CNQP&KT - Hiện nay, đã bước sang tuổi ngoài 90, người lính Quân giới Phạm Quang Thăng luôn tự hào về những tháng ngày tham gia nghiên cứu, sản xuất vũ khí, đạn dược trong nhà máy mang tên Bác Hồ, cung cấp vũ khí cho bộ đội đánh giặc Pháp và tham gia giúp đỡ nước bạn Lào.

NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀ THỢ QUÂN GIỚI

Mới đây, chúng tôi có dịp gặp người cựu chiến binh Quân giới Phạm Quang Thăng, hiện đang sống tại thành phố Nam Định và được nghe kể về những năm tháng ông làm việc trong ngành Quân giới.

Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Phạm Quang Thăng làm phụ việc ở các ga-ra tư nhân Nam Định, khi đó ông mới tròn 16 tuổi. Sau Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ngày 6/3/1946, lực lượng của Pháp được phép đóng ở một số tỉnh, thành phố nước ta. Tại thành phố Nam Định có hơn 800 quân thuộc Binh đoàn thuộc địa số 6 vào chiếm đóng, gây rối an ninh trật tự, khiêu khích lực lượng tự vệ, uy hiếp tinh thần nhân dân. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đêm 19/12/1946, quân dân Nam Định đồng loạt nổ súng đánh Pháp ở tất cả các điểm đóng quân và làm chủ 3/4 thành phố. Lúc này, đồng chí Phạm Quang Thăng đang làm liên lạc cho tự vệ khu phố Tống Văn Trân (nay là chợ Cửa Trường, thành phố Nam Định). Một hôm, ông tình cờ gặp đồng chí Hoàng Công Bình, Phó ban Trưng thu của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định (là bạn của anh trai ông Thăng). Đồng chí Bình thấy ông Thăng nhanh nhẹn, tháo vát nên nhận làm thư ký riêng. Ban Trưng thu có nhiệm vụ tổ chức trưng thu tàu thủy, ca nô, thuyền, phà; tháo dỡ máy móc ở các nhà xưởng và tài sản gồm: lư hương, đỉnh đồng, mâm, nồi cùng các loại dụng cụ kim khí của nhân dân để sản xuất vũ khí. Công việc của Phạm Quang Thăng là hằng ngày tổng hợp các số liệu hàng hóa nhập kho, chuyển công văn giấy tờ, phân phối tiền, gạo cho cấp dưỡng…


Ông Phạm Quang Thăng (thứ hai từ phải sang) cùng Ban liên lạc Quân giới tỉnh Nam Định.

Tháng 2/1947, Ban Trưng thu được lệnh rút khỏi thành phố Nam Định lên Chi Nê, Đầm Đa (Hòa Bình). Mũi vận chuyển theo đường bộ do đồng chí Hoàng Công Bình phụ trách. Một mũi vận chuyển theo đường thủy do Phạm Quang Thăng phụ trách, gồm hơn 100 chiếc tàu, thuyền, ca nô… chở đầy nguyên vật liệu. Để đảm bảo bí mật, ông Thăng yêu cầu các thuyền phải đi vào ban đêm và đi cách xa nhau; ban ngày ngụy trang che chắn để máy bay địch không phát hiện được. Tuy vậy, các mũi vận chuyển vẫn vấp phải sự đánh phá ác liệt của quân Pháp; nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị bị phá hủy; một số cán bộ, công nhân và dân quân hy sinh. Trước tình hình đó, lãnh đạo Ban quyết định tạm đóng quân tại Ỷ Na, gần huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Với tinh thần tự lực, tự cường, những người lính thợ Quân giới của xưởng sản xuất vũ khí đóng quân tại xã An Bình (Nho Quan, Ninh Bình) đã sản xuất được nhiều loại vũ khí, như: mìn, lựu đạn, đạn bazoka, súng phóng lựu... kịp thời trang bị cho lực lượng vũ trang đánh địch.

Có một kỷ niệm mà người cựu chiến binh Quân giới Phạm Quang Thăng không bao giờ quên, đó là lần ông và một cán bộ có tên là Mô được cử đi Bình Khang (Ninh Bình) công tác, dẫn đường là một dân công người địa phương. Vừa từ chân núi đi ra đường cái, hai người bất ngờ gặp xe chở quân của địch từ phía Chi Nê đi xuống. Chúng dừng xe tại dốc Xích Thổ bắn như vãi đạn về phía 3 người. Phạm Quang Thăng nhanh chóng băng mình thoát lên đồi, còn hai người đi cùng không kịp ẩn nấp, trúng đạn hy sinh. Khi địch đã rút đi, anh em trong Ban đinh ninh họ đã hy sinh, chuẩn bị tỏa đi tìm  xác về mai táng thì Phạm Quang Thăng đột ngột xuất hiện, người bê bết bùn đất. Gặp lại đồng đội, Phạm Quang Thăng không kìm nổi những dòng nước mắt vì thương tiếc hai người vừa hy sinh…


Một số loại vũ khí do Quân giới sản xuất thời kỳ kháng chiến chống Pháp trưng bày tại Bảo tàng thành phố Nam Định.

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ, dẫn cán bộ của Ban đi khảo sát một số hang và khu đất dưới chân núi để tìm địa điểm đóng quân mới. Qua nhiều lần khảo sát và họp bàn, xét thấy Ỷ Na có nhiều thuận lợi, nhất là yếu tố bảo đảm bí mật, nên lãnh đạo Ban quyết định gây dựng cơ sở sản xuất vũ khí tại đây. Công việc được tiến hành mau lẹ, nhà cửa, lán trại được nhanh chóng xây dựng. Cán bộ, công nhân được bổ sung, tăng cường từ các đơn vị; nguyên vật liệu được vận chuyển từ nhiều nơi về phục vụ nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, Ban Trưng thu được chuyển thành Ban Chuyên môn, tổ chức sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Với tinh thần tự lực, tự cường, chỉ trong thời gian ngắn, những người lính thợ Quân giới đóng quân tại xã An Bình (Nho Quan, Ninh Bình) đã sản xuất được nhiều loại vũ khí, như: mìn, lựu đạn, đạn bazoka, súng phóng lựu... kịp thời trang bị cho lực lượng vũ trang và nhân dân đánh địch.

LÀM VIỆC TRONG NHÀ MÁY QUÂN GIỚI MANG TÊN BÁC

Giữa năm 1947, cơ sở sản xuất vũ khí tại xã An Bình được cấp trên phê duyệt mang tên Nhà máy Hồ Chí Minh, thuộc Chiến khu 2. Theo cựu chiến binh Quân giới Phạm Quang Thăng, từ ngày vinh dự được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cán bộ, công nhân viên trong toàn Nhà máy càng nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để bảo đảm bí mật, an toàn, Nhà máy chia làm 3 trạm, đứng chân trên ba địa điểm khác nhau của huyện Nho Quan (Ninh Bình), giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Trạm 1 gồm có văn phòng, kho cất giữ, các xưởng: hóa chất, đúc, hàn gò, mộc và rèn. Trạm 2 là kho chứa bán thành phẩm đặt tại nơi có địa hình thuận lợi, trên bến dưới thuyền, tiện cho giao thương. Trạm 3 gồm có các xưởng: tiện, nguội, khoan, sửa chữa máy móc và tổng lắp.

 Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình sản xuất, Nhà máy Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là một số quy trình công nghệ phải làm thủ công. Chẳng hạn, việc sấy thuốc nổ bằng cách cho thuốc vào vạc đun để bay hết hơi nước hoặc đun thuốc nổ bằng biện pháp cách thủy để thuốc chảy ra rồi múc thuốc đổ vào quả mìn. Có hôm đơn vị thử mìn, anh em đào lỗ chôn, lấy tấm tôn dày đậy lên, sau đó khệ nệ vác đá xếp thật nặng, một người nấp dưới hố giật dây. Người thính tai có thể nghe thấy tiếng kim hỏa đánh, thế nhưng do quả mìn cứ “im thin thít” nên anh em phải chờ vài giờ sau mới dùng sào dài chọc quả mìn trồi lên mặt đất, tháo ra tìm nguyên nhân khắc phục. Sản xuất vũ khí vừa nguy hiểm, vừa độc hại, chỉ sơ sểnh là mang thương tật suốt đời, thậm chí là hy sinh. “Có lần, một đồng chí đang đun thuốc, lửa bắt vào chảo thuốc cháy thiêu trụi cả dãy lán, may mắn không có ai bị thương vong” - cựu chiến binh Quân giới Phạm Quang Thăng nhớ lại.

Những người lính thợ Quân giới sát cánh cùng với bộ đội tình nguyện Việt Nam, quân và dân Lào chống địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ kháng chiến; vừa tiến hành xây dựng và phát triển thực lực cách mạng cho nước bạn Lào.

Ông Thăng đã bị tai nạn trong quá trình làm việc độc hại mà thiếu phương tiện bảo hộ như thế. Lần đó, ông phải dùng tay để nhào trộn thuốc nổ, hơi độc và bụi thuốc nổ đã ảnh hưởng trực tiếp vào mắt. Do điều kiện chữa trị thời kỳ đó còn rất thiếu thốn, nên một thời gian sau, người lính thợ thành Nam đã vĩnh viễn bị hỏng một bên mắt. Không chỉ riêng ông, thời kỳ chiến tranh, đời sống của cán bộ, công nhân viên Nhà máy cũng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhất là thiếu thuốc men chữa bệnh, khiến một số người bị chết hoặc mang thương tật suốt đời.

BÊN NƯỚC BẠN LÀO

Năm 1950, biên giới Việt - Trung được giải phóng. Năm 1952, quân ta đánh tan hệ thống đồn bốt của địch ở Mộc Châu (Sơn La), khai thông tuyến biên giới Việt - Lào. Năm 1953, Phạm Quang Thăng được cử vào Quân giới Liên khu 3 - 4, nhận nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản và hướng dẫn sử dụng vũ khí cho bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nước bạn Lào. Quá trình hành quân, những người lính Quân giới phải đi bộ liên tục nhiều ngày đường, vượt qua nhiều đồi núi, sông ngòi mới đến được tỉnh Phôngxalỳ rồi đi về thị xã Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong quá trình công tác tại nước bạn Lào. Thời đó, mỗi người chỉ có một bộ quần áo, ngày mặc, đêm giặt rồi phơi lên cây cho khô để hôm sau mặc lại. Mùa hè ở Lào rất khắc nghiệt, nắng chói chang, cơ thể lúc nào cũng nóng ran. Vất vả là thế, nhưng Phạm Quang Thăng và đồng đội đều nỗ lực vượt qua, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những người lính thợ Quân giới sát cánh cùng với bộ đội tình nguyện Việt Nam, quân và dân Lào chống địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ kháng chiến; vừa tiến hành xây dựng và phát triển thực lực cách mạng cho nước bạn Lào. Sau một thời gian, Phạm Quang Thăng và các đồng sự được lệnh trở về Việt Nam.

Sau này, đồng chí Phạm Quang Thăng chuyển ngành và công tác tại quê nhà Nam Định. ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Quân giới tỉnh Nam Định. Hiện nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mỗi khi nhắc lại những năm tháng đóng góp cho ngành Quân giới, ký ức tuổi trẻ vẫn vẹn nguyên trong ông. Đó là quãng thời gian vô cùng gian khó và rất đỗi tự hào, bởi đồng chí Phạm Quang Thăng đã góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng, phát triển ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam Anh hùng.

Bài và ảnh: VƯƠNG VĂN KIỂM

Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: