CNQP&KT - Ngày 25/11, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP) và 10 năm tham gia lĩnh vực CNQP.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP; thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng Không - Không quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh 86... Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 12 năm qua, Tập đoàn Viettel đã có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước tích lũy được nguồn lực để tham gia nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Năm 2018, Tập đoàn được đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội càng thể hiện rõ vai trò và nhiệm vụ của Viettel trong phát triển CNQP công nghệ cao. Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh CNQP và các văn bản pháp luật liên quan. Các cơ quan chức năng của Viettel đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNQP công nghệ cao; được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ trong các chương trình CNQP quan trọng. Đến nay, Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công hàng chục sản phẩm thuộc 10 ngành CNQP công nghệ cao với nhiều công nghệ lõi quan trọng. Trong đó, đã sản xuất cung cấp cho Quân đội hơn 30 dòng sản phẩm thuộc 8 ngành. Viettel cũng đã đăng ký 298 sáng chế trong nước và 35 sáng chế ở nước ngoài (được cấp bằng bảo hộ cho 27 sáng chế trong nước và 3 sáng chế tại nước ngoài). Viettel đã đầu tư xây dựng, cơ bản hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại phục vụ hoạt động nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNQP. Viettel đang có 6 đơn vị tham gia vào lĩnh vực CNQP với hàng nghìn nhân sự chất lượng cao; trong đó tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 25% tổng số lượng cán bộ nghiên cứu. Trong giai đoạn 2021-2025, Viettel sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNQP công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng; phát triển các vũ khí, trang bị thế hệ mới, thông minh, chính xác, tin cậy hơn và mở rộng ra không gian vũ trụ; phấn đấu nằm trong danh sách 80 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới, làm nòng cốt trong xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao tại Việt Nam.


Tập đoàn Viettel trao khen thưởng tặng các tập thể đạt thành tích cao trong thực hiện Pháp lệnh CNQP.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đánh giá: Sau hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP và 10 năm chính thức tham gia lĩnh vực CNQP, Viettel đã tạo niềm tin về việc người Việt Nam làm chủ được các trang bị, vũ khí công nghệ cao; đã sản xuất cung cấp trang bị quân sự giúp nhiều quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại; từng bước xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại để phát triển CNQP; đồng thời xác định được hướng đi mới trong phát triển CNQP, như phát huy nguồn lực doanh nghiệp; doanh nghiệp chủ động đề xuất nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đặt hàng nghiên cứu và mua sắm sản phẩm; tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, làm chủ các công nghệ lõi. Ngoài ra, hoạt động CNQP của Viettel mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Thượng tướng Bế Xuân Trường và các đại biểu xem một số sản phẩm quốc phòng do Viettel nghiên cứu, chế tạo.

  Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Bế Xuân Trường biểu dương những kết quả Tập đoàn Viettel đã đạt được trong 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP và 10 năm tham gia vào lĩnh vực CNQP; đồng thời, yêu cầu trong thời gian tới Tập đoàn cần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng giao; xây dựng Tổ hợp CNQP công nghệ cao; nghiên cứu thiết kế, cải tiến, hiện đại hóa, làm chủ một số loại vũ khí, trang bị mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Viettel phải tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển CNQP, đặc biệt là Chiến lược Quốc phòng. Tiếp tục tham mưu, đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động được mọi nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển CNQP; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNQP công nghệ cao; có chính sách để đào tạo, thu hút, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xây dựng và phát triển CNQP…

Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo, chỉ huy Tập đoàn Viettel đã trao thưởng tặng các tập thể đạt thành tích cao trong thực hiện Pháp lệnh CNQP.

 Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: