CNQP&KT - Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011 - 2020, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; quốc phòng, an ninh (QP-AN) được củng cố. Giai đoạn 2021-2030, trên nền tảng những kết quả đã đạt được, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện thắng lợi việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) của Đảng trình Đại hội XIII đã đánh giá thành tựu, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN và hoạt động đối ngoại giai đoạn 2021-2030.

Dự thảo khẳng định: “Kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm QP-AN ngày càng chặt chẽ; thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế, tạo tiềm lực cơ sở vật chất góp phần tăng cường QP-AN. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các khu kinh tế - quốc phòng tham gia phát triển KT-XH ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, kết hợp với tăng cường củng cố QP-AN, đối ngoại. Công nghiệp quốc phòng, an ninh từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”1. Dự thảo cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là: “Sự gắn kết giữa phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế về mục tiêu, nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế với QP-AN chưa đầy đủ, sâu sắc; còn biểu hiện chủ quan, thiếu cảnh giác, nặng về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhẹ về nhiệm vụ QP-AN. Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN còn chậm, chưa toàn diện, có lĩnh vực còn bất cập, chưa đủ mạnh”2. Nguyên nhân của hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có thể nói, đánh giá trong dự thảo rất sát thực tế, đã quán triệt được quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) đã xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước phù hợp với tình hình, điều kiện trong nước và quốc tế. Quan điểm 5 trong Chiến lược chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố QP-AN, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”3. Theo quan điểm này thì vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng phải được diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại. Nếu như trước đây việc kết hợp kinh tế với quốc phòng được xác định trên 6 nội dung thì hiện nay còn thêm nội dung thứ 7 là bảo vệ môi trường. Tư duy của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN đã có sự phát triển mới, mở rộng và toàn diện hơn. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là “thường xuyên, trọng yếu” mà còn là một nội dung, là nội hàm của phát triển nhanh và bền vững. Sự bổ sung này phù hợp với tình hình, khi mà vấn đề biến đổi khí hậu, sự xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường sinh thái… ngày càng trầm trọng. Mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng được cụ thể hóa trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, bảo vệ môi trường và đối ngoại. Các lĩnh vực này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, sự phát triển của lĩnh vực này là điều kiện, tiền đề cho lĩnh vực khác và ngược lại, trong đó, kinh tế là yếu tố quyết định đến các lĩnh vực khác, các lĩnh vực khác tác động trở lại kinh tế. Do vậy, để thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường, củng cố QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại giai đoạn 2021 - 2030, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường, củng cố QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ảnh: CTV

Đối tượng để nâng cao nhận thức là toàn dân, mà trước hết là cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, nhất là vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Linh hoạt, chủ động, sáng tạo về hình thức giáo dục, trong đó đặc biệt coi trọng hình thức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; giáo dục tại cơ quan, đơn vị, địa phương, trong nhà trường, trong cộng đồng, doanh nghiệp... Giáo dục thuyết phục phải đi đôi với các biện pháp tổ chức, quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm, tư tưởng sai trái làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại.

Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại là vấn đề tất yếu, có tính quy luật của cách mạng Việt Nam.

Đây là giải pháp giữ vai trò quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường, củng cố QP-AN và hoạt động đối ngoại thời kỳ mới. Trên cơ sở nhận thức đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước, Đảng đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn đối với vấn đề này. Các cấp ủy đảng, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa đường lối lãnh đạo của Đảng thành nghị quyết lãnh đạo với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát đúng. Đồng thời, cụ thể hóa thành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch kết hợp cụ thể; ban hành khuôn khổ pháp lý đồng bộ tạo môi trường cho sự kết hợp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kết hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở để thực sự “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” qua đó phát huy vai trò của nhân dân trong triển khai thực hiện.

Ba là, đổi mới phương thức kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường, củng cố QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại.

Trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau, để thực hiện nội dung kết hợp sẽ có cách thức, biện pháp khác nhau. Hiện nay, nước ta thực hiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; mở cửa hội nhập quốc tế; cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; nội hàm của bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển... Trong điều kiện đó, chúng ta phải đổi mới phương thức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đổi mới là để phát huy ưu điểm và tính thống nhất, khắc phục mặt bất đồng; huy động sức mạnh của mọi lĩnh vực, lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2021-2030. Thực hiện đổi mới đồng bộ phương thức kết hợp trong từng lĩnh vực; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những bất cập trong thực hiện các phương thức; sử dụng tổng hợp các biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính trong phương thức kết hợp.

Bốn là, tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường, củng cố QP-AN, bảo vệ môi trường và hoạt động đối ngoại.

Việc tổng kết phải toàn diện, từ việc xác định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đến tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn. Trong quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là các nhà khoa học, thực hiện dân chủ trong nghiên cứu khoa học để tiếp cận đến bản chất của vấn đề. Quá trình tổng kết phải rút ra được những bài học kinh nghiệm, dự báo được sự vận động, phát triển trong tương lai và đề xuất được quan điểm, giải pháp phù hợp để thực hiện tốt việc kết hợp.

Việc phát triển lý luận phải trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu làm rõ nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng trong từng lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đối ngoại để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN TRỌNG XUÂN & Trung tá, ThS. LÊ ĐÌNH THỤ

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tài liệu sử dụng tại đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh và tương đương, Hà Nội, tr. 105.

2. Sđd, tr. 116.

3. Sđd, tr. 127-128.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: