vì “Quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải... là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần phải tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm”11.

“Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận, điều đó rất rõ ràng dễ hiểu”.

(Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, lương thực, vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, do vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, phải sử dụng hợp lý. Trong thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung cao cấp của Quân đội (tháng 5/1969), Người căn dặn: “Phải giáo dục bộ đội giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, hạt gạo, không được để lãng phí”12. Những năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn các cán bộ cao cấp của Quân đội: “Phải xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao. Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi, bảo vệ tốt miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chú ý tiết kiệm sức người và sức của, giữ gìn thật tốt vũ khí, trang bị. Bộ đội phải hết lòng giúp dân, tham gia củng cố hậu phương ta ngày càng vững mạnh”13.

Thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, hơn 75 năm qua, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, phát triển kinh tế tạo ra của cải để tự bảo đảm một phần lương thực, thực phẩm và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa hậu phương với tiền tuyến, nhân dân với bộ đội; kháng chiến với kiến quốc; quân đội tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những tư tưởng của Người vẫn giữ nguyên giá trị, được Đảng ta quán triệt và vận dụng đề ra đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong điều kiện, tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS.NGUYỄN TRỌNG XUÂN

Thiếu tá, ThS. LÊ DUY DŨNG

____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 3, 5, 7, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr.486, tr.96, tr. 114, tr. 99, tr. 536.

2. Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân, số 31, ngày 2/9/1951.

4. Sđd, tập 5, tr.649.

6. Hồ Chí Minh, Báo Cứu quốc, số 83, ngày 5/11/1945.

8. Hồ Chí Minh, Báo Sự thật, Thư gửi đồng bào cả nước về thi đua ái quốc, ngày 1/8/1949.

9. Hồ Chí Minh, Báo Sự thật, Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, số 116, ngày 1/8/1949.

 11, 12, 13. Hồ Chí Minh, Thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng, binh chủng, sư đoàn do Tổng cục Chính trị tổ chức họp, tháng 5/1969.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: