CNQP&KT - Bun-ga-ri là quốc gia có thế mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và công nghiệp quốc phòng (CNQP). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ngành CNQP nước này trở nên tụt hậu so với các nước trong khu vực khiến Chính phủ phải thực thi nhiều biện pháp nhằm cải tổ, vực dậy và phát triển ngành CNQP.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Vị trí địa lý là một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của ngành CNQP Bun-ga-ri, một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam châu Âu. Thời kỳ cận đại, đây được coi là “chảo lửa” chiến tranh với những cuộc chiến mở rộng lãnh thổ của đế quốc Bun-ga-ri ra khắp vùng Ban-căng và Xla-đi-vơ; sau đó là công cuộc đô hộ của đế quốc Ốt-tô-man đối với đế quốc Bun-ga-ri trong gần 5 thế kỷ. Việc đi xâm chiếm và bị đô hộ đã dẫn đến việc ngành CNQP quốc gia này phát triển để thích ứng với thực tiễn lịch sử. Năm 1878, doanh nghiệp CNQP đầu tiên của Bun-ga-ri mang tên Arsenal chính thức ra đời với nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa, thay thế linh kiện cho các đơn vị pháo binh. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939 - 1945), với sự ủng hộ to lớn của Liên Xô cùng với nội lực vươn lên, nền CNQP Bun-ga-ri đã tạo dựng được chỗ đứng khá vững chắc trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, chủ thể sở hữu, quản lý và điều hành các công ty CNQP tại Bun-ga-ri đều thuộc về nhà nước.

Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sử dụng xe bọc thép MT-LB do Bun-ga-ri sản xuất.    Ảnh: Internet

Giai đoạn 1991 - 2011, được coi là dấu mốc chuyển đổi mô hình sở hữu. Năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở khu vực Đông Âu sụp đổ, Bun-ga-ri chuyển đổi chế độ chính trị từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội, nền CNQP Bun-ga-ri cũng rơi vào khủng hoảng, buộc nước này phải cải tổ hệ thống CNQP sang cơ chế vận hành mới. Kết quả là, trong giai đoạn 1991 - 1999, hầu hết các doanh nghiệp CNQP của Bun-ga-ri được chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, sở hữu tư nhân, tự hạch toán kinh doanh, kéo theo hàng loạt cơ sở CNQP tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn hoặc bị giải thể.

Giai đoạn 2007 - 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Bun-ga-ri đạt gần 1 tỷ EURO, chủ yếu được xuất khẩu sang nhiều nước như: I-rắc, Ấn Độ, An-giê-ri, Mỹ, Áp-ga-ni-xtan, Ai Cập, Y-ê-men, Xéc-bi-a, Gru-di-a và Cộng hòa Séc...

Trước thực trạng đó, năm 2004, một số doanh nghiệp CNQP đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý thành lập Hiệp hội CNQP Bun-ga-ri, với mục đích tạo “tiếng nói chung” về các vấn đề: Chính sách nhà nước trong hiện đại hóa quân đội và đổi mới CNQP; hỗ trợ thủ tục mua sắm, cung cấp kinh phí cho quốc phòng - an ninh; nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ quân sự; thiết lập mối liên hệ và hợp tác với các hiệp hội tương tự trong và ngoài nước; nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chế tạo của các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh... 

Sau những nỗ lực của Hiệp hội CNQP Bun-ga-ri, cùng với việc Bun-ga-ri gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương  - NATO (năm 2004) và Liên minh châu Âu - EU (năm 2007), nền CNQP nước này có những thay đổi đáng kể. Sau năm 2007, một lượng lớn đầu tư nước ngoài đổ vào Bun-ga-ri, đã khiến ngành CNQP khởi sắc. Giai đoạn 2007 - 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Bun-ga-ri đạt gần 1 tỷ EURO. Các sản phẩm vũ khí của Bun-ga-ri đã được xuất khẩu sang nhiều nước như: I-rắc, Ấn Độ, An-giê-ri, Mỹ, Áp-ga-ni-xtan, Ai Cập, Y-ê-men, Xéc-bi-a, Gru-di-a và Cộng hòa Séc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bun-ga-ri là ngòi nổ và cơ điện tử, các loại bom, đạn, ngư lôi, tên lửa, thuốc phóng, súng nòng trơn cỡ nhỏ hơn 20mm, súng tự động cỡ nòng 12,7mm, khí tài quang học, các cấu kiện quang cơ và quang điện tử trong y tế, đèn nội soi, kính hiển vi, thiết bị kiểm tra tế bào trứng, các loại máy đúc, nén, phay công nghệ cao. Doanh nghiệp sản xuất hàng quốc phòng tiêu biểu giai đoạn này của Bun-ga-ri là OPTIX, chuyên nghiên cứu sản xuất các trang bị, khí tài quang học.

Binh sĩ Bun-ga-ri sử dụng súng phóng lựu ATGL-L do Tập đoàn Arsenal AD sản xuất.   Ảnh: Internet

Tuy vậy, sau năm 2011, tình hình bất ổn trên thị trường tài chính đã khiến ngành CNQP Bun-ga-ri phải đối mặt với nhiều thách thức, như: thiếu sự định hướng và bảo hộ của Nhà nước; thiếu vốn đầu tư và lực lượng lao động khoa học - kỹ thuật được đào tạo cơ bản, thậm chí cả lực lượng lãnh đạo kế cận, khó khăn trong tìm kiếm đối tác để xuất khẩu vũ khí và hợp tác nghiên cứu phát triển... Điều này đã buộc các doanh nghiệp CNQP Bun-ga-ri phải tự nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng; đồng thời, kiên trì bám trụ, tự nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị cho quân đội theo tiêu chuẩn NATO. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong giai đoạn này là Arsenal, VMZ, OPTIX, Viện Kim loại/Viện Hàn lâm khoa học Bun-ga-ri...

Chiến lược phát triển CNQP của Bun-ga-ri xác định kinh phí đảm bảo cho việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển quốc phòng cần phải được duy trì ở mức 2% ngân sách quốc phòng.

Với sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Đại Tây Dương Bun-ga-ri, các doanh nghiệp quốc phòng Bun-ga-ri tổ chức lại hiệp hội của mình với tên gọi mới là Câu lạc bộ CNQP Bun-ga-ri. Câu lạc bộ này đã tổ chức các cuộc hội thảo, nhằm tạo ra tiếng nói pháp lý đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách phát triển nền CNQP Bun-ga-ri, chỉ rõ 6 khó khăn, thách thức của CNQP Bun-ga-ri: Đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng thu nhập quốc nội (GDP); thiếu hụt nguồn đầu tư và việc cắt giảm liên tục ngân sách quốc phòng đã dẫn tới đóng cửa nhiều cơ sở CNQP quan trọng; việc loại bỏ cơ chế quản lý tập trung đã dẫn tới sự thiếu ổn định, tạo ra những ràng buộc phức tạp và chồng chéo trong nghiên cứu, phát triển; hiệu quả thấp trong các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ quốc phòng, an ninh; sự khan hiếm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận, đội ngũ các nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ quốc phòng; tình trạng chậm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật trong các cơ sở CNQP do hầu hết được xây dựng từ thời Liên Xô cũ.

Binh sĩ Áp-ga-ni-xtan sử dụng súng AR-M1 do Bun-ga-ri sản xuất.    Ảnh: Internet

CHÍNH SÁCH CẢI TỔ

Năm 2015, Chính phủ Bun-ga-ri đã xây dựng Chương trình Phát triển năng lực quốc phòng cho các lực lượng vũ trang Cộng hòa Bun-ga-ri đến năm 2020. Đây được coi là một văn kiện chiến lược quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho CNQP Bun-ga-ri, với một số nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển CNQP. Tháng 12/2015, Bộ Quốc phòng Bun-ga-ri đã công bố Chiến lược Nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nội dung của chiến lược này dựa trên các mục tiêu chung của chính sách phát triển trong khuôn khổ chương trình EU về cải cách, nghiên cứu khoa học Horizon 2020, được hình thành trên nền tảng của một loạt chiến lược phát triển quốc gia và khu vực của Bun-ga-ri, như: Chính sách An ninh và đối ngoại chung (CFSP) châu Âu; Chiến lược Tăng trưởng thông minh, bền vững và toàn diện - EROPE 2020; Chính sách An ninh và quốc phòng chung (CSDP) châu Âu; Chiến lược Nghiên cứu quốc phòng và công nghệ châu Âu (EDRT); Chiến lược Hợp tác vũ khí châu Âu (EAC)...

Thứ hai, thúc đẩy các mục tiêu cụ thể và ưu tiên. Các mục tiêu mà chương trình này hướng tới, gồm: nghiên cứu các công nghệ tiên tiến; chi tiêu hiệu quả các nguồn kinh phí; triển khai hiệu quả việc chuyển đổi nghiên cứu khoa học - công nghệ có tính hệ thống, phù hợp với năng lực hoạt động mới; tập trung đầu tư các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, cảm biến, ra-đa và dẫn đường, công nghệ hạt nhân, hóa học, sinh học, chống bức xạ và bảo vệ sinh thái... Các mục tiêu ưu tiên gồm có: đảm bảo nguồn tài chính ổn định; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực mới; xây dựng đội ngũ kế tiếp về nhân lực chất lượng cao; tăng cường khả năng cạnh tranh lành mạnh dựa trên nền tảng kiến thức và kỹ năng; thúc đẩy hợp tác sản xuất vũ khí với các nước châu Âu; củng cố và tăng cường năng lực toàn diện cho các cơ sở CNQP, nhằm tạo ra các sản phẩm quốc phòng có tính cạnh tranh quốc tế... Chiến lược phát triển CNQP của Bun-ga-ri còn xác định, kinh phí đảm bảo cho việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển quốc phòng cần phải được duy trì ở mức 2% ngân sách quốc phòng (trong điều kiện hiện tại) và 20% trong số đó dùng cho nghiên cứu và phát triển các dự án của Cơ quan Nghiên cứu và phát triển của châu Âu.

Thứ ba, nâng cao năng lực hoạch định chiến lược và tổ chức thực hiện. Chiến lược phát triển CNQP được phân thành 2 giai đoạn: Xây dựng kế hoạch (tập trung xây dựng lộ trình đầu tư, định hướng, giám sát việc nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong từng lĩnh vực, đáp ứng các mục tiêu chiến lược và phù hợp với chương trình chung; lập chương trình (phân tích toàn diện các lĩnh vực cụ thể, xác định các mục tiêu ưu tiên và giải pháp thực hiện cùng với các khoản đầu tư, kết quả của giai đoạn này là phải xây dựng được một chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học - công nghệ về quốc phòng - an ninh).

Có thể thấy, với một nền tảng sẵn có cùng với những chính sách cải tổ của Chính phủ, ngành CNQP Bun-ga-ri đang kỳ vọng sự bứt phá vươn lên trong thời gian tới.   

ĐOÀN HÙNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: