CNQP&KT - Hành trình 45 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế trải qua những biến động, thăng trầm, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tòa soạn đã nỗ lực phấn đấu, đóng góp công sức, trí tuệ để từng bước xây dựng Tạp chí thành cơ quan ngôn luận có uy tín của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) và Quân đội.

Xin được mở đầu bài viết này bằng một sự kiện liên quan đến công tác báo chí, tuyên truyền trong Quân đội. Đó là vào giữa năm 2017, lợi dụng những thông tin thiếu đầy đủ, bị cắt xén trên một vài tờ báo trong nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất điên cuồng chống phá, nhất là trên không gian mạng. Hùa theo, một số đài, báo nước ngoài đã đưa tin sai lệch, bịa đặt, suy diễn về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, trong đó có vấn đề Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Những thông tin xấu độc ấy ít nhiều đã tác động tiêu cực, gây nghi ngờ trong một bộ phận cán bộ, quần chúng nhân dân. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong toàn quân, đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đồng thời, có những bài viết khách quan, khoa học phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch.

Thời điểm ấy, cùng với các cơ quan báo chí khác trong Quân đội, Tạp chí CNQP và Kinh tế đã thực sự là mũi nhọn tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Trên các số tạp chí liên tục xuất hiện những bài viết chỉ đạo, định hướng của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục CNQP; những phân tích, luận giải sắc sảo của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia khẳng định tính đúng đắn, vai trò quan trọng của “Đội quân lao động sản xuất”. Ban biên tập đã tham mưu, đề xuất và được Hội đồng chỉ đạo Tạp chí cho phép xuất bản Số đặc biệt với chủ đề “Kết hợp quốc phòng với kinh tế ở doanh nghiệp quốc phòng”, nội dung không chỉ tuyên truyền về những thành tựu trong lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, mà còn đưa ra những luận cứ khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định tính tất yếu về nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đặc biệt, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó, Tạp chí CNQP và Kinh tế là cơ quan ngôn luận duy nhất trong Quân đội có tác phẩm báo chí được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chọn làm tài liệu học tập chính trị, phổ biến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân. Đó là bài viết “Quân đội tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đăng trên chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” Tạp chí CNQP và Kinh tế số 1 năm 2017. Bài viết đã được một số cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội xin phép khai thác, sử dụng và lan tỏa trên không gian mạng, tạo hiệu ứng tốt với bạn đọc, góp phần “dẹp yên” những thông tin phản động, tiêu cực, trái chiều... Với thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, năm 2017, Ban biên tập đã được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Tạp chí CNQP và Kinh tế, chúc mừng Ban biên tập Tạp chí nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).  Ảnh: MINH TUẤN

Vậy “sự kiện truyền thông 2017” với sự tham gia tích cực của Tạp chí CNQP và Kinh tế nói lên điều gì?

Chắc hẳn đó là sự khẳng định: Báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin tức thời, mà còn có vai trò định hướng dư luận, giúp người đọc thay đổi cách nghĩ, cách làm qua những bài phân tích, luận giải sắc bén, khoa học. Trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay, các vấn đề, sự kiện có khi làm người đọc nhiễu loạn, mất phương hướng. Vì vậy, những bài phân tích chuyên sâu chính là một thế mạnh của các tạp chí - được minh chứng bằng các bài chuyên luận trên Tạp chí CNQP và Kinh tế “thời điểm 2017” mà tiêu biểu là bài viết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa đề cập ở trên.

Vinh dự nằm trong đội hình của nền báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí Quân đội, những năm qua, Tạp chí CNQP và Kinh tế đã và đang khẳng định uy tín, vị thế và chất lượng nghiên cứu, luận bàn, trao đổi trên mỗi số; kịp thời chuyển tải thông tin chuyên ngành, phổ biến kinh nghiệm, làm rõ những vấn đề của thực tiễn mà bạn đọc quan tâm. Đó là điều mà các “tin tức thông thường” không thể đáp ứng được, và đó cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa báo và tạp chí.  

5 năm qua, Tạp chí đã phối hợp với các doanh nghiệp tham gia tốt hoạt động xã hội, như: Tặng 1 phòng máy tính, hàng trăm suất quà, hàng nghìn ấn phẩm (sách, báo, tạp chí); hàng nghìn đôi xăng-đan cho học sinh các mầm non, trường tiểu học và trung học sơ sở ở Hà Nội, Ninh Bình, Yên Bái, góp phần vào "sự nghiệp trồng người” tại các địa phương.  

Một điều hết sức đặc biệt, trong đội hình báo chí Quân đội, có lẽ Tạp chí CNQP và Kinh tế là một trong số ít cơ quan có sự hiện hữu của 4 loại hình ấn phẩm qua các thời kỳ (gồm tờ tin, báo, thông tin, tạp chí). Mở đầu là tờ tin Kỹ thuật ra đời sau khi có Quyết định số 42/QĐ ngày 4/8/1975 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đây cũng chính là dấu mốc đầu tiên, được lấy làm ngày truyền thống của Tạp chí, là cơ sở pháp lý khẳng định “tiếng nói” của một ngành quan trọng trong Quân đội. Sau gần 6 năm, thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí của trên, tháng 6/1980, tờ tin Kỹ thuật kết thúc “sứ mệnh lịch sử” với hàng trăm số phát hành, hàng nghìn tin, bài, hàng vạn bản in phục vụ các đơn vị trong toàn quân. Gần 4 năm sau, ngày 4/7/1984, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (nay là Tổng cục CNQP) ký Quyết định số 236/QĐ-KT thành lập Tòa soạn báo Kỹ thuật quốc phòng, từ thời điểm này, ngành CNQP lại có cơ quan ngôn luận, hoạt động theo quy chế quản lý báo chí của Nhà nước. Nhưng rồi, chỉ sau 4 năm, vào cuối năm 1988, báo Kỹ thuật quốc phòng lại dừng hoạt động do Bộ Quốc phòng tiến hành cơ cấu lại các Tổng cục trực thuộc Bộ. Sau khi Tổng cục CNQP và Kinh tế (nay là Tổng cục CNQP) ra đời, ngày 5/3/1990, Tổng cục Chính trị đã có Công văn số 96/CV-CT cho phép xuất bản tờ Thông tin CNQP và Kinh tế. Hơn hai năm sau, vào ngày 14/11/1992, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ký ban hành Quyết định số 372/QĐ-CT cho phép “nâng cấp” tờ Thông tin thành Tạp chí CNQP và Kinh tế như hiện nay. Có thể nói, trong hành trình 45 năm, hoạt động báo chí ở Tổng cục Kỹ thuật trước đây và Tổng cục CNQP hiện nay, đã trải qua nhiều trắc trở do thay đổi về cơ chế quản lý, tên ấn phẩm, đối tượng phục vụ, phạm vi phát hành... Mỗi lần thay đổi, biến động là một lần khó khăn, thách thức, nhưng đó cũng là dịp để các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên khẳng định phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh và năng lực chuyên môn, tạo nên những nấc thang mới trong xây dựng tòa soạn, từng bước phát triển có chất lượng cả nội dung và hình thức.

Họp Hội đồng chỉ đạo Tạp chí CNQP và Kinh tế (tháng 2/2020). Ảnh: TUẤN MINH

Tạp chí CNQP và Kinh tế là tờ tạp chí chuyên ngành ra đời sớm và xác lập được “thương hiệu” trong đội hình báo chí Quân đội. Tạp chí có chức năng, nhiệm vụ: Tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế của Quân đội; nghiên cứu trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn; phổ biến kiến thức và kinh nghiệm trong các hoạt động khoa học công nghệ, quản lý kinh tế, CTĐ-CTCT ở các doanh nghiệp quân đội và các đơn vị trong ngành CNQP; thông tin, giới thiệu những thành tựu mới về khoa học công nghệ quân sự ở trong nước và thế giới; phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ những nhân tố điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học và xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội...

Những năm qua, Tạp chí luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát chủ trương, định hướng tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP và Hội đồng Chỉ đạo Tạp chí. Nhờ đó, công tác tuyên truyền trên Tạp chí luôn đúng định hướng, thiết thực, hữu ích, không để xảy ra sai sót thông tin, lộ lọt bí mật quân sự, tạo được ấn tượng tốt đối với bạn đọc. Hiện, trên mỗi số xuất hiện đều đặn 15 chuyên mục, gồm 4 nhóm nội dung: Nhóm bài định hướng, chỉ đạo, học tập, nghiên cứu; nhóm bài tổng kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm, phản ánh đa chiều các vấn đề; nhóm bài thông tin tham khảo, phổ biến giáo dục pháp luật, công bố các công trình khoa học, giới thiệu sản phẩm, đề tài, sáng kiến; nhóm bài giáo dục truyền thống, văn hóa, khám phá, giải trí. Trên mỗi số tạp chí, Ban biên tập luôn bảo đảm tính cân đối về cơ cấu bài chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, với hệ bài nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, phản ánh thực tiễn; thông tin tham khảo... Mỗi chuyên mục đều có chức năng phù hợp, có sắc thái riêng, phù hợp với nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Các bài viết luôn bám sát thực tiễn hoạt động của Tổng cục CNQP cũng như các đơn vị xây dựng kinh tế trong toàn quân, phát hiện những vấn đề bất cập, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên và người lao động; kiến nghị, đề xuất, truyền tải tiếng nói từ cơ sở, giúp cho lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục có thêm thông tin, từ đó, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Tạp chí đã làm tốt vai trò là tiếng nói, là diễn đàn tin cậy của ngành CNQP. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Tạp chí đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Tổng cục CNQP nói riêng, cho xây dựng nền CNQP Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và nhân dân đối với chủ trương, đường lối, định hướng quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền CNQP và nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế đã được tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010 và 2020); Bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2015, 2017, 2019); Bằng khen của Tổng cục Chính trị (năm 2017, 2018, 2019); nhiều Bằng khen của Tổng cục CNQP; nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Bằng khen tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc và Liên hoan Truyền hình toàn quân.

Trước sự phát triển của các loại hình báo chí, sự cạnh tranh về đối tượng độc giả, khả năng thu hút cộng tác viên… đặt ra cho mỗi tòa soạn cần phải có sự đổi mới, thích nghi, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức ấn phẩm. Ban biên tập Tạp chí CNQP và Kinh tế nhận thức rõ vấn đề này, vì vậy, đã thực hiện đổi mới quy trình làm báo hiện đại, từng bước hình thành “Tòa soạn điện tử”, ứng dụng công nghệ trong quản lý ấn phẩm, trong biên tập, tra cứu, hiệu đính bản thảo; đồng thời, sử dụng mạng LAN, mạng truyền số liệu quân sự và mạng internet trong tác nghiệp, truyền tải thông tin, quản lý tư liệu, hình ảnh... Đặc biệt, được sự cho phép của trên, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ngày 23/12/2015, Trang điện tử của Tạp chí CNQP và Kinh tế chính thức đi vào hoạt động trên mạng truyền số liệu quân sự. Tiếp đó, ngày 27/2/2019, Trang điện tử của Tạp chí (Tạp chí CNQP và Kinh tế online) tại địa chỉ www.tapchi.vdi.org.vn chính thức đi vào hoạt động trên mạng internet, trở thành kênh thông tin hữu ích mới của Tổng cục CNQP. Hiện nay, ngoài việc bảo đảm các nội dung trên hai trang điện tử, các phóng viên, biên tập viên của Tạp chí còn tích cực, chủ động bám nắm hoạt động của Tổng cục cung cấp khoảng 80% tin, bài ảnh trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục (trên mạng truyền số liệu quân sự) và Website của Tổng cục (trên mạng internet).

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng trước xu thế phát triển của báo chí hiện đại, mục tiêu xuyên suốt mà Ban biên tập xác định trong thời gian tới là không ngừng đổi mới, phát triển cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và có uy tín; bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, định hướng; nội dung, hình thức phong phú, ấn tượng; luôn nằm trong tốp đầu của báo chí Quân đội. Cùng với xuất bản các số tạp chí in, Ban biên tập coi trọng xây dựng phát triển Trang Tạp chí điện tử, trở thành kênh thông tin cập nhật, hấp dẫn, dễ tìm, dễ đọc, đáng tin cậy trong Quân đội. Để thực hiện mục tiêu đó, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nghị quyết của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân đội và Tổng cục CNQP, định hướng của Hội đồng chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan quản lý báo chí cấp trên để xây dựng nội dung tuyên truyền trên các ấn phẩm của tạp chí một cách phù hợp. Đồng thời, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của phóng viên, biên tập viên, với tác phong làm việc chính quy, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Tăng cường củng cố, xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở trong và ngoài Quân đội, nhất là các cơ quan Bộ Quốc phòng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Tổng cục CNQP trong tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

Tròn 45 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập, Tạp chí CNQP và Kinh tế đã và đang tạo được dấu ấn riêng trong đội hình các cơ quan báo chí Quân đội. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên hôm nay nguyện tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, xây dựng tạp chí ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và có uy tín hàng đầu trong Quân đội.

Đại tá, Nhà báo LÊ THIẾT HÙNG

Tổng biên tập Tạp chí CNQP và Kinh tế

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: