CNQP&KT - Để các doanh nghiệp cổ phần hóa vận hành đúng định hướng của Đảng, việc phân phối lợi nhuận theo nguyên lý đồng sở hữu trong các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là “chìa khóa vàng” để làm nổi bật tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016-2020), quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mạnh mẽ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã và đang chứng tỏ những bước đi đúng đắn, tích cực, qua đó góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người lao động, từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, để các doanh nghiệp cổ phần hóa vận hành đúng định hướng của Đảng, việc phân phối lợi nhuận theo nguyên lý đồng sở hữu trong các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là “chìa khóa vàng” để làm nổi bật tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tại Khoản 1, Mục I “Tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng”, tiếp tục xác định rõ, nền kinh tế nước ta là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu. Đường lối, chủ trương đúng đắn đó đã đem lại những thành quả tốt đẹp về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cũng đã bộc lộ một số vấn đề nổi cộm, nhất là mức thu nhập giữa chủ doanh nghiệp và người lao động có sự chênh lệch và đang xuất hiện những khoảng cách ngày càng lớn. Vì thế, ở nội dung này, Dự thảo Báo cáo chính trị cần chỉ rõ thêm “nền kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo nguyên lý sở hữu xã hội chủ nghĩa”.

“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

(Nguồn:Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng”)

Cần phải nhấn mạnh rằng, định hướng XHCN và nguyên lý sở hữu XHCN là hai phạm trù triết học. Trên nền tảng lý luận của Mác, Ăng ghen, nguyên lý sở hữu XHCN trong doanh nghiệp là tài sản (máy móc) được sử dụng chung, vốn (tiền tệ) mua sắm máy móc do các cá nhân góp lại. Thành quả lao động được phân phối theo sự thỏa thuận chung, tức là người lao động có quyền lực trong việc phân phối thành quả lao động chân chính của mình, theo nguyên lý đồng sở hữu; tập thể người lao động (bao gồm cả ban lãnh đạo doanh nghiệp) thỏa thuận chung trong nguyên tắc trả lương và phân phối lợi nhuận, từ đó xóa bỏ hiện tượng bóc lột trong sản xuất.

Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng tổ chức phiên họp lần thứ hai dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.  Ảnh: CTV

Việc xóa bỏ bóc lột trong sản xuất là biểu hiện cao nhất tính ưu việt của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nếu xa rời mục tiêu này, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ bị chệch hướng. Vì thế, phải coi việc phân phối thành quả của người lao động theo hình thức đồng sở hữu là "cốt lõi" đảm bảo cho kinh tế thị trường định hướng XHCN vận hành theo đúng đường lối.

Mô hình vận hành tài chính doanh nghiệp, theo học thuyết Mác, là T-H-T+m (trong đó “T” là tiền, “H” là hàng, “m” là giá trị thặng dư); sau khi nộp thuế và các khoản tài chính theo quy định chung một khoản “m1”, thì khoản dư ra còn lại là “m2”. Ở các doanh nghiệp tư bản, toàn bộ khoản “m2” sẽ vào túi các nhà tư sản, giúp họ tái sản xuất mở rộng để tăng thêm lợi nhuận và thụ hưởng cuộc sống cá nhân.

Còn theo mô hình đồng sở hữu, phần đem chia cho người lao động bao gồm hai phần: Phần tiền lương (nằm trong T) và phần giá trị thặng dư còn lại (m2). Như vậy, người lao động cũng được chia phần trong nguồn vốn tái sản xuất mở rộng và có quyền tự quyết số tiền tiếp tục đầu tư góp vốn cổ phần cho kỳ kế hoạch sau. Việc phân phối này phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động, cả về tiền lương và lợi nhuận; sẽ không tạo ra khoảng cách quá lớn giữa thu nhập chủ doanh nghiệp và người lao động, khác hẳn với nguyên tắc phân phối của các doanh nghiệp tư bản. Đồng thời, nguyên tắc phân phối đồng sở hữu cũng loại trừ mô hình sở hữu công cộng kiểu cũ, giá trị thặng dư (sau khi khấu trừ) được đưa vào tài sản sở hữu công cộng, một hình thức sở hữu mơ hồ, vô chủ, đã từng gây ra nghịch lý cho xã hội XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu trước đây, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của một mô hình nhà nước XHCN…

Nhà nước cần có những điều chỉnh tích cực bằng việc xây dựng các chế tài pháp lý phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp cổ phần hóa trong việc phân phối lợi nhuận cho người lao động theo hình thức đồng sở hữu, càng sớm càng tốt.

Ở những nước tư bản, các công ty cổ phần thường dùng hình thức cưỡng bức công nhân mua cổ phiếu, trả tiền thưởng bằng cổ phiếu nhưng lại không phân phối lợi nhuận cho người lao động theo hình thức đồng sở hữu. Thủ đoạn này nhằm mục đích buộc người công nhân không dám bãi công để phản đối những chính sách bất lợi cho mình, từ đó làm cho mức độ chênh lệch giàu nghèo ngày càng khó kiểm soát, khống chế, mức độ bóc lột ngày càng trầm trọng, tới một lúc nào đó, xung đột lợi ích sẽ gây nên sự bất ổn, khủng hoảng trầm trọng trong xã hội.

Đối với Việt Nam, do thiếu kinh nghiệm nên quá trình cổ phần hóa trước đây đã để không ít tài sản của Nhà nước rơi vào túi tư nhân một cách hợp pháp. Nếu không kịp thời điều chỉnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phân phối lợi nhuận sẽ dần dần hình thành một lớp “tư bản mới”. Với nguồn tài sản kếch xù, lớp “tư bản mới” này có thể trở thành những nhà tài phiệt, từng bước thao túng nền kinh tế, tạo ảnh hưởng lớn đối với xã hội, thậm chí can thiệp vào những quyết sách ở tầm vĩ mô nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích. Nguy hại hơn, từ sự lũng đoạn về kinh tế, có thể tác động, ảnh hưởng tới thể chế chính trị và sự an nguy của chế độ XHCN… Vì vậy, Nhà nước cần có những điều chỉnh tích cực bằng việc xây dựng các chế tài pháp lý phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp cổ phần hóa trong việc phân phối lợi nhuận cho người lao động theo hình thức đồng sở hữu, càng sớm càng tốt. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế có cơ hội phát triển bền vững và tích cực khuyến khích mô hình hợp tác xã tự nguyện. Áp dụng nguyên tắc đồng sở hữu trong việc phân phối lợi nhuận cho người lao động nhằm xóa bỏ những bất công, bất bình đẳng là vấn đề có tính cốt yếu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, để tránh tình trạng tài sản công bị “tư nhân hóa”, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp làm giàu bất chính, cấu trúc tài sản nhà nước cần được “bóc tách” theo các nội dung sau đây:

Thứ nhất, cần xác định rõ tổng số vốn của nhà nước đã đầu tư cho doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.

Thứ hai, xác định giá trị thặng dư tích lũy (m2) của những người lao động đã nghỉ hưu. Vốn này gộp vào vốn cổ phần của Nhà nước, vì khó trả lại cho họ.

Thứ ba, xác định giá trị thặng dư tích lũy của những người hiện đang lao động. Vốn này cần được bóc tách và phân phối lại cho người lao động theo công thức của nguyên lý đồng sở hữu. Vốn phân phối này thuộc quyền người lao động, là tài sản riêng, họ có đóng vào cổ phần hay không là quyền quyết định của họ, đương nhiên có cả ban lãnh đạo doanh nghiệp. Quá trình định giá tài sản cần công khai minh bạch, có sự tham gia, giám sát của người lao động. Phương thức phân phối tài sản nói trong điểm này cần thông qua hội nghị của người lao động để quyết định, bảo đảm sự đồng thuận rộng rãi.

Thứ tư, cần quy định tỷ lệ hợp lý giá trị vốn đóng cổ phần giữa ban lãnh đạo và người lao động bình thường, tránh tình trạng chênh lệch thu nhập quá lớn khi phân phối lợi nhuận, có thể trong đó ẩn giấu những yếu tố không minh bạch trong giai đoạn tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình phân phối lợi nhuận bóc tách, nên quy định các tỷ lệ hợp lý. Ví dụ, giá trị lợi nhuận của ban lãnh đạo, cao nhất không quá ba lần bình quân của người lao động.

Trong Khoản 1, Mục IV: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của “Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng” xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế liên quan chặt chẽ với nhau, hợp thành nền kinh tế quốc dân thống nhất, trong đó “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Muốn Nhà nước giữ được vai trò chủ đạo nền kinh tế như văn kiện đã nêu, thì một điều tất yếu và rất quan trọng là cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Nhà nước góp vốn giữ vai trò điều hành, đồng thời bằng hệ thống cơ sở pháp lý đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Ở đây, vấn đề lựa chọn bộ máy nhân sự và áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (mà điển hình là công nghệ số) vào công tác quản lý có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó quyết định việc tăng trưởng hay suy thoái của doanh nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng hay suy thoái nền kinh tế; từ đó làm cơ sở quan trọng tiến tới xây dựng xã hội số công khai, minh bạch, ngăn chặn thất thoát nguồn ngân sách quốc gia.

Trong điều kiện hiện nay, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng khá quan trọng, có tác dụng tạo việc làm, nâng cao đời sống của người lao động và có ý nghĩa chính trị nhất định. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì yêu cầu thu nhập của người lao động không được thấp hơn mức thu nhập cao nhất của doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề; đề cao vai trò của tổ chức công đoàn để kịp thời điều phối mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ này tới các cơ quan chức năng để có những điều chỉnh thích hợp. Đồng thời, cần có quy định hợp lý về cơ cấu lao động để tránh tình trạng bộ máy quản lý và công nhân lao động trong doanh nghiệp đa số là người nước ngoài, chúng ta dễ bị mất quyền kiểm soát về nguồn thuế cũng như quy trình tuân thủ sản xuất theo pháp luật, dẫn đến thất thu ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và an ninh quốc gia.

Đại tá NGUYỄN TÙNG UYÊN& Trung tá NGUYỄN MINH NGUYỆT

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: