CNQP&KT - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, đặc biệt là vào thời điểm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc là thời điểm mà mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước và cũng là cơ hội để các thế lực thù địch, thành phần thoái hóa, bất mãn, tiêu cực tập trung chống phá, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực chất, đây là âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi bản chất chính trị, bản chất giai cấp của Đảng.

Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời điểm diễn ra đại hội đảng các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW (ngày 30/5/2019) về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, chưa bao giờ mà các thế lực thù địch, phản động lại chống phá cách mạng Việt Nam quyết liệt như trong thời gian gần đây. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Đảng ta xác định phải: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình", chống phá của các thế lực thù địch; kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào các công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”1. Như vậy, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phải quan tâm, chăm lo và xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phát hiện sớm và triệt tiêu các yếu tố bất lợi, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 

“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

(Nguồn: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 18/10/2018 của Bộ Chính trị)

Để nâng cao nhận thức và định hướng hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động; nhất là những phương thức, thủ đoạn mới trên không gian mạng. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phân tích, đánh giá đúng bản chất, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, phát huy vai trò, trách nhiệm của công dân đối với đất nước để tăng cường sức đề kháng, tạo sức mạnh trong đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.


Đoàn viên trong các lực lượng vũ trang tham gia tọa đàm khoa học “Kinh nghiệm thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".   Ảnh: CTV

Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, các nhà khoa học để làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh, tránh tạo ra khoảng trống cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.

Tích cực, chủ động nghiên cứu và luận giải sâu sắc những vấn đề mới nảy sinh; nghiên cứu tổng kết thực tiễn, khái quát, bổ sung, phát triển lý luận trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quán triệt quan điểm của Đảng về “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”2. Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Đặc biệt quan tâm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, thiết thực và cụ thể. Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban chỉ đạo 35 các cấp, Lực lượng 47 trong cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng.

“Nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến hại nước, hại dân”.

(Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng)

Ba là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, tận tâm phục vụ nhân dân.

Cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”3.

Bốn là, cấp ủy đảng các cấp quán triệt, thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, Đại hội có hai vấn đề quan trọng là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; thực hiện tốt bốn nội dung về công tác nhân sự với quan điểm dưới có vững thì trên mới bền chắc; đại hội các cấp, các ngành có tốt thì đại hội toàn quốc mới tốt được. Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài dẫn đến hại nước, hại dân. Đặc biệt, sau khi đại hội đảng bộ các cấp đã tổ chức thành công, cần tổ chức quán triệt sâu rộng nghị quyết đại hội tới mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; xây dựng chương trình hành động với những nội dung, giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, đơn vị.

Năm là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, nhân rộng các mô hình, phương thức mới trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Để làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương với những cách làm hay, sáng tạo, mô hình hoạt động hiệu quả, nhất là những hình thức mới, sát thực tế. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong giám sát, quản lý và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để tình trạng lây lan, phát tán thông tin xấu độc, phản động, gây tâm lý hoài nghi, dao động, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị tập trung đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Vì vậy, để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải quan tâm chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá, TS.  HOÀNG VĂN PHAI* & TS. ĐỚI VĂN TẶNG**

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội, tháng 2 năm 2020, tr.28, 30.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Hà Nội, tháng 2 năm 2020, tr.16.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.21.

 

* Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự.

** Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: